Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 6

05:05, 03/05/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Từ năm 1980, Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý ở các hợp tác xã trong các cụm điểm kinh tế, gắn liền với phân cấp cho cấp huyện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn ba cụm làm điểm ở ba khu vực. Khu vực Nam Định có cụm 3/2 với diện tích 3.518 ha của huyện Nam Ninh. Các hợp tác xã ở cụm 3/2 đã lấy việc thâm canh lúa làm ngành sản xuất chính; chăn nuôi lợn, phát triển ngành nghề là ngành sản xuất bổ sung; chuyển dần từng bước chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính, ở các cụm điểm, bước đầu thực hiện phương thức liên doanh trong sản xuất. Đây là một hình thức tổ chức mới, làm cơ sở định hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Việc phân vùng quy hoạch các hợp tác xã điểm phù hợp với việc phân vùng quy hoạch của tỉnh. Phương hướng sản xuất của từng cụm hợp tác xã được xác định phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương. Từ kết quả làm điểm, tỉnh đã tổng kết và triển khai trên địa bàn các huyện.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề làm thử chế độ phân phối mới ở hợp tác xã nông nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo làm điểm ở hai huyện: Tam Điệp và Vụ Bản. Hợp tác xã Trung Thành và Đại Thắng (Vụ Bản) là điển hình làm tốt chế độ phân phối mới. Đó là chính sách phân phối theo định suất, định lượng và phân phối theo lao động. Nhưng trong quá trình thực hiện, cách phân phối này bộc lộ nhiều hạn chế, không mang lại hiệu quả như mong muốn. Do vậy, từ năm 1979 Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành xoá bỏ phân phối theo định suất, định lượng, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời chú ý tăng phúc lợi xã hội.

    Trong quản lý, điều hành, do duy trì quá lâu mô hình hợp tác xã nông nghiệp theo phương thức quản lý tập trung, quy mô lớn, chế độ “khoán việc” không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Các định mức khoán chưa thích hợp thiếu kiểm tra, nghiệm thu, thưởng phạt không công bằng dẫn tới tình trạng “rong công, phóng điểm” đã hạn chế nhiệt tình sản xuất của nông dân, dẫn đến mâu thuẫn giữa lợi ích của người nông dân và lợi ích của toàn xã hội.

    Để khắc phục bất cập trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện Thông báo số 22-TB/TW ngày 22-10-1980 của Ban bí thư Trung ương về một số công tác trước mắt trong việc củng cố hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng huyện đồng bằng và trung du miền Bắc, Tỉnh ủy ra nghị quyết chỉ đạo các huyện tiến hành làm thử khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn 9 hợp tác xã làm điểm: Hợp tác xã Nam Hải (Nam Ninh), Khánh Lão (Vụ Bản), Yên Khánh (Ý Yên). Tây Phú (Nghĩa Hưng), Lộc An (thành phố Nam Định), Giao Hương, Giao Hà, Xuân Hồng (Xuân Thuỷ), Hải Nam (Hải Hậu). Kết quả làm điểm đã khẳng định phương thức khoán mới tạo điều kiện cho người nông dân bước đầu chủ động trong sản xuất, gắn lao động của xã viên với kết quả cuối cùng của sản xuất, đem lại lòng tin cho hộ xã viên. Từ kết quả làm điểm, Tỉnh ủy triển khai hình thức khoán mới trên diện rộng. Trong tổng số 564 hợp tác xã, có 116 hợp tác xã thực hiện hình thức khoán sản phẩm 100% diện tích; 180 hợp tác xã khoán sản phẩm một phần diện tích; 264 hợp tác xã khoán sản phẩm cho nhóm lao động. Huyện làm tốt công tác khoán này là Xuân Thuỷ với 36/41 hợp tác xã.

    Chăn nuôi là ngành sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp nhưng do kết quả sản xuất vụ mùa 1975 thấp nên năm 1976, ngành chăn nuôi của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tổng đàn lợn đến thời điểm tháng 10-1976 có 706.136 con, đạt 93,9% kế hoạch và bằng 95,5% so với năm 1975, trong đó đàn lợn tập thể đạt 119.156 con, bằng 90% so với năm 1975; đàn trâu đạt 97,5% kế hoạch. Tuy nhiên, do chăn nuôi tập thể thời gian này có xu hướng sụt giảm, cộng với ảnh hưởng của chiến tranh tác động, đến tháng 10-1979, đàn lợn có 673.445 con, trong đó, đàn lợn tập thể có 124.478 con. Đàn trâu tiếp tục sụt giảm, có 79.446 con, đạt 90% kế hoạch và 94% so với năm 1978. Nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở các  huyện ven biển: Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Huyện Hải Hậu đã hình thành 21 cơ sở nuôi cá, bước đầu tự túc được giống, sản xuất có lãi, tăng thu nhập cho hợp tác xã Huyện Nam Ninh là lá cờ đầu đạt thành tích cao trong phong trào chăn nuôi của tỉnh, hằng năm, đàn lợn của huyện duy trì ở mức 18 đến 20 nghìn con.

    Ngày 1-3-1979, tỉnh phát động phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”. Phong trào được triển khai rộng khắp tới các huyện, xã trong toàn tỉnh. Tỉnh ủy, uỷ ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo cải tạo hồ Tức Mặc (thành phố Nam Định) thành trung tâm “Ao cá Bác Hồ”. Sau khi hoàn thành việc cải tạo hồ, hợp tác xã Lộc Vượng đã thả 10 vạn con cá giống các loại. Các hợp tác xã điển hình trong phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” là: Hải Xuân (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Thuỷ), Chính Nghĩa, Nam Thái (Nam Ninh), Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), Yên Chính (Ý Yên), Hợp Hưng (Vụ Bản), Trường cấp III Lý Tự Trọng (Nam Ninh).

    Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống, tỉnh đã chú trọng chỉ đạo công tác xây dựng cơ bản. Năm 1979, toàn tỉnh khởi công xây dựng 30.000m2 nhà ở, đưa vào sử dụng 25.000m2 (có 2.000m2 nhà cao tầng), xây dựng 4.764m2 trường học, 1.450m2 bệnh viện, trạm y tế. Các huyện ở khu vực Nam Định tích cực xây dựng hệ thống thuỷ lợi ở vùng trọng điểm lúa Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nam Ninh và các vùng trọng điểm kinh tế của huyện Nam Ninh, thành phố Nam Định. Tỉnh triển khai đắp đê sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ, nạo vét hàng triệu mét khối đất, khơi thông kênh mương; xây dựng quy hoạch thành phố Nam Định, tập trung xây dựng cụm kinh tế 3/2 ở Nam Ninh.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com