Khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá (1973-1975) - Kỳ 2

06:03, 15/03/2016

(Tiếp theo)

    Đối với nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm 1973, toàn tỉnh phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, trong đó trọng tâm là khôi phục sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp và giao thông vận tải; khôi phục các khu vực bị đánh phá nặng nề như thành phố, thị xã, thị trấn cùng một số nơi khác; khôi phục cơ sở sản xuất và cơ sở văn hoá gắn với xây dựng mới.

Thực hiện chiến dịch dệt khẩn cấp 1 triệu mét vải để may cờ phục vụ giải phóng miền Nam (năm 1975).
Thực hiện chiến dịch dệt khẩn cấp 1 triệu mét vải để may cờ phục vụ giải phóng miền Nam (năm 1975).

    Trước hết phải tập trung vào việc rà phá bom mìn, san dọn những nơi bị địch đánh phá, vệ sinh tẩy uế; xây dựng nhà cửa đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của dân; khôi phục và mở rộng cơ sở văn hóa, phúc lợi công cộng, khách sạn, kho tàng xí nghiệp, cơ quan. Phải triển khai tốt công tác trật tự an ninh. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn của Tỉnh ủy vì trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã tàn phá và làm hư hỏng 121.265m2 nhà ở của thành phố Nam Định (thành phố quản lý 60.185m2; các cơ quan, xí nghiệp của tỉnh 4.880m2; cơ quan, xí nghiệp trung ương 36.968m2; nhà cửa của nhân dân 19.232m2), làm cho 7.000 hộ và 12 quan không có chỗ ở và nơi làm việc. Hội nghị đã quyết định trong sáu tháng đầu năm 1973 phải làm xong 77.000m2 cho cơ quan, xí nghiệp và thành phố. Để thực hiện được chỉ tiêu trên, Tỉnh ủy đề ra ba hình thức (nhà nước xây dựng, vận động phong trào nhân dân nông thôn tương trợ thành phố, vận động nhân dân tự làm kết hợp với nhà nước bán nguyên vật liệu và ngân hàng cho vay).

    Trong khi xây dựng cần khẩn trương san lấp, tận dụng diện tích sẵn có; làm thêm các khu tập thể trong các cơ quan, xí nghiệp nhưng phải triển khai theo quy hoạch; đảm bảo có đủ điện nước, khu vệ sinh, trạm xá, nhà trẻ và mẫu giáo cùng các công trình khác đi kèm (trường cấp I và trường bổ túc văn hoá, cửa hàng, cơ sở truyền thanh và thông tin, thư viện, bưu điện). Tuy là nhà tạm nhưng phải bảo đảm mỹ quan thành phố và có kế hoạch phòng chống bão lụt, hoả hoạn. Trước mắt, ưu tiên giải quyết cho những gia đình bị thiệt hại nặng và cán bộ, công nhân, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, bộ đội miền Nam tập kết và các hộ bị thiếu nhà.

    Các cơ sở phúc lợi công cộng cũng phải tập trung khôi phục như các trường học, bệnh viện, trạm xá khu phố, rạp hát, rạp chiếu bóng, thư viện, nhà bảo tàng, nhà triển lãm, câu lạc bộ, sân vận động, điện nước, nhà trọ, khách sạn, công viên. Ngành thương nghiệp khẩn trương triển khai nhanh mạng lưới phục vụ để đáp ứng nhu cầu mua bán ở thành phố. Ngoài cửa hàng chính cần xây dựng các cửa hàng tạm thời ở khu phố, phát triển mạnh quầy lưu động, tổ chức các hợp tác xã tiêu thụ trong xí nghiệp, đại lý kinh tiêu đường phố để khắc phục dần tình trạng người mua phải xếp hàng chờ đợi quá lâu; phải bán đúng tiêu chuẩn, đối tượng, định lượng. Các chợ tổ chức thành từng ô, từng khu. Các kho vật tư, hàng hóa nói chung chưa đưa về thành phố, chấm dứt việc để hàng hóa ngoài trời, tận dụng triệt để các kho cũ.

    Các cơ quan, xí nghiệp một mặt phải chuyển về thành phố, mặt khác phải đảm bảo sản xuất bình thường. Các xí nghiệp không bị đánh phá phải về ngay và nhanh chóng tổ chức sản xuất. Các xí nghiệp bị mất cơ sở thì khẩn trương khôi phục nhưng vẫn bảo đảm tiếp tục sản xuất ở nơi sơ tán.

    Thành ủy, uỷ ban hành chính thành phố Nam Định tiến hành công tác tổ chức ở các khu phố, khối phố để nắm dân, nắm lao động, quản lý hành chính, tăng cường công tác trật tự an ninh.

    Các thị trấn thuộc các huyện lỵ và các cụm công nghiệp như Lạc Quần hoặc các nông trường như Rạng Đông, Bạc Long cũng cần đi vào khôi phục nhà ở và các công trình phúc lợi, cơ quan hành chính. Những nơi không bị đánh phá cũng đi vào sắp xếp các hoạt động ăn ở, sản xuất.

    Để phát huy những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã đạt được, thúc đẩy khí thế của mùa xuân đại thắng, ngày 17-2-1973, Tỉnh ủy đã ra chỉ thị đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất, công tác, học tập và rèn luyện để xây dựng đất nước, cuộc sống mới, con người mới.

    Để quán triệt Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị, ngày 20- 8-1973, Tỉnh ủy đã họp bàn để ra Nghị quyết về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong tỉnh.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com