Phát động toàn dân kháng chiến, tiến công giam chân địch trong thành phố Nam Định (từ 19-12-1946 đến 3-1947) - Kỳ 1

09:02, 03/02/2015

[links()]

Ngày 19-12-1946, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng đã quyết định phát động nhân dân toàn quốc đứng lên kháng chiến chống lại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Chiều 19-12, đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy đã hạ lệnh cho toàn thể bộ đội, dân quân, tự vệ trong cả nước nhất tề đứng dậy giết giặc cứu nước. Đến 8 giờ tối, quân dân Thủ đô Hà Nội đã đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ngày 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào toàn quốc đứng lên kháng chiến cứu nước. Trong lời kêu gọi, Người đã khẳng định:

"Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta".

Ngày 22-12-1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến, vạch ra những nét lớn về đường lối kháng chiến của nhân dân ta. Phương châm là đánh lâu dài, tự lực cánh sinh.

(Bút tích lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)
(Bút tích lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng cũng như tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh sau này là những văn kiện có tính chất cương lĩnh cách mạng của Đảng trong cuộc kháng chiến, đồng thời là ngọn đuốc soi đưòng, tiếng kèn động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xiết chặt đội ngũ quyết đánh, quyết thắng giặc Pháp xâm lược.

Trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, Ban chỉ huy Mặt trận gồm các đồng chí Đỗ Mười - Bí thư Tỉnh uỷ, Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch uỷ ban hành chính tỉnh Nam Định, Hà Kế Tấn - Chính trị viên Trung đoàn 34, Cao Xuân Hổ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 34, đã họp tại thôn Mỹ Trọng (ngoại thành Nam Định) nghe đồng chí Hoàng Sâm - Khu trưởng khu II về truyền đạt mật lệnh và chủ trương của Trung ương Đảng; phổ biến kinh nghiệm tác chiến ở Hải Phòng, Lạng Sơn và Nam Bộ, bàn thống nhất kế hoạch tác chiến, chỉ rõ nhiệm vụ của quân dân Nam Định trong việc chuẩn bị khẩn trương mọi mặt để tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ.

Trong kế hoạch tác chiến, Ban chỉ huy Mặt trận Nam Định đã xác định rõ quyết tâm chủ động tiến công bao vây quân Pháp trong nội thành Nam Định nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, tạo điều kiện cho địa phương góp phần với cả nước có đủ thời gian và lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Lực lượng bộ đội đã được điều động ra các vị trí ngoại thành hình thành thế bao vây quân địch trong thành phố. Lực lượng tự vệ, dân quân của thành phố và các huyện lân cận được điều động tăng cường sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Ban chỉ huy Mặt trận Nam Định nhận được chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy nêu rõ chủ động bao vây, bí mật chuẩn bị tiến công quân địch ở Nam Định, giờ nổ súng có lệnh tiếp. Tỉnh uỷ và Ban chỉ huy Trung đoàn 34 đã họp, quán triệt nhiệm vụ và quyết định một số biện pháp khẩn cấp:

Phổ biến chủ trương, nhiệm vụ chiến đấu theo tinh thần chỉ thị và mật lệnh của Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy tới các Huyện uỷ, Thành uỷ, các cán bộ tiểu đoàn, đại đội thuộc Trung đoàn 34.

Tiến hành kiểm tra, đôn đốc để thực hiện các công việc cần kíp đã đề ra.

Khẩn trương di chuyển các cơ quan còn lại ở thành phố về hết nông thôn.

Bảo vệ nhân dân tản cư ra ngoài thành phố.

Có kế hoạch bảo vệ tài sản của đồng bào nội thành chưa mang đi kịp.

Bộ đội Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ nhanh chóng vào vị trí chiến đấu.

Sau khi được lệnh nổ súng, tại một địa điểm trong thành phố, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cùng Ban chỉ huy mặt trận họp bàn và quyết định phát động toàn quân, toàn dân Nam Định đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Hai mươi bốn giờ ngày 19-12-1946, từ hướng đại đội trợ chiến (đóng ở bên kia sông Đào), hiệu lệnh tiến công bắt đầu bằng tiếng đạn pháo 75mm bắn vào Nhà băng Nam Định. Lập tức, toàn mặt trận nổ súng đánh địch, cả thành phố rền vang tiếng súng.

Tự vệ thành phố nổ mìn ngả cây to dọc đường Trần Hưng Đạo và từ Ngã tư Cửa Đông đến Toà Thị sảnh. Nhiều người dân thành phố đã không ngần ngại mang đồ đạc của mình (tủ, sập) ra đưòng làm vật chướng ngại chặn bước tiến của quân địch. Nhân dân các khu Nhà lá (Văn Miếu), trại Con gái (vợ lính khố đỏ) nổi lửa tự đốt nhà ở của mình. Những đám cháy bốc lên ở khắp nơi. Cả thành phố rực lên như một biến lửa. Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục và quyết liệt.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com