Vững vàng trong khủng bố, khôi phục lại phong trào (Kỳ 4)

06:11, 13/11/2014

[links()]

    Trong đề lao Nam Định, cuộc đấu tranh đối mặt với kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng diễn ra từng ngày, từng giờ. Hầu hết đảng viên và các quần chúng cách mạng mặc dù bị địch dùng cực hình tra tấn, chết đi sống lại vẫn tỏ rõ tinh thần anh dũng bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng đến cùng. Tấm gương của đồng chí Ngô Duy Phớn - người đã bị mật thám Nam Định tra tấn đến chết vẫn kiên cường bất khuất không khai báo nửa lời, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ và anh em bạn tù hết sức khâm phục, quyết chí noi gương. Giữa nơi hang hùm, miệng sói ấy, Chấp uỷ được thành lập; những cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống liên tiếp nổ ra.

    Nhiều lớp học chính trị, văn hoá và sinh hoạt văn nghệ được tổ chức để nâng cao trình độ, rèn luyện khí tiết, tinh thần lạc quan cách mạng và tình hữu ái trong anh em.

    Ngày 3-5-1941, thực dân Pháp đã đưa những chiến sĩ cách mạng ở đề lao Nam Định ra Toà Nam án để xét xử. Đoàn tù chính trị phạm đã tỏ rõ khí phách hiên ngang của người cộng sản trước toà và trước đông đảo nhân dân thành phố. Từ xe ô tô bước vào phòng xử án, các đồng chí đã hát vang những bài ca cách mạng. Khi kẻ thù tuyên án, các đồng chí đồng thanh hô vang khẩu hiệu Đả đảo đế quốc! Tấm gương của các chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng trong nhà tù đế quốc và trước toà thực dân đã làm bừng sáng ngọn lửa yêu nước trong các tầng lớp nhân dân Nam Định.

    Sau khi chiếm được Đông Dương, phát xít Nhật tìm mọi cách thâu tóm quyền lực, loại bỏ dần vai trò, thế lực của thực dân Pháp. Tháng 12-1941, Pháp buộc phải ký Hiệp định nhường toàn quyền hành động cho Nhật ở Đông Dương. Nhân dân ta từ đây sống cảnh một cổ hai tròng trăm phần cực nhục.

Ngày 28-1-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quôc từ nước ngoài về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng.
Ngày 28-1-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quôc từ nước ngoài về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng.

    Trước đòi hỏi cấp bách của tình hình mới, Trung ương Đảng đã có chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Ngày 28-1-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quôc từ nước ngoài về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Dưới sự chủ trì của Người, tháng 5-1941 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập đã quyết định nhiệm vụ giải phóng dân tộc và đó là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị đã hoàn thiện các Nghị quyết 6, 7 của Trung ương về vấn đề dân tộc giải phóng và ra Nghị quyết nhấn mạnh: "Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được". Hội nghị chủ trương thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị mọi mặt tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

    Đúng như Nghị quyết Trung ương 8 nhận định, trong cơn lốc chiến tranh, quyền lợi các giai cấp đều bị cướp giật. Các nhà máy của tư bản phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng. Tại Nam Định hàng vạn công nhân thất nghiệp phải trở về quê quán hoặc phiêu dạt đi nơi khác kiếm sống; công thương nghiệp của tư sản Việt Nam cũng trì trệ sa sút. Trong hoàn cảnh cơ cực ấy, phát xít Nhật còn bắt nhân dân phá ngô lúa sắp đến vụ thu hoạch để trồng đay, thầu dầu. Nó đã đẩy người nông dân tới cảnh điêu đứng khốn cùng. Nạn đói như bóng tử thần đang bao trùm lên đời sống nhân dân lao động. Tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều cảm thấy ngột ngạt đang mong ngóng, đón đợi một sự thay đổi mới.

    Ra đời vào giữa lúc lòng dân đang trông chờ cách mạng, Nghị quyết Trung ương 8 đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào cả nước cũng như tại Nam Định. Nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng ở thành phố tuy không nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ vẫn âm thầm hoạt động, duy trì hộp thư sống để móc nối liên lạc với cấp trên.

    Đầu năm 1943, sau một thời gian dài tìm cách khôi phục cơ quan lãnh đạo tỉnh và thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng, nhiều lần công vận xứ đã cử cán bộ về đẩy mạnh công tác công vận ở những trung tâm công nghiệp. Đồng chí Tùng Giang được Xứ uỷ cử về Nam Định gầy dựng lại phong trào. Qua cơ sở Kiôt Thu Hương (tại vườn hoa Điện Biên), đồng chí Tùng Giang đã bắt liên lạc được với các đồng chí Bùi Xuân Mẫn, Bùi Thế Đạm, Trần Văn Hiển, Phạm Văn Yêng, Trần Đăng Bái và đã hình thành Ban cán sự Công vận tỉnh Nam Định, do đồng chí phụ trách. Ban cán sự dựa vào các gia đình cơ sở cũ chưa bị lộ để liên lạc và tổ chức hoạt động như gia đình bà Phạm Thị Chín ở ngõ Văn Nhân. Ban cán sự vừa làm nhiệm vụ công vận, vừa làm nhiệm vụ Ban cán sự Đảng.

    Dựa vào Nghị quyết Trung ương 8, căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương, Ban cán sự tập trung chỉ đạo một số công việc cần kíp nhằm mau chóng tập hợp các đảng viên vừa ở tù về làm hạt nhân lãnh đạo; xúc tiến tuyên truyền, giới thiệu chương trình đánh Pháp, đuổi Nhật của Mặt trận Việt Minh; tổ chức các đoàn thể cứu quốc, xây dựng lực lượng vũ trang; lãnh đạo quần chúng giành giật những quyền lợi sống còn trước mắt; phát triển phong trào về nông thôn.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com