Độc đáo cầu bổi làng Kênh

09:10, 31/10/2014

Với những người dân làng Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), cây cầu mái bổi được xây dựng theo kiểu kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) là hình ảnh thân thương, trở thành một biểu tượng thiết chế văn hóa cổ kính của làng.

Trò chuyện với các cụ cao niên địa phương, chúng tôi được biết: Theo các tư liệu và qua truyền tụng, cầu bổi làng Kênh được xây cách đây hàng trăm năm. Khác với các cây cầu ngói, cầu bổi làng Kênh khi xây dựng, mái của cầu được lợp bằng cây bổi (cây cói) chứ không lợp ngói, do bổi nhẹ, xốp hơn, chịu được gió bão. Trải qua thời gian, mỗi khi mái bổi mục nát, lại được nhân dân góp công, góp sức trùng tu, lợp lại. Những trưa hè nóng bức, cây cầu là nơi người dân làng Kênh hóng mát, lại tụ họp bên ấm trà xanh, bát nước vối cùng tâm tình trò chuyện. Thời kỳ đầu, toàn bộ hệ thống mố cầu làm bằng đá xanh nguyên khối, cột trụ làm bằng gỗ cây cổ thụ; mặt sàn và khung cầu, vì kèo mái cũng được làm bằng những tấm ván lim dày. Trong thời chống Pháp, cầu bổi làng Kênh là một “chứng nhân lịch sử” chứng kiến bao nỗi đau thương và truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung của đất nước và người quê hương. Thời kỳ này, người dân làng Kênh đã che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng hoạt động. Do vị trí độc đạo nên giặc Pháp đã phục kích, giết hại nhiều du kích, cán bộ hoạt động khi đi qua khu vực, ngay tại chân cầu bổi làng Kênh.

Cầu bổi làng Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Cầu bổi làng Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Hiện tại, tỉnh ta có 3 chiếc cầu mái cổ là cầu Chùa Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu), cầu Thượng Nông, xã Bình Minh (Nam Trực) và cầu bổi làng Kênh. Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT và DL) cho biết: Qua khảo sát di tích, căn cứ hệ thống chữ Hán khắc trên vỉ kèo, cột cho thấy, cầu bổi làng Kênh là cây cầu gỗ mái lợp bổi duy nhất ở Việt Nam với kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Cầu bổi làng Kênh đã được tu bổ nhiều lần với quy mô lớn. Cụ thể, vào các năm 1883 và 1904, sau khi đặt thượng lương, đều khắc ghi trên hệ thống vỉ cột bằng chữ Hán: “Kiến Phúc nguyên niên Giáp Thân mạnh hạ nguyệt thập nhị nhật lương thời thượng lương thụ trụ” (Đặt thượng lương vào giờ tốt ngày 12 tháng 4 năm Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất - 1884). “Thành Thái thập lục niên quý xuân nguyệt cát nhật lương thời thụ trụ thượng lương đại cát” (Đặt thượng lương vào giờ tốt, ngày tốt tháng 3 năm Thành Thái thứ 16 - 1904).

Cả nước có 6 cây cầu lợp thì Nam Định có 3 cây cầu và còn giữ nét độc đáo cho đến nay (3 cây cầu ở các tỉnh là: Cầu Chùa Hội An - Quảng Nam, Cầu ngói Thanh Toàn - Thừa Thiên Huế, cầu ngói Phát Diệm - Kim Sơn, Ninh Bình). Hiện tại, cây cầu gỗ mái lợp bổi vẫn là phương tiện giao thông quen thuộc, hữu ích với người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, cây cầu đang xuống cấp. Cây cầu cổ trước có 5 gian, đều có bục hai bên để ngồi, nay đã mất 2 gian bục gỗ. Trong đó, gỗ mặt sàn cầu bị cong vênh, thủng nhiều chỗ, rất nguy hiểm khi qua lại; tay vịn có đoạn bị mất hẳn. Mặt bục hai bên thành cầu - nơi bà con nghỉ chân cũng chắp vá nhịp ngang, nhịp dọc. Đặc biệt, các cột trụ gỗ do ngâm nước lâu năm đã bị bào mòn. Cách đây 5 năm, người dân trong làng đã đóng góp kinh phí tu sửa cầu, chủ yếu mua lá cọ, mua bổi về lợp lại mái. Nhân dân địa phương cũng đã làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm kê di tích, qua đó, làm cơ sở khoa học, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận cầu bổi làng Kênh là di tích lịch sử, văn hóa./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com