Phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước (Kỳ 1)

04:11, 20/11/2014

[links()]

    Đầu năm 1945, Hồng quân Liên Xô đã quét sạch kẻ thù ra khỏi bờ cõi và tiếp tục truy kích chúng đến hang ổ Đức quốc xã. Trên mặt trận Thái Bình Dương, phát xít Nhật cũng bị giáng những đòn chí tử và ngày càng bị đẩy vào tình thế khốn cùng. Trục phát xít Đức - Ý - Nhật đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.

    Ở Đông Dương, mâu thuẫn Nhật - Pháp đã gay gắt tới cực điểm. Bọn Pháp phái Đờ Gôn đang nung nấu chí phục thù phát xít Nhật để khôi phục lại quyền thống trị của chúng ở xứ Đông Dương. Trong giờ phút nguy khốn, để tránh họng súng của Pháp chĩa vào sau lưng khi quân Đồng minh kéo vào, Nhật buộc phải làm cuộc đảo chính để hất cẳng Pháp nhằm độc chiếm Đông Dương.

    Đêm 9-3-1945, cùng một lúc trên toàn cõi Đông Dương, quân Nhật đồng loạt nổ súng tấn công Pháp và chỉ gặp sự chống cự rất yếu ớt ở một số nơi cho nên chưa đầy một ngày chúng đã làm chủ tình thế.

Trước tình hình chuyển biến hết sức mau lẹ ở trong nước và trên thế giới, từ ngày 9 đến ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Đồng chí Trưòng Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã chủ trì Hội nghị. Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Hội nghị nhận định rằng, cuộc đảo chính Nhật - Pháp đã tạo ra tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa vũ trang cách mạng đi đến chín muồi nhanh chóng, do đó đã đến lúc phải phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa.

Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta đã trở thành một văn kiện hết sức quan trọng để chỉ đạo mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân trong cao trào kháng Nhật, cứu nưóc.

    Tại Nam Định, đêm 9-3-1945 từ 21 giờ đến 23 giờ, Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp. Trên địa bàn thành phố Nam Định, quân Pháp đông gấp năm lần quân Nhật nhưng hầu như không dám kháng cự, vội vã đầu hàng. Hệ thống nguỵ quyền từ tỉnh xuống xã như rắn mất đầu hết sức hoang mang.

    Ngay sau khi hất cẳng Pháp, Nhật ráo riết thi hành chính sách thống trị phát xít, một mặt ra sức vơ vét nhân tài vật lực dốc vào chiến tranh phát xít, mặt khác thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương.

    Ngày 17-4-1945, Nhật nặn ra Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim với chiêu bài độc lập giả hiệu để lừa bịp nhân dân. Hệ thống chính quyền từ tỉnh, phủ xuống huyện được khoác cái tên mới. Tổng đốc được đổi gọi là tỉnh trưởng; tri phủ, tri huyện là huyện trưởng; lính khố xanh đổi làm bảo an binh... do chúng điều hành sử dụng. Cùng với sự ra đời của nội các Trần Trọng Kim, các tổ chức thân Nhật cũng xuất hiện và ráo riết hoạt động. Ngoài việc duy trì bộ máy chính quyền cũ, Nhật cất nhắc những tên Việt gian tay sai được chúng nuôi dưỡng vào những vị trí quan trọng trước đây do Pháp nắm giữ. Được Nhật nâng đỡ, bọn thân Nhật lập ra cái gọi là uỷ ban phụng sự quốc gia, Đoàn thanh niên xã hội làm chỗ dựa và hậu thuẫn cho chính quyền bù nhìn. Thông qua những tổ chức tay sai đó, chúng ra sức khua chiêng, gõ trống, tuyên truyền rùm beng cho chính sách Đại Đông Á và nền độc lập bánh vẽ ở Việt Nam. Chúng còn tổ chức mít tinh, triển lãm, chiếu bóng và bày trò truy điệu các nghĩa sĩ Việt - Nhật để gây tâm lý thân, phục Nhật. Đối với vùng nông thôn, chúng còn lập ra một số tổ chức thân Nhật như Bạch xỉ tiên cừu, Đại Việt duy dân.

    Song song với thủ đoạn lừa bịp về chính trị, Nhật còn tăng cường các hoạt động quân sự. Ngoài việc chiếm đóng các vị trí của Pháp, chúng ra sức tăng cường lực lượng ở những nơi xung yếu, điều thêm một trung đội lính xuống đóng ở Văn Lý (Hải Hậu) để kiểm soát bờ biển. Bảo an đoàn - một tổ chức bán vũ trang của chính quyền bù nhìn được xây dựng ở khắp các thôn xóm, khu phố. Tổ chức mật thám được bổ sung thêm những tên tay sai đắc lực đặt dưới quyền kiểm soát của hiến binh Nhật. Những hành động đàn áp, dò bắt cán bộ và cơ sở cách mạng liên tiếp diễn ra, nhất là ở thành phố. Chúng tăng cường bắt thanh niên đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng ở khắp các chiến trường.

    Về kinh tế, chúng bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, gai, thầu dầu, tăng cưòng vơ vét thóc gạo để nấu cồn thay xăng phục vụ cho cuộc chiến phi nghĩa của chúng. Cùng với thiên tai liên tiếp xảy ra vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, chính sách vơ vét kinh tế của phát xít Nhật đã gây ra bao thảm hoạ cho nhân dân ta. Nạn đói đang đe doạ trầm trọng. Giữa lúc đó, chúng lại đình chỉ bán gạo cho dân, tung bừa giấy bạc loại 50 đồng và 100 đồng ra thị trường mua vét thóc gạo, đầu cơ tích trữ lương thực. Hậu quả đau xót do chính sách phát xít hoá của Nhật gây ra là 212.218 người dân Nam Định đã gục chết đói thê thảm, ở huyện Giao Thuỷ có tới 17.000 người chết đói (hai xóm Lâm Thọ và Lâm Quý có 105 hộ thì 89 hộ chết không còn người nào). Huyện Xuân Trưòng số bị chết đói lên tới 19.000 người. Hai huyện Nam Trực, Trực Ninh có 60.543 người bị chết đói. Tất cả những hành động cướp của, giết người của giặc Nhật đã làm trào dâng ngọn sóng căm phẫn trong mọi tầng lâp nhân dân.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com