Trong khí thế thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng CSVN, chúng tôi về xã Trực Tuấn - nơi khởi nguồn của phong trào cách mạng và là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trực Ninh. Tại ngã ba đường 53A rẽ vào thôn Nam Lạng, cây gạo cầu Cao vẫn còn đó như một nhân chứng lịch sử của mảnh đất này. Nơi đây, trong những năm tháng khó khăn của cách mạng, dưới sự khủng bố gắt gao của kẻ thù, đêm 10-12-1929, lá cờ đỏ búa liềm đã được treo trên đỉnh cây gạo cầu Cao, tung bay trước gió như là một lời khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng, mang lại niềm tin cho nhân dân.
Cây gạo cầu Cao đầu làng Nam Lạng, xã Trực Tuấn, nơi treo lá cờ Đảng đêm 10-12-1929. |
Đồng chí Ngô Đức Hải, Bí thư Đảng bộ xã Trực Tuấn cho biết: Xã Trực Tuấn là nơi khởi nguồn phong trào cách mạng của huyện Trực Ninh. Năm 1928, Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của huyện Trực Ninh được thành lập, gồm 3 thành viên do nhà giáo Phạm Gia - người quê Thanh Trì (Hà Nội) về dạy học và sớm tham gia hoạt động cách mạng làm chi hội trưởng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ, phong trào quần chúng ở các thôn Cát Chử, Hương Cát phát triển sôi nổi. Tại thời điểm này, nhiều hội quần chúng cũng được thành lập như “Hội ái hữu”, “Hội tập võ”, “Hiếu học hội”, “Hội đọc sách báo”… đã thu hút nhiều thanh niên địa phương tham gia để chống lại các thủ đoạn ru ngủ, đầu độc thanh niên của bọn thực dân, phong kiến. Trước phong trào cách mạng sôi nổi ở Cát Chử, Hương Cát, thực dân Pháp đã tăng cường dò xét, truy bức, uy hiếp nhân dân, lùng bắt cán bộ cộng sản và quần chúng cách mạng. Tháng 10-1929, mật thám Pháp đã bắt nhà giáo Phạm Gia cùng một số đồng chí trong Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Trước sự khủng bố của kẻ thù, hoạt động của các hội quần chúng tạm thời lắng xuống. Để củng cố niềm tin trong nhân dân, đêm 10-12-1929 các đồng chí Ninh Sơn Đẩu và Trần Gia đã bí mật treo lá cờ Đảng trên ngọn cây gạo cạnh cầu Cao. Lá cờ đỏ búa liềm kiêu hãnh tung bay phấp phới trên nền trời xanh đã lấy lại được niềm tin của quần chúng nhân dân. Sự kiện này đã tiếp tục khơi nguồn cho phong trào đấu tranh cách mạng của chính quyền và nhân dân huyện Trực Ninh. Tháng 8-1945, thôn Nam Lạng được Tỉnh ủy Nam Định và Huyện ủy Trực Ninh chọn làm địa điểm chuẩn bị và tập trung lực lượng quần chúng yêu nước của xã và khu vực lân cận tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền phủ Trực Ninh. Đến chiều ngày 17-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền hoàn toàn thắng lợi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc phủ Trực Ninh. Từ đây, khí thế giành chính quyền về tay nhân dân lan tỏa mạnh mẽ tới các địa bàn khác trên toàn tỉnh, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân xã Trực Tuấn đã tích cực đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bước vào giai đoạn đổi mới đất nước, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện, Đảng ủy xã Trực Tuấn đã đề ra những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương. Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Đến nay trên địa bàn xã đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, trong đó vùng cánh đồng mẫu lớn cấy lúa theo quy trình VietGAP có diện tích trên 150ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu mùa vụ chuyển đổi tích cực; thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đạt trên 80 triệu đồng/ha. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo phát triển đa dạng các ngành nghề, trong đó một số nghề truyền thống của xã như đan lát, dệt chiếu, xe đay vẫn được duy trì và phát triển. Xã cũng đề ra cơ chế phát triển thêm nghề mới như may xuất khẩu, dịch vụ vận tải và chế biến gỗ, cơ khí…, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. Kinh tế phát triển, người dân trong xã có điều kiện đóng góp đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm; hệ thống đường giao thông trong xã, hệ thống thủy lợi nội đồng, NVH. Đời sống nhân dân ổn định, ANCT-TTATXH được giữ vững. Đảng ủy, UBND xã luôn coi trọng việc gìn giữ di tích lịch sử - văn hóa để giáo dục cho các thế hệ con cháu về truyền thống cách mạng của quê hương./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng