[links()]
Bị quân ta tập kích bất ngờ và đồng loạt, quân địch hết sức hoang mang. Nhờ có ưu thế về vũ khí, trang bị, tường thành kiên cố, chúng đã chống đỡ, từng bước kiềm chế sự tấn công của ta. Ta chiếm được nhà này, chúng cố thủ nhà khác. Ta chiếm tầng dưới, chúng giữ tầng trên. Ta chiếm giữ một số vị trí trong đêm, chúng phản kích mạnh mẽ buộc ta phải rút ra lúc trời sáng. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20-12-1946, máy bay và pháo của địch dội bom và bắn phá nhiều đợt vào các trận địa của ta. Thành phố rung chuyển và chìm trong khói lửa. Bộ binh địch từ vị trí Nhà máy sợi nổ súng phản kích chiếm lại vị trí Nhà máy tơ và lấy xác binh lính của chúng bị chết trận trong đêm. Cùng lúc, chúng từ trại Carô theo đường Lê Quý Đôn nống ra định lấn chiếm nhà Ga nhưng bị quân ta chặn đánh, buộc phải quay lại.
Sáng ngày 21-12-1946, sau khi cho máy bay đến bắn phá, địch tăng cường lực lượng có xe bọc thép mở đường, từ trại Carô tiến ra quyết chiếm nhà Ga. Để bảo toàn lực lượng, đơn vị bảo vệ khu Ga được lệnh rút ra vòng ngoài, đến đêm lại cùng toàn mặt trận tiếp tục chiến đấu.
Ngày 23-12-1946, địch từ trại Carô tiến đến khu vực Năng Tĩnh và từ vị trí Nhà máy sợi đánh thọc ra phía trụ sở uỷ ban hành chính tỉnh (Toà Thị sảnh cũ) hòng liên lạc với quân ở vị trí Nhà băng, nhưng đều bị lực lượng của ta đánh bật trở lại. Chiến sự diễn ra rất ác liệt tại Nhà máy tơ, Nhà máy sợi, Nhà băng, khu vực Ga. Tiểu đoàn 69, 75 cùng lực lượng tự vệ đánh giáp lá cà, giành giật với địch từng căn buồng, từng tầng gác. Đến hết tháng 12-1946, ta và địch giành giật từng vị trí, từng đường phố và quyền chủ động chiến trường vẫn thuộc về quân dân ta.
Cảm tử quân trong những ngày toàn quốc kháng chiến (Ảnh tư liệu) |
Để tập trung thống nhất sự chỉ đạo ở địa phương, thi hành chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 31-12-1946 uỷ ban kháng chiến tỉnh Nam Định được thành lập, thay cho uỷ ban bảo vệ, do đồng chí Đỗ Mười - Bí thư Tỉnh uỷ làm Chủ tịch. Các huyện, xã cũng lần lượt thành lập uỷ ban kháng chiến. Tháng 1-1947 lại thành lập uỷ ban dân quân tỉnh để tham mưu trong việc chỉ đạo công tác quân sự, tổ chức huấn luyện tân binh bổ sung cho quân đội, xây dựng các đơn vị tập trung của tỉnh. Ngày 27-2-1947, tại trụ sở của Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh đặt ở chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) đã tổ chức tiễn đưa 24 nhà sư trong đó có hai sư nữ tòng quân chiến đấu.
Cùng với các hoạt động tiến công, bao vây quân sự, chặn đứng âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng, Tỉnh uỷ chỉ đạo chặt chẽ việc giữ gìn trật tự giao thông, trị an xã hội, đảm bảo tốt việc tản cư hết dân và ngoại kiều ra ngoài, chuyển máy móc, tài sản của Chính phủ về căn cứ; tổ chức việc tiếp tế, cứu thương, hỗ trợ cho mặt trận, thực hiện triệt để công tác phá hoại, nhất là triệt phá các tuyến giao thông quan trọng từ thành phố đi các huyện. Ngay từ lúc kháng chiến bùng nổ, các cấp uỷ, chính quyền thành phố đã chỉ đạo thực hiện việc hướng dẫn những người không có nhiệm vụ chiến đấu mà chưa kịp tản cư nay tản cư hết ra ngoài, với khẩu hiệu "Tản cư cũng là kháng chiến". Các ngoại kiểu còn ở lại cũng được bảo vệ tính mạng, tài sản và tiếp tế lương thực, thực phẩm. Tuy từ thời bình chuyển sang thời chiến rất khẩn trương nhưng trật tự trị an xã hội vẫn đảm bảo tốt, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, mọi người đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau làm tốt mọi nhiệm vụ.
Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh luôn luôn hướng về thành phố sát cánh với lực lượng vũ trang cùng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Thanh niên, công nhân đã tình nguyện ở lại, đào thêm hào, đắp thêm ụ, đặt thêm chướng ngại vật ở những nơi địch sẽ lấn ra; phá hoại những nơi có thể có lợi cho quân địch. Nhiều người đã xung phong vượt qua hoả lực của địch để chuyển thương binh, tử sĩ ra ngoài hoặc đến tận các tiểu tổ chiến đấu tiếp tế vũ khí, đạn dược và cơm ăn, nước uống cho các chiến sĩ. Nhiều bậc phụ lão đã đến nuôi dưỡng thương binh. Các bà, các chị chăm lo công việc cấp dưỡng, bảo đảm bữa ăn ngon cho các chiến sĩ, đưa cơm nước đến tận các chiến hào. Nhiều thiếu nhi đã tìm mọi cách ở lại, xin làm liên lạc hoặc tham gia canh gác giữ gìn trật tự an ninh, phòng gian bảo mật trong thành phố. Có trường hợp như Phan Đỗ Hải mới 13 tuổi, là liên lạc của một đơn vị thuộc Trung đoàn 34, đầu năm 1947 trong khi đi công tác, bị địch bắt nhưng đã kịp thời huỷ tài liệu nên chúng không phát hiện được. Trong thời gian bị địch giam giữ Phan Đỗ Hải đã cảm hoá được hai lính Pháp cùng theo kháng chiến, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư và tặng bài thơ khen ngợi thành tích. Nhân dân các huyện gần thành phố như Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc và Lý Nhân (Hà Nam) hăng hái tham gia đào đắp công sự, ổ tác chiến, giao thông hào, cắt đứt các tuyến đường từ thành phố đi các nơi. Hằng ngày có tới hàng vạn gánh rơm rạ được chuyển vào thành phố dùng để đánh hoả công các vị trí địch, nhất là Nhà băng. Hàng vạn cây tre được cắm xuống dòng sông Đào. Hàng trăm chiếc thuyền được xếp đầy đá dìm xuống các cửa sông, cửa biển ngăn cản tàu chiến địch. Tuyến đường sắt qua Nam Định bị tê liệt hoàn toàn. Nhân dân nội thành còn tháo dỡ, vận chuyển máy móc của các xí nghiệp ra hậu phương để xây dựng công binh xưởng. Nhiều huyện còn cử những đội du kích vào nội thành phối hợp chiến đấu. Các chiến sĩ du kích từ Nam Trực đã vượt sông Đào sang phối hợp tác chiến ở khu vực Nhà máy sợi C; từ Vụ Bản ra đã tham gia chiến đấu ở khu vực Đông An, Năng Tĩnh và nhà Ga; từ Mỹ Lộc, Lý Nhân (Hà Nam) phối hợp bao vây quấy rối tiêu hao lực lượng địch. Một số đơn vị bộ đội, dân quân tự vệ tỉnh Thái Bình cũng được đưa sang cùng quân dân Nam Định đánh địch và để rút kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu.
Khí thế chiến đấu không sợ hy sinh, một lòng một dạ giết giặc lập công như Đoàn Bạch Hạc - Chính trị viên trung đội (Tiểu đoàn 69), Triệu Hàn - Tiểu đội trưởng (Tiểu đoàn 69) dũng mãnh chỉ huy đơn vị chiến đấu dưới làn mưa đạn của địch, trong trận tấn công vị trí giặc ở khu vực Ga và trại Carô, lập công xuất sắc; Phạm Sơn - công nhân vận chuyển - tự vệ Nhà máy sợi mớí tình nguyện vào bộ đội thuộc Tiểu đoàn 75 - hai lần xung phong nhận nhiệm vụ đâm bom ba càng vào vị trí đóng quân của địch ở Nhà băng còn sống mãi trong lòng nhân dân địa phương.
(Còn nữa)