[links()]
(Tiếp theo)
Thắng lợi của Đại hội Đảng bộ lần thứ hai đã tạo nên không khí mới đối với địa phương. Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội, ngay từ đầu tháng 3-1972, 30 đồng chí tỉnh ủy viên được phân công về các huyện và các cụm chỉ đạo chiến dịch đắp đê và củng cố hệ thông kè cống; huy động nhân dân, tổ chức đào đắp khắc phục những đoạn đê bị sạt lở trong vụ lũ lớn của năm 1971, sửa chữa, củng cố các đoạn đê biển xung yếu, xử lý một số kè, lái dòng chảy chống sạt lở... Với sự nỗ lực đó, Nam Hà đã vượt khối lượng đê kè được duyệt, trở thành tỉnh có khối lượng đê lớn nhất và thời gian hoàn thành xếp thứ hai toàn miền Bắc.
Cũng từ tháng 3-1972, Đảng bộ thành phố Nam Định chỉ đạo công tác bảo đảm giao thông vận tải trong thời chiến. Ngoài việc khai thông luồng đường và chuẩn bị kho tàng, bến bãi, giải phóng cảng cùng phương tiện vận tải, thành phố còn tổ chức đắp nhiều đường vòng, đường tránh để hình thành một hệ thống đường bao quanh dễ dàng liên hệ với các tuyến ngoại thành. Trong chiến dịch này, nhân dân thành phố đã đào đắp được hàng chục vạn mét khối đất, hoàn chỉnh các đường 38A và 38B (từ cầu sắt Thượng Lỗi - Mỹ Thắng, An Trạch - Kênh Gia), đường Thanh Niên (Cổng Hậu- Cồn Vịt).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trần Đăng Bái, Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Võ Phong, Giám đốc Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định, đang xem số vải “Vì miền Nam ruột thịt” do nhà máy sản xuất. |
Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân địa phương đang hăng hái tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ hai thì đế quốc Mỹ gây trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô rộng lớn và ác liệt chưa từng thấy. Chấp hành Nghị quyết 220 của Bộ Chính trị, vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II vào hoàn cảnh chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh lại nhanh chóng chuyển mọi hoạt động sang thời chiến và sớm xác định địa phương sẽ là nơi địch tiến hành đánh phá dã man và tàn bạo.
Đảng bộ kịp thời tổ chức cuộc chiến tranh nhân dân chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ quê hương, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ trên miền Bắc. Đảng bộ phát động các lực lượng vũ trang địa phương cùng lực lượng chính quy đánh máy bay, tàu chiến, bắt giặc lái Mỹ, động viên các ngành và toàn dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Công tác sơ tán, tổ chức xây dựng hệ thống hầm hào phòng tránh, thông tin báo động, cấp cứu được thực hiện tốt. Hàng chục nghìn người già, trẻ em và những người không trực tiếp sản xuất, chiến đấu được đi sơ tán trước. Đến cuối tháng 5-1972, thành phố có 9.087 hầm tránh; 26.186 hố cá nhân và 57.341m giao thông hào. Di chuyển phần lớn cơ quan, xí nghiệp, kho tàng ra khỏi các mục tiêu đánh phá của địch, tổ chức lại sản xuất trong chiến tranh để từ đó duy trì sản xuất và sinh hoạt của quần chúng, hạn chế thiệt hại về người và của do địch gây ra.
Phong trào toàn dân làm công tác giao thông vận tải được chú trọng, đã huy động được hàng triệu ngày công của quần chúng vào việc tu sửa đường sá, bốc xếp hàng hóa, chuẩn bị phương tiện, khắc phục hậu quả chiến tranh. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng được hệ thống công binh dân quân, tổ chức được các đơn vị thanh niên xung phong chốt trụ trong các khu vực trọng điểm để vừa đánh địch vừa bảo đảm giao thông, tháo gỡ bom mìn, giải phóng phương tiện.
Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ vào địa phương mở đầu bằng sự kiện đánh phá Nông trường Rạng Đông và liên tục từ đó suốt trong 188 ngày đêm kẻ thù đánh vào địa phương 633 trận ở 893 mục tiêu khác nhau. Địch đã huy động 1.345 lần chiếc máy bay, trong đó tháng 7- 1972 là 554 lần chiếc, đưa mức bình quân lên 3 trận đánh phá trong một ngày. Thủ đoạn được chú trọng nhất là tập trung cấp tập đánh phá thành phố Nam Định, khu công nghiệp; thường xuyên đánh phá giao thông, phong toả đường sông và đường biển. Địch còn cho 50 lần máy bay đánh vào đê điều, 350 trận đánh vào khu dân cư, dùng chiến tranh tâm lý lung lạc tinh thần nhân dân.
Tại huyện Nam Ninh, chập tối ngày 26-4-1972, máy bay Mỹ bắn 2 tên lửa xuống thôn Ngọc Giả (Trực Đạo). Ngày 9-5, địch cho 9 máy bay ném 20 quả bom xuống Nam Phong. Ngày 11-5, địch ném bom phốt pho xuống Nam Tân. Liên tiếp những ngày sau chúng đánh vào Nam Nghĩa, Trực Mỹ, Nam Giang và đánh đi đánh lại bến phà Lạc Quần (Trực Tĩnh). Trên các triền sông, máy bay địch tìm đánh tàu thuyền, thả thủy lôi, bom chờ nổ. Toàn huyện có 16/25 xã ven sông bị đánh phá. Ngày 7-6, địch ném 36 quả bom xuống đê sông Hồng và các xóm An Ninh, An Lãng, Trực Chính. Tổng cộng trên đất Nam Ninh từ ngày 26-3 đến tháng 10-1971 địch đánh 73 trận vào 29 xã; ném 243 bom phá, 9.889 bom xuyên và bom bi, 13 tên lửa, giết hại 46 đồng bào, làm bị thương 120 người, phá 24 ngàn mét đê ở nhiều địa điểm khác nhau cùng hàng trăm nhà cửa, chùa chiền.
(Còn nữa)