Vững vàng trong khủng bố, khôi phục lại phong trào (kỳ 1)

04:11, 04/11/2014

[links()]

    Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, châm ngòi nổ cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

    Ngày 3-9-1939, Pháp tuyên chiến với Đức. Không chỉ có nước Pháp mà xứ Đông Dương thuộc Pháp cũng bị cuốn vào cơn lốc của chiến tranh. Bước vào vòng chiến, chính quyền tư bản Pháp chủ trương phát xít hoá bộ máy cai trị, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở chính quốc và các nước thuộc địa. Thành phố Nam Định là nơi đóng sở chỉ huy của Trung đoàn pháo thủ Bắc Kỳ thứ tư (44RTT) với lực lượng là 500 tên cùng một đại đội lính khố xanh. Hai đồn Lạc Quần và Tam Toà cũng có gần hai trung đội khố xanh án ngữ vùng nông thôn và vùng biển. Ngoài số mật thám lành nghề, sở mật thám Nam Định còn có một mạng lưới chỉ điểm tới 165 tên, rải ra ở khắp nơi, nhất là trong các nhà máy ở thành phố. Tổ chức ái hữu công nhân Thiên Chúa giáo ra sức ngăn cấm con chiên bàn luận chính trị và tham gia vào các cuộc đấu tranh.

    Ở Việt Nam, thực dân Pháp thi hành chính sách kinh tế thời chiến, tận lực vơ vét sức người, sức của để cung phụng cho chiến tranh. Với lệnh tổng động viên được ban bố, bọn thống trị và tay sai ở Nam Định đã lùng sục, bắt hàng loạt thanh niên trai tráng vào lính, làm bia đỡ đạn trên khắp các chiến trường của Pháp. Các phương tiện vận tải bị trưng dụng, sung công. Các cuộc lạc quyên, mua công trái với cái vỏ bọc xảo trá "giúp đỡ các chiến sĩ Pháp - Việt đang chiến đấu" được mở ra liên tiếp để vơ vét của cải của dân. Ngoài ra chúng đồng loạt tăng cường các loại thuế cũ, đặt thêm nhiều loại thuế mới hết sức vô lý. Trong khi đó, do ảnh hưởng của chiến tranh hàng loạt các nhà máy của tư bản Pháp và của người sản xuất đình đốn, nhiều xí nghiệp phải đóng cửa, công nhân bị sa thải, thất nghiệp.

    Nông dân đói khổ cùng kiệt vì sưu thuế nặng nề, sản lượng lương thực giảm sút. Các tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ cũng khó đường xoay xở, sinh sống. Trí thức, viên chức thiếu việc làm, giá sinh hoạt ngày càng tăng vọt. Sự bóc lột của thực dân Pháp để phục vụ cho cỗ xe chiến tranh đã làm cho người dân Nam Định oằn lưng khốn khổ.

    Song điều mà thực dân Pháp đặc biệt quan tâm là bằng mọi cách triệt phá phong trào cách mạng, tấn công vào Đảng Cộng sản vì chỉ có tiêu diệt được lực lượng cách mạng thì chúng mới có thể yên tâm theo đuổi chiến tranh. Tại Nam Định, đế quốc Pháp và tay sai đã tiến hành 122 vụ khám xét, bắt 46 người, hầu hết là những đảng viên, quần chúng cách mạng hoạt động công khai trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Mọi quyền dân chủ đơn sơ nhất mà người dân giành được đều bị huỷ bỏ, cấm đoán.

    Đối với Đảng ta, sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai đã được dự đoán từ trước. Ngay từ năm 1930, trong lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ "cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đang được ráo riết chuẩn bị". Trong thời kỳ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, Đảng đã đề ra một số chủ trương và hoạt động đề phòng khi chiến tranh bùng nổ. Chính có sự chuẩn bị trước nên chỉ một tháng sau khi chiến tranh thế giới xảy ra, ngày 29-9- 1939, Trung ương Đảng đã gửi Thông báo yêu cầu các cấp bộ Đảng và toàn thể đảng viên phải rút vào hoạt động bí mật một cách nhanh chóng và triệt để, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, biến nông thôn thành căn cứ địa rộng lớn của cách mạng, duy trì phong trào ở thành thị, kết hợp chặt chẽ phong trào thành thị và phong trào nông thôn. Các tổ chức quần chúng cách mạng nhanh chóng chấm dứt hoạt động công khai.

    Tỉnh uỷ Nam Định tuy đã nhận rõ sự trở mặt của kẻ thù và có phương án đối phó với tình thế mới, chú ý xây dựng lực lượng cách mạng bí mật, thuyên chuyển cán bộ lãnh đạo, huỷ bỏ một số tài liệu quan trọng nhưng do những điều kiện riêng ở thành phố, bộ phận công khai còn lúng túng, chưa kịp thời rút vào hoạt động bí mật nên đã bị tổn thất nặng nề. Ngay trong đợt khủng bố đầu tiên đã có 46 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt và truy tố trước toà án về tội "tàng trữ các sách báo, tuyên truyền cộng sản". Các tổ chức ái hữu bị giải tán, Đại lý báo Tin tức bị đóng cửa. Riêng lực lượng hoạt động bí mật vẫn được bảo toàn, cơ quan lãnh đạo, các tổ chức cơ sở Đảng vẫn được duy trì. Để duy trì hoạt động, sau khi đồng chí Trần Hoạt (Bí thư Tỉnh uỷ) được trả tự do, cấp trên đã chuyển đồng chí đi hoạt động ở địa bàn khác.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com