Nông thôn mới trên quê biển anh hùng

10:04, 29/04/2016

Những ngày tháng Tư lịch sử, về xã Giao Hải (Giao Thủy), chúng tôi cảm nhận rõ sự chuyển mình ở một vùng quê biển anh hùng. Khí thế hào hùng trong những trang sử của những tháng năm không thể nào quên như đang đồng vọng cùng những đổi thay mạnh mẽ của NTM Giao Hải hôm nay.

Lịch sử hào hùng
 
Ngược về những thập niên 60-70 của thế kỷ XX, nhân dân xã Giao Hải “tay súng, tay cày”, vừa chống giặc, vừa tiếp tục cải tạo đồng ruộng, xây dựng những “cánh đồng 5 tấn”. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, nhân dân xã Giao Hải “thắt lưng buộc bụng” không tiếc sức người, sức của đóng góp, chi viện cho cách mạng miền Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một hậu phương nhỏ trong cuộc chiến lớn của dân tộc. Nhớ lại những ngày tháng hào hùng đó, đồng chí Trần Văn Phung, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã kể lại: Giao Hải lúc đó là địa bàn trọng yếu của huyện, tỉnh và Quân khu 3, là trọng điểm đánh phá của địch hòng bẻ gãy tuyến phòng thủ ven biển, phá hoại sản xuất, hạn chế việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Do vậy, cùng với nhiệm vụ lãnh đạo quân dân phòng, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, Đảng bộ xã đã lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế giữ vững sản xuất để vừa xây dựng quê hương, vừa có nguồn lực chi viện sức của, sức người cho tiền tuyến lớn với các khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… Tranh thủ lúc địch không bắn phá, không quản ngại khó khăn nhân dân xã Giao Hải bám đồng đẩy mạnh sản xuất. Do lực lượng thanh niên chủ yếu phải ra chiến trường và thường trực sẵn sàng chiến đấu, thời kỳ này lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ đảm nhiệm mọi công việc sản xuất. Chị em vừa đảm việc nhà, vừa lo việc nước. Các bậc phụ lão để thi đua với con cháu đã thực hiện khẩu hiệu “Trẻ xông pha, già mẫu mực” tích cực đóng góp sức mình vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Bị thất bại nặng nề ở cả 2 miền Nam - Bắc, năm 1973 Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri, rút quân về nước. Với niềm phấn khởi từ thắng lợi to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân Giao Hải tập trung sức lực nhanh chóng khôi phục và dấy lên phong trào thi đua sản xuất đạt và vượt mục tiêu phấn đấu của huyện đề ra: 6-6,8 tấn thóc/ha, mỗi gia đình nuôi trung bình 2,3-2,8 con lợn và 1,2 lao động/ha gieo trồng cả năm; nghề đánh bắt thủy, hải sản phát triển mạnh mẽ… dồn sức cho miền Nam hoàn thành nốt chặng cuối của cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 679 con em Giao Hải đã nhập ngũ, 32 người tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, hàng trăm người tham gia lực lượng dân quân xã, chiến đấu bảo vệ quê hương. Trong 20 năm đánh Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Giao Hải đã đóng góp cho Nhà nước 3.377 tấn lương thực, 264 tấn thịt lợn, hàng nghìn tấn tôm, cá và rau các loại, vượt chỉ tiêu được giao… Năm 1966, Giao Hải được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất vì thành tích đặc biệt xuất sắc bắn rơi máy bay Mỹ. Hội Phụ nữ xã được Trung ương Hội tặng Cờ Thi đua 10 năm liền đạt danh hiệu xuất sắc “Phụ nữ ba đảm đang”. Năm 1967, HTXNN được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. 628 lượt tập thể, cá nhân, gia đình có đóng góp và thành tích xuất sắc được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu “4 tốt” vững mạnh. Từ năm 1966-1975, xã liên tục đạt danh hiệu Thi đua Quyết thắng. Những chiến công, thành tích xuất sắc ấy đã viết lên trang hào hùng của lịch sử quê hương. Năm 2002, xã Giao Hải được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVTND” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Diện mạo nông thôn mới Giao Hải.
Diện mạo nông thôn mới Giao Hải.
Hướng tới xã nông thôn mới
 
Truyền thống cách mạng anh hùng đó đã được các thế hệ cán bộ, nhân dân Giao Hải phát huy, tiếp nối trên mặt trận kinh tế, xây dựng quê hương đổi mới. Đồng chí Đỗ Ngọc Huỳnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đảng bộ và nhân dân Giao Hải luôn vinh dự và tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang của các lớp thế hệ đi trước. Những năm qua, Giao Hải không ngừng vươn lên trên mọi lĩnh vực. Bài toán phát triển kinh tế được Đảng bộ, chính quyền xã giải quyết bằng nhiều quyết sách đúng đắn, tạo bước đột phá quan trọng. Trong lĩnh vực trồng trọt, xã chỉ đạo chuyển dịch mạnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng bằng các giống có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá vào sản xuất. Đặc biệt, giống lúa TX111 đang được bà con nơi đây nhân rộng đã khẳng định hướng phát triển phù hợp với biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, nhất là tình trạng nhiễm mặn ở vùng sản xuất lúa của địa phương. Các khâu kỹ thuật trong canh tác được xã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt với định hướng tăng cường ứng dụng kỹ thuật khoa học tiến bộ vào sản xuất. Do vậy năng suất lúa bình quân hằng năm của Giao Hải luôn đạt 130 tạ/ha. Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa tập trung, Đảng ủy, UBND xã Giao Hải quy hoạch, chuyển đổi 20ha đất trồng lúa năng suất thấp ngoài khu đê dự phòng sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp. Đồng thời triển khai hiệu quả việc cho thuê đất ưu đãi ở khu chuyển đổi; hướng dẫn, giúp đỡ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh công tác khuyến nông - khuyến ngư, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi và nuôi thủy sản. Tại vùng chuyển đổi, các hộ đã tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp và kết hợp nuôi thủy sản với các đối tượng nuôi mới giá trị kinh tế cao như: cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép Vân Nam... Nhiều hộ gia đình từ phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã thoát nghèo. Trang trại đạt doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng, thu lãi hàng trăm triệu đồng không còn là chuyện lạ ở Giao Hải. Sự hình thành, phát triển vững vàng của các mô hình kinh tế ở khu chuyển đổi sản xuất đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán của nông dân trong xã. Hiện trên địa bàn xã hình thành hàng chục trang trại lớn. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần đưa kinh tế trang trại, gia trại trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo những đột phá trong phát triển kinh tế của xã. Xác định kinh tế biển là mũi nhọn của địa phương, những năm gần đây, Giao Hải khuyến khích, động viên ngư dân tích cực chuyển đổi phương tiện, ngư cụ đánh bắt. Từ chỗ chỉ có 6 tàu công suất trên 90CV (năm 2011), đến nay xã đã có 40 tàu có công suất trên 180CV. Nhờ phát triển đội tàu khai thác có công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ hiện đại nên ngư dân Giao Hải đã đẩy mạnh đánh bắt thủy sản, có điều kiện vươn khơi ra các ngư trường xa. Sản lượng khai thác tăng mạnh từ 800 tấn lên 1.550 tấn/năm. Vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày, người dân Giao Hải xưa anh hùng trong chống Mỹ, nay tiếp tục góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo Tổ quốc. Mặc dù không phải là xã điểm xây dựng NTM trong giai đoạn 2011-2015 nhưng xã Giao Hải đã chủ động xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tuyên truyền vận động huy động các nguồn lực, đẩy mạnh phong trào “chung sức xây dựng NTM”. Trên quê hương Giao Hải hôm nay, nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã hội, nhiều dãy nhà khang trang của người dân được xây mới, các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa chạy dài khắp thôn, xóm. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, Giao Hải đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí. Xã phấn đấu hoàn thành Chương trình xây dựng NTM ngay trong năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm.
 
Một mùa thống nhất trọn niềm vui nữa lại đến. Mục tiêu xây dựng quê hương giàu đẹp đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Giao Hải nỗ lực từng ngày thực hiện với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với hành trang nền tảng là truyền thống cách mạng anh hùng!
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com