Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 - 12-1946) - Kỳ 10

07:01, 27/01/2015

[links()]

    Đúng như Đảng ta nhận định, thực dân Pháp đã nhanh chóng bội ước những điều đã ký, không ngừng lấn chiếm ở Nam Bộ, tiến công khiêu khích nhiều nơi ở Bắc Bộ. Tại Nam Định chúng cho xe nhà binh có quân lính, súng liên thanh chạy trên đưòng phố, gây rối trật tự trị an, khiêu khích lực lượng tự vệ, đe doạ tinh thần nhân dân. Tối 1-5-1946, nhân ngày Quốc tế Lao động, thành phố Nam Định tổ chức cuộc rước đuốc. Khoảng 5.000 người đã tuần hành qua các phố. Khi tới ngã tư Cửa Đông (nay là ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Phú) thì lính Pháp đã ném lựu đạn khiêu khích. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ đã thông qua phái đoàn của ta trong Ban Liên kiểm Việt - Pháp đấu tranh đòi chúng phải thực hiện những điều đã ký kết; giáo dục quần chúng cảnh giác trước âm mưu khiêu khích của địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thiếu nhi thành phố Nam Định, ngày 11-1-1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thiếu nhi thành phố Nam Định, ngày 11-1-1946.

    Hưởng ứng chủ trương của Trung ương Đảng lấy ngày 27-6-1946 làm ngày phát động Toàn quốc phản đối đế quốc Pháp vi phạm Hiệp định Sơ bộ, tại thành phố Nam Định, tất cả các nhà máy, cửa hàng, chợ búa đều nhất loạt bãi công, bãi thị, bất hợp tác với Pháp. Hàng vạn quần chúng mít tinh, gửi kiến nghị đến phái đoàn Chính phủ tại Pari, đòi Pháp mở ngay cuộc đàm phán tại Pari, không được vi phạm Hiệp định Sơ bộ, khủng bố nhân dân Nam Bộ và khẳng định Nam Bộ là đất của Việt Nam.

    Trước sức đấu tranh kiên quyết và bền bỉ của toàn dân ta, cùng với dư luận thế giới và nhân dân tiến bộ Pháp, ngày 6-7-1946 cuộc đàm phán chính thức giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp đã khai mạc tại Phôngtennơblô, nhưng trong quá trình hội nghị, phía Pháp vẫn tìm mọi cách phá hoại cuộc đàm phán. Với ý định dành thêm thòi gian để tăng cường lực lượng và làm cho nhân dân Pháp, nhân dân thế giới thấy rõ thiện chí của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9.

    Đúng như Đảng ta đã dự đoán, thực dân Pháp vẫn tiếp tục thực hiện Việc đã rồi hòng đặt lại ách thống trị của chúng trên đất nước ta. Chúng vẫn điên cuồng mở rộng chiến tranh xâm lược ở Nam Bộ, tăng cường khiêu khích và tấn công đánh chiếm một số nơi ở miền Bắc.

    Tại Nam Định, quân Pháp phô trương lực lượng, vi phạm chủ quyền trong vấn đê thuế quan và kiểm soát ngoại thương (tự ý tăng thuế bình quân đánh vào bông nhập nội từ 20 đồng lên 40 đồng một kilôgam, khiến cho chủ Nhà máy sợi đã tăng giá vải lên gấp đôi).

    Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh vẫn kiên trì thông qua đại diện của mình trong Ban Liên kiểm Việt - Pháp đấu tranh với chúng, tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi Pháp phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9. Ngày 25-10-1946, uỷ ban hành chính tỉnh Nam Định đã gửi thư yêu cầu uỷ viên sở kinh tế Bắc Kỳ của địch và bọn chủ Nhà máy sợi phải huỷ bỏ ngay việc tăng giá vải. Song chúng không chịu đáp ứng yêu cầu của ta, lại còn tăng giá vải cân bán cho công nhân lên gấp đôi và tự ý dãn thợ, làm cho 200 công nhân mất việc làm.

    Để bảo vệ chủ quyền dân tộc và quyền lợi thiết thực của công nhân, dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Xứ uỷ, Tỉnh uỷ chủ trương phát động toàn thể công nhân Nhà máy sợi đấu tranh chống thái độ ngoan cố của chủ nhà máy. Uỷ ban đấu tranh của công nhân được thành lập. Chi bộ Đảng của nhà máy giải thích rõ cho công nhân về âm mưu của địch, kế hoạch chuẩn bị đấu tranh. Ngày 12-11-1946, sau khi công nhân đã lĩnh lương, uỷ ban đấu tranh đã cử đại diện đến chất vấn và đòi chủ tư bản và Chính phủ Pháp bãi bỏ lệnh tăng giá vải, không được dãn thợ vô lý, phải để những thợ bị dãn được tiếp tục đi làm nhưng chủ nhà máy vẫn ngoan cố không chấp nhận những yêu cầu đó. Theo chỉ thị của Tỉnh uỷ, sáng sớm ngày 13-11-1946 cuộc đình công đã nổ ra, công nhân Nhà máy sợi đã nhất loạt nghỉ việc. Báo Cứu quốc và tất cả các báo chí lúc đó đã kịp thời đưa tin về cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân Nhà máy sợi và nhiệt liệt biểu dương tinh thần tích cực đấu tranh của anh chị em, đồng thời kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân cả nước ủng hộ.

    Cuộc đấu tranh vừa nổ ra đã được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân Nam Định và đồng bào cả nước. Công nhân vận tải thành phố Nam Định nêu khẩu hiệu ủng hộ công nhân Nhà máy sợi. Thủy thủ tàu Giắccơlin (Công ty bông sợi Bắc Kỳ) cũng nghỉ việc, không bốc hàng xuống tàu, làm cho kế hoạch vận tải ra Hồng Gai cho quân đội Pháp bị phá vỡ. Nhân dân Nam Định, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Quảng Ngãi đã gửi điện, thư động viên và quyên góp tiền, thuốc, ủng hộ anh chị em công nhân Nhà máy sợi. Cuộc đấu tranh đã kéo dài đến ngày toàn quốc kháng chiến gây thiệt hại to lớn cho bọn tư bản. Anh chị em công nhân Nhà máy sợi mặc dù đời sống gặp nhiều khó khăn thiếu thốn hơn nhưng tinh thần đấu tranh vẫn vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền cách mạng.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com