[links()]
Qua nhiều lần phản kích không kết quả. Quân số, vũ khí đạn dược bị hao hụt nghiêm trọng. Các cơ sở điện, nước bị ta đánh phá không sử dụng được, quân Pháp tỏ ra rất hoang mang, có nơi phải xin ta ngừng bắn để đi kiếm nước và rau. Đabôvan điện về Hà Nội thừa nhận: "Quân viễn chinh Pháp đóng ở Nam Định đang lâm vào thế nghẹt thở và hoàn toàn bị cô lập". Ngày 4-1-1947, trong nỗi "lo ngại nhất" là đám quan quân dưới quyền đang khốn đốn trăm bề ở thành phố Nam Định, Lơcơléc đã gửi cho Đabôvan bức công điện động viên "tỏ lòng khâm phục" với lời hứa rằng: mọi nỗ lực đều nhằm vào việc giải toả Nam Định. Hai mươi bốn giờ sau, cuộc viện binh giải vây đầu tiên cho Nam Định được tiến hành.
Ngày 5-1-1947, địch liên tục cho máy bay khu trục đến bắn phá, ném bom xuống khu vực Năng Tĩnh, phố Khách (nay là đường Hoàng Văn Thụ) hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Song do tổ chức phòng tránh tốt nên quân ta thiệt hại không đáng kể. Đến 8 giờ tối ngày 5-1-1947, địch cho 6 máy bay Đakôta đổ khoảng 200 quân cùng hàng tiếp tế xuống các khu vực Nhà máy sợi C, Nhà máy chiếu, Năng Tĩnh. Ban chỉ huy Mặt trận kịp thời chỉ đạo các đơn vị dùng súng bộ binh sẵn có tiếp cận đánh địch. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 75 Trần Quang Thường lệnh cho tất cả súng máy chuyển lên nóc nhà tầng nhằm cửa máy bay - nơi quân dù nhảy ra đón bắn; dùng súng trường bắn thủng dù và hòm hàng. Địch hốt hoảng nên nhiều dù người, dù hàng rơi lạc xuống khu vực của ta. Bằng mọi cách, với mọi thứ vũ khí, các chiến sĩ đã dũng cảm xông ra diệt địch khi chúng vừa chạm đất. Nhân dân thành phố Nam Định hăng hái phục vụ bộ đội chiến đấu và nhiều người đã trực tiếp đánh quân dù.
Đại hội luyện quân lập công lần thứ hai của Trung đoàn Tất Thắng, tại huyện Hải Hậu, năm 1949. |
Cuộc chiến đấu chống quân dù kéo dài đến 2 giờ sáng ngày 6-1-1947. Quân ta đã bắn bị thương gần 40 tên địch, bắt sống 6 tên, thu hàng chục khẩu súng các loại, hàng tấn đạn dược, lương thực và rất nhiều dù. Khoảng hai phần ba số quân dù thoát chết chạy vào vị trí Nhà máy sợi c.
Sáng ngày 6-1-1947, được tin địch có ba ca nô và tàu chiến, được máy bay yểm trợ, chở 200 tên lính từ sông Hồng tiến vào sông Đào. Trung đoàn ra lệnh cho các Tiểu đoàn 75 và 69 theo dõi triển khai lực lượng chiến đấu.
Khoảng 6 giờ sáng, sương mù tan dần. Ca nô, tàu chiến của địch vào tới khu vực Đò Quan. Pháo 75 ly từ trận địa Tiểu đoàn 75 bắn trúng đội hình địch. Cùng với súng các cỡ của quân ta từ hai bên bờ liên tiếp dội lửa xuống đoàn tàu của địch, làm một chiếc bốc cháy và đội hình của chúng trở nên rối loạn. Lúc này quân địch đóng ở Nhà máy sợi, Nhà máy chiếu, trại Carô đã nống ra phối hợp với lực lượng đổ bộ đường thuỷ. Cuộc chiến đấu càng quyết liệt, nhất là ở khu vực Bến Thóc, cần cẩu, Nhà máy chiếu. Quân địch từ Đò Quan rút dần về vị trí Nhà máy sợi nhưng đều bị quân ta chặn đánh kịch liệt. Địch từ phía Cửa Đông và nhà chủ Sói nống ra phản kích. Một xe thiết giáp bắn xối xả vào phía chùa Vọng Cung nhưng bị đạn sơn pháo của ta chặn lại, buộc phải quay lại. Khoảng 8 giờ, hai máy bay địch lao đến ném bom vào Cột Cờ và một số trận địa của ta.
Địch cho tàu lùi ra ngã ba sông Hồng, sông Đào, dùng máy bay và pháo trên tàu bắn vào các điểm ở hai bờ sông Đào nghi có bộ đội ta chiếm giữ. Quân dù cũng được lệnh phối hợp phản kích. Trận chiến giữa ta và địch diễn ra giằng co quyết liệt. Các chốt của hai tiểu đoàn đều chiến đấu dũng cảm, giữ vững trận địa. Đặc biệt trong trận đánh quân dù, bộ đội và tự vệ thành phố đã tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí. Nữ chiến sĩ cứu thương Nguyễn Thị Ca gặp địch khi dù vừa chạm tới đất đã dùng chai thuốc bất ngờ đập vào đầu tên giặc, sau đó dùng vỏ chai vỡ đâm chết nó, thu một súng tiểu liên. Trên toàn mặt trận, quân và dân ta vừa đánh quân tăng viện, vừa quét sạch địch tại vị trí Nhà máy tơ, dồn chúng vào Nhà máy sợi. Cho tới 5 giờ chiều ngày 6-1-1947 địch bị thiệt hại nặng nề, số còn lại phải tháo chạy vào các vị trí cố thủ của chúng.
Cuộc chiến đấu chống thuỷ, lục, không quân địch của quân dân Nam Định đã kết thúc thắng lợi. Địch không thực hiện được mục đích giải toả mà chỉ tăng viện được một đại đội cho khu vực đang bị bao vây, tinh thần chúng càng hoang mang hơn. Ta đã tiêu diệt gần 100 tên, bắn chìm một canô và thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, lực lượng và phương tiện chiến đấu của ta cũng bị tiêu hao một phần. Tiểu đoàn trưởng Văn Phong (Tiểu đoàn 69) đã hy sinh anh dũng.
Đây là một trận đánh có quy mô lớn đầu tiên của địch ở đồng bằng Bắc Bộ, có sự phối hợp của cả ba binh chủng (thuỷ, lục, không quân) nhưng đã bị quân dân Nam Định anh dũng đánh bại. Chiến thắng to lớn này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Quốc hội và Chính phủ điện khen ngợi và quyết định tặng Trung đoàn 34 danh hiệu Trung đoàn tất thắng. Ngày 7-1-1947, tại Hội nghị cán bộ trung đoàn rút kinh nghiệm qua hai ngày chiến đấu chống viện binh của địch, các đồng chí Đỗ Mười, Hà Kế Tấn đã đọc điện và công bố quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị quân sự toàn quốc (họp từ ngày 12 đến ngày 16-1-1947) đã khen ngợi chiến công của quân dân Nam Định và nêu gương Anh dũng chống thuỷ, lục, không quân địch.
(Còn nữa)