Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 7

04:05, 05/05/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng vùng kinh tế mới, năm 1977, Ban kinh tế mới và Ban chỉ đạo kinh tế B đã hợp nhất và lấy tên là Ban kinh tế mới, trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh. Ngày 19-4-1978, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 13-NQ/TU chỉ đạo đẩy mạnh cuộc vận động khai hoang mở rộng diện tích, xây dựng vùng kinh tế mới, đồng thời chỉ đạo các huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhân dân xây dựng vùng kinh tế mới đạt kết quả tốt. Từ năm 1976 đến 1979, tỉnh lập thêm các xã mới vùng ven biển gồm: Nghĩa Điền, Nam Điền (Nghĩa Hưng) và Hải Thịnh (Hải Hậu).

    Cùng với việc phân bổ lại dân cư trên địa bàn, tỉnh chỉ đạo tiếp tục cuộc vận động đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh Tây Nguyên và Trung du, miền núi phía Bắc. Qua 4 năm thực hiện (1976-1979), các huyện, thành phố thuộc khu vực Nam Định đã đưa 6.476 hộ với tổng số 49.568 nhân khẩu đi xây dựng vùng kinh tế mới. Các huyện làm tốt công tác này là: Nam Ninh, Xuân Thuỷ, Hải Hậu. Tại các vùng kinh tế mới, nhân dân ra sức khai hoang, phục hoá, xây dựng nhà cửa, ổn định đời sống, tập trung phát triển kinh tế. Chính sách khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới góp phần phân bổ lại dân cư lao động hợp lý hơn, giảm sức ép dân số ở các vùng nông thôn đông dân cư, mở rộng diện tích đất đai canh tác, hình thành nên những đơn vị hành chính mới.

    Đi đôi với sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từng bước được tổ chức lại theo hướng tập trung chuyên môn hoá, hợp tác hoá sản xuất giữa các ngành và xí nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kĩ thuật ngày càng tăng.

    Thực hiện Chỉ thị số 97-CT/TTg ngày 27-3-1979 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 5-4-1979 của  Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường chỉ đạo cải tiến quản lý thực hiện Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, sau khi làm điểm ở 4 xí nghiệp, tỉnh đã mở rộng ra 31 xí nghiệp và 5 công ty. Phong trào thi đua lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất tăng năng suất, sản lượng ở các xí nghiệp, nhà máy diễn ra sôi nổi. Tiêu biểu như Xí nghiệp gạch Nam Định đã liên hệ với Xí nghiệp vận tải lương thực, Công ty điện lực tiến hành cải tiến quản lý xí nghiệp, sửa đổi lại định mức kinh tế, chấn chỉnh khâu bảo quản, giao nhận nên tiết kiệm hàng chục tấn xăng dầu, hàng nghìn tấn than và nhiều vật tư xây dựng. Trong điều kiện thiếu nguyên liệu, một số xí nghiệp mạnh dạn đưa ra sáng kiến tận dụng nguồn nguyên liệu phế thải, khai thác nguyên liệu địa phương để duy trì sản xuất như: Xí nghiệp giấy Nam Định, Xí nghiệp sản xuất chăn bông Nam Định.

    Nhằm phát triển hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân, năm 1980, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Ban Kinh tế - Kế hoạch và Ban Công nghiệp, đồng thời chỉ đạo chú trọng sản xuất tư liệu phục vụ nông nghiệp. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành công nghiệp trong tỉnh đã tập trung sản xuất các mặt hàng thiết thực phục vụ cho nông nghiệp. Trong số 80 mặt hàng chủ yếu, có 30 mặt hàng phục vụ nông nghiệp, nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn cao như phụ tùng máy kéo, máy bơm...

    Song song với việc đẩy mạnh xây dựng công nghiệp quốc doanh, ngành tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt ngành nghề thủ công trong nông nghiệp cũng được mở rộng. Nhiều hợp tác xã phát triển tiểu thủ công nghiệp đạt giá trị kinh tế từ 2-4 triệu đồng, chiếm 40-60% giá trị kinh tế công nghiệp của xã như: Hải Vân (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Thuỷ)... Tổng sản lượng công nghiệp trong ba năm 1977-1979 so với ba năm 1974-1976, bình quân mỗi năm tăng 31%. Năm 1979 toàn tỉnh có 7 huyện đạt giá trị sản lượng công nghiệp 10 triệu đồng trở lên. Riêng huyện Nam Ninh và thành phố Nam Định, mỗi đơn vị đạt gần 40 triệu đồng. Phong trào thi đua trong công nghiệp đã xuất hiện những điển hình tiên tiến như: Xí nghiệp cơ khí Nam Hà, Hợp tác xã cơ khí thủ công nghiệp Tân Tiến (Nam Ninh), Xí nghiệp gạch ngói Nam Ninh... Những điển hình tiên tiến đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý về xây dựng công nghiệp địa phương, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Khu vực Nam Định đã hình thành trung tâm công nghiệp ở thành phố Nam Định và trung tâm tiểu thủ công nghiệp là huyện Nam Ninh. Thành phố Nam Định vẫn giữ vững vị trí lá cờ đầu trong ngành dệt may của miền Bắc. Thành phố đầu tư xây dựng nhiều xí nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành công nghiệp nặng phục vụ phát triển kinh tế địa phương và đời sống nhân dân.

    Trong điều kiện tình hình sản xuất và hàng hoá giảm, nhiều công ty thương nghiệp và cửa hàng ăn uống quốc doanh đã mở rộng quan hệ liên doanh, liên kết với tỉnh bạn, khai thác nông sản, thực phẩm, tăng thêm nguồn hàng phục vụ nhân dân. Ngành thương nghiệp còn tăng thêm các điểm mậu dịch, phát triển thêm nhiều quầy hàng rau, thực phẩm, mở rộng hình thức đưa hàng hoá vào các tiểu khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp, phân phối thông qua các hợp tác xã tiêu thụ; nhận đặt hàng cho các gia đình chính sách; thay đổi giờ bán hàng cho phù hợp với thời gian làm việc của cán bộ, nhân dân. Từ tháng 8-1979, Chính phủ ban hành quyết định bãi bỏ các trạm kiểm soát mang tính “ngăn sông, cấm chợ”, cho phép lưu thông hàng hoá. Quyết định đó tạo điều kiện cho việc giao lưu hàng hoá, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp giữa các tỉnh với Hà Nam Ninh.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com