[links()]
(Tiếp theo)
Sau khi Ban Tỉnh uỷ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định thành lập, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng là nhanh chóng đưa các tổ chức quần chúng cách mạng vào các tổ chức đỏ, tháng 7-1929, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Văn Sửu (Trần Học Hải) về Nam Định xây dựng Công hội đỏ. Sau khi gặp gỡ, bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh uỷ, công tác vận động công nhân, nông dân vào tổ chức Công hội đỏ và Nông hội đỏ được tiến hành khẩn trương. Sau gần hai tuần vận động, tổ chức, Công hội đỏ được thành lập ở các Nhà máy sợi, Nhà máy điện, Nhà máy rượu, Nhà máy đèn... Giữa tháng 7-1929, Tổng Công hội đỏ Nam Định được thành lập. Ban trị sự có đồng chí Trần Văn Lan (trưởng ban), Trần Văn Các, Nguyễn Như Đoan. Ngày 22-7-1929, Tổng Công hội đỏ Nam Định cử đồng chí Trần Văn Các, Nguyễn Như Đoan đi dự Đại hội đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội.
Khi phát hiện phong trào đấu tranh của công nhân lâu nay có sự tổ chức, lãnh đạo của tổ chức cách mạng, từ nửa cuối năm 1929, bọn đế quốc, tay sai đã ra sức lùng bắt một số cán bộ của Đảng và quần chúng yêu nước. Ngày 16-1-1930, Toà án Nam Định đưa ra xét xử 27 đảng viên và quần chúng cách mạng trước đông đảo nhân dân thành phố hòng uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng. Nhưng ngược lại, tinh thần hiên ngang bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trước toà đế quốc có ý nghĩa giáo dục và có tác dụng cổ vũ tinh thần yêu nước, thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong lòng dân chúng thành phố.
Trên đường dẫn giải từ đề lao Nam Định ra toà án, các chiến sĩ đã hát vang bài Quốc tế ca và Bài ca Hắc Hải bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
Trước toà án, khi tên Công sứ Sapula kết tội đồng chí Tống Văn Trân là "khuynh đảo chính phủ". Đồng chí đã hiên ngang trả lời: "Tôi rất chán ghét chế độ giáo dục nhồi sọ hiện nay, chỉ cốt dạy làm nô lệ, trung thành với thực dân. Tôi là đảng viên Đảng Cộng sản. Tôi thấy chủ nghĩa cộng sản rất chân chính, đem lại hạnh phúc chắc chắn cho nhân dân, nên tôi vui lòng theo để đánh đổ nhà nước chuyên chế của đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột công nông và lao động để lập nên nhà nước công nông mới mưu cầu hạnh phúc chắc chắn cho công nông và nhân loại".
Khi đồng chí Tống Văn Trân bị kết án tử hình và 24 người khác bị kết án từ một năm tù đến khổ sai chung thân, tất cả đã đứng phắt dậy hô vang khẩu hiệu Chống án bất công, Đả đảo đế quốc Pháp, ủng hộ Liên bang Xô viết Nga, Đông Dương Cộng sản Đảng muôn năm!
Trước đông đảo đồng bào, đồng chí Tống Văn Trân rút vuông vải đỏ tượng trưng cho cờ Đảng ở trong người phất cao và dõng dạc diễn thuyết về Lênin (nhân dịp kỷ niệm ngày mất của Người) và tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản.
Nhân dân Nam Định hết sức xúc động, khâm phục và bước đầu hiểu về Đảng Cộng sản, về những người cộng sản qua những hành động kiên cường của các chiến sĩ cách mạng trước toà án đế quốc.
*
* *
Với truyền thống yêu nước, nhạy bén vói những luồng tư tưởng mới của nhân loại, Đảng bộ và nhân dân Nam Định sớm đón nhận được tư tưởng cách mạng tiên tiến của thời đại đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng cách mạng đó đã trở thành ngọn cờ tiên phong dẫn dắt phong trào đấu tranh của địa phương ngày càng mạnh mẽ. Trí thức, học sinh Nam Định có vai trò hàng đầu trong quá trình đón nhận, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trào lưu tư tưởng mới với phong trào đấu tranh của quần chúng đã tạo nên nội lực cách mạng vững chắc và là tiền đề cho Đảng bộ ra đời và lãnh đạo cách mạng.
Từ khi Đảng bộ ra đời, phong trào cách mạng Nam Định có sự chuyển động mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm đấu tranh sôi sục, quyết liệt trong các cao trào cách mạng của cả nước, góp phần làm nên thắng lợi oanh liệt của Đảng là giành độc lập cho dân tộc, tự do cơm áo, hoà bình cho nhân dân.