[links()]
(Tiếp theo)
Với sự chỉ đạo của Ban cán sự và những hoạt động tích cực của cán bộ, đảng viên, tuy trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, hai chi bộ Đảng ở thành phố đã được phục hồi với 8 đảng viên, hầu hết là công nhân vừa ở tù ra. Ban cán sự cũng thiết lập được liên lạc với Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tuy có nhiều cố gắng nhưng vì lực lượng cán bộ còn quá mỏng nên hoạt động của Ban cán sự và phong trào cách mạng trong tỉnh chủ yếu mới tập trung ở thành phố. Nhiều báo chí cách mạng như Cứu quốc, Cờ giải phóng... được chuyển về địa phương để lưu hành bí mật trong đảng viên và quần chúng cách mạng. Ban cán sự tổ chức một cơ sở in thạch ở phố Bờ Sông để in lại những tài liệu cần phổ biến rộng rãi. Nhiều đợt phát tán truyền đơn được tiến hành nhân dịp những ngày kỷ niệm lớn nhằm tố cáo tội ác của Nhật - Pháp, giới thiệu chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh, động viên tinh thần yêu nước thương nòi, ý chí cách mạng trong quần chúng. Đoàn Thanh niên Cứu quốc còn tổ chức những cuộc tranh luận nhỏ trong thanh niên, học sinh; vạch trần luận điệu xảo trá của giặc Nhật; đả phá tư tưởng thân Nhật, phục Nhật cũng như tư tưởng hoài nghi, yếm thế của một số người.
Các tổ chức cứu quốc được xây dựng và mở rộng. Công nhân Cứu quốc đã thu hút mấy chục thợ ở Nhà máy sợi, Nhà máy tơ, Nhà máy chiếu. Thanh niên Cứu quốc đã tập hợp một số học sinh các trường trung học, tích cực hoạt động truyền bá quốc ngữ. Phụ nữ Cứu quốc gây dựng cơ sở trong công nhân, tiểu thương.
Thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, năm 1944, các tổ hoặc đội tự vệ được thành lập ở nơi có phong trào khá. Đội tự vệ thành phố được thành lập với 10 đội viên, trang bị súng lục và các loại vũ khí thô sơ. Đội đã được học một lớp huấn luyện quân sự ở nhà ông Phạm Văn Thiện ở xóm Long Xuyên, xã Đà Xuyên gần chợ Chanh (Nhân Mỹ, Lý Nhân, Hà Nam). Các đội viên hoạt động rất tích cực, tổ chức cướp súng Nhật để trang bị, thường xuyên đi Hà Nội nhận truyền đơn về rải ở nội, ngoại thành. Tuy nhiên hoạt động của các đội viên cũng có biểu hiện của sự nóng vội, manh động, muốn trừ khử ngay những tên tay sai gian ác như đội Phong, đội Đỉnh. Tư tưởng này đã được kịp thời uốn nắn, tránh những tổn thất có thể xảy ra khi phong trào mới được nhen nhóm trở lại.
Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng Ban cán sự vẫn chỉ đạo và phát động công nhân đấu tranh dưới hình thức hợp pháp. Công nhân bị sa thải đòi chủ phải trả đủ lương, phụ cấp, được mua củi, diêm đầy đủ theo giá quy định. Điển hình nhất là cuộc đấu tranh của gần 300 công nhân Nhà máy tơ nhân ngày Quốc tế Lao động đã đóng máy tại chỗ, cử đại biểu đưa yêu sách đòi chủ không được đánh và dãn thợ.
Mặc dù phong trào đang được phục hồi nhưng ở thành phố, công nhân thất nghiệp ngày càng tăng. Từ năm 1940, do việc vận chuyển khó khăn, nguyên vật liệu thiếu thốn, quy mô sản xuất của nhà máy bị thu hẹp nên công nhân lại bị sa thải ngày càng nhiều. Năm 1942, công nhân Nhà máy sợi từ 14.400 người chỉ còn 5.484 người. Họ phải ly tán đi khắp nơi. Trong khi đó địch tăng cường khủng bố, kiểm soát gắt gao. Hoạt động cách mạng trên địa bàn thành phố rất khó khăn, hạn chế. Ban cán sự nhận thấy muốn đẩy mạnh phong trào vượt qua bước khó khăn này là phải mở rộng địa bàn về xây dựng cơ sở ở nông thôn làm điểm tựa và căn cứ địa để phát triển phong trào một cách toàn diện. Ban cán sự đã thông qua một số quần chúng cách mạng là công nhân, học sinh ở thành phố trở về nhà để mở rộng, xây dựng cơ sở cách mạng. Nhờ đó bước đầu tạo dựng được một số cơ sở ở nông thôn.
Ở Ý Yên, các chi bộ tích cực đẩy mạnh các hoạt động ở địa phương. Một số đảng viên ở Lỗ Xá đã liên hệ với Đảng bộ Ninh Bình, xây dựng cơ sở Việt Minh, phát động quần chúng đấu tranh chống lệnh phá màu trồng đay của Nhật, chống phụ thu lạm bổ thuế. Tại phía bắc huyện, nơi cơ sở cách mạng được phục hồi từ năm 1940 do Tỉnh uỷ Hà Nam chỉ đạo, phong trào phát triển khá mạnh. Các hội cứu quốc đã hình thành ở Nhuộng, Ngòi, Phường rồi lan rộng sang Phú Khê, Chuế Cầu. Nhuộng là nơi có phong trào cách mạng mạnh, nhân dân ở đây đã bảo vệ chu đáo cơ quan ấn loát của Liên Tỉnh uỷ C và Xứ uỷ. Chi bộ Đảng đã phát huy nhiều sáng kiến tổ chức những cuộc mít tinh có tới hàng trăm quần chúng tham dự ở rừng Bồng Lạng (Hà Nam). Nhân dịp ngày mất của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, để tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Mơ Công, gây được ảnh hưởng lớn cho cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước, khích lệ quần chúng sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa khi thời cơ đến.
(Còn nữa)