Vĩnh Hào - Vùng đất đậm đặc nét văn hóa truyền thống

04:08, 22/08/2014

Xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) là vùng đất cổ. Qua các phát hiện khảo cổ và các thần tích, ngọc phả, sắc phong, văn bia, đại tự, câu đối ở các đình, đền, vùng đất này được hình thành từ thời Vua Hùng dựng nước. Trên địa bàn xã hiện vẫn lưu giữ được các giá trị văn hóa dân gian phong phú và các làng nghề truyền thống.

Đền Vĩnh Lại là di tích lịch sử - văn hóa cấp Nhà nước. Đền thờ hai ông Bạch Đẳng và Cao Lôi có công giúp Bà Trưng đánh giặc Hán xâm lược và thờ các vị tổ lập làng, có công lao với quê hương. Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, khu di tích vẫn giữ được kiến trúc truyền thống. Đền có tiền đình được xây dựng theo lối cổ. Cột đồng trụ có đủ đế thân lồng đèn, bảo cái và nghê chầu, nhấn tỉa họa tiết và gờ chỉ rất công phu. Hai cổng bên được làm theo kiểu chồng diêm tám mái, có kìm nóc, mái cong, góc đao mềm mại. Ở các công trình khác trong ngôi đền hầu hết xây dựng theo kiểu chồng rường hoặc thượng mê hạ kẻ. Kiến trúc ở khu vực chùa trong khuôn viên di tích cũng đảm bảo tính hài hoà về mỹ thuật của một công trình kiến trúc cổ. Để bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, xã Vĩnh Hào đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nhân dân, nhất là những người con xa quê đóng góp công, của để trùng tu, tôn tạo. Nhiều người con xa quê như: gia đình bà Phạm Hồng Quang, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng phủ Mẫu trong quần thể di tích đình - chùa làng Vĩnh Lại; gia đình các ông: Vũ Bá Khai, Vũ Bá Chỉnh, Vũ Bá Quỳ, Vũ Huy Liệu, Phạm Đình Khôi đã đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng các công trình văn hóa địa phương. Làng Hồ Sen hiện còn lưu giữ nét đẹp không gian văn hoá của làng quê với cảnh: cây đa, giếng nước, đình làng. Đầu làng phía đông có ngôi phủ thờ nhị vị Thánh Bà, gọi là Vua Ả, Vua Dì. Ở Cồn Mưỡu phía nam làng có miếu thờ Đặng Đình Hầu là phò mã của nhà Mạc. Đền và chùa làng Hồ Sen đã được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2000. Tại làng Cựu Hào có ngôi đình và đền cổ kính, hằng năm làng vào đám có tổ chức hát chèo, thi võ vật và các trò chơi dân gian như: cờ người, leo cầu kiều, tổ tôm điếm... Những thuần phong mỹ tục và các sinh hoạt văn hóa xã hội lâu đời ở xã Vĩnh Hào vẫn được bảo lưu qua các hương ước, các lệ làng, các tập tục trong việc tổ chức việc cưới, việc tang, đình đám. Làng Hồ Sen còn tục lệ khi con gái về nhà chồng, bố mẹ sẽ cho một con dao chẻ nan, ý nói về nhà chồng vẫn không quên nghề đan lát tảo tần. Làng Vĩnh Lại hiện còn giữ nhiều tín ngưỡng nguyên sơ như tục thờ bản thổ thành hoàng. Ở làng vào ngày Tết, ngày hội làng, mọi nhà đều dùng rơm bện lại quấn quanh cây tre, cây bương để làm cây nêu, hay cắm cột treo đèn treo cờ dọc đường lễ hội rước qua và làm cổng chào bện bằng rơm trong ngày lễ hội. Làng còn giữ được tục rước đuốc đêm giao thừa nhằm tưởng nhớ vị tướng Phạm Phúc Quảng và quân sĩ đánh thắng giặc Chiêm Thành. Vào ngày lễ khánh hạ mùng 2 Tết Nguyên đán, làng có lễ vật độc đáo là chiếc bánh chưng lồng. Người làm lễ phải đan lồng bằng nứa (rộng khoảng 25-30cm) vuông vắn, sau khi lót lá dưới đáy, người làm lễ đổ gạo nếp, đậu, thịt, hành, gia vị theo từng lớp rồi gói, buộc chặt đặt vào nồi 30 nấu liền hai hôm mới được vớt ra.

Di tích lịch sử - văn hóa đền Ngoài, thờ Đức Thánh Cả, làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào.
Di tích lịch sử - văn hóa đền Ngoài, thờ Đức Thánh Cả, làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào.

Xã Vĩnh Hào hiện còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống như đan cót, đan gối mây. Làng Vĩnh Lại (xưa là làng Si) có nghề đan cót từ thế kỷ XVII. Tương truyền, lúc đó, Thừa Chính sứ Lạng Sơn Phạm Thuần Hậu đã đưa hai người làng Si là Đoàn Phúc Làng và Trần Ngọc Lâm đến làng Ngọc Lũ, châu Lạng Giang học nghề đan cót, khi thành nghề, lại mời cụ Nguyễn Trừ, người làng Ngọc Lũ về dạy dân làng. Đầu thế kỷ XVIII, Tiến sĩ Thượng thư Phạm Đình Kính đi sứ nhà Thanh có lưu lại ở Ngọc Lũ, khi về ông đã giúp nhân dân mở rộng nghề này. Cót của làng Si xưa có nhiều loại: Cót để quây lúa, cót để đan bồ đựng lúa… Một số nghệ nhân của làng còn nhuộm nan đan thành những bức hoành phi đại tự có hoa văn trang trí. Hiện nay, tại làng còn nhiều gia đình làm nghề cót truyền thống như cụ Trần Đức Cống (80 tuổi), cụ Vũ Thị Viên (83 tuổi)… Nghề đan cót tận dụng được sức lao động nhàn rỗi của người dân, phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều hộ dân trong làng ngoài làm nông nghiệp vẫn gắn bó với nghề truyền thống. Để ghi nhớ công ơn các nghệ nhân truyền nghề, hằng năm vào ngày 24-6 âm lịch khi làm lễ Thượng điền tế Thần Nông, dân làng cũng lập hương án tại đình làm lễ tế các vị tổ nghề cót. Ở làng Tiên Hào có nghề làm gối mây. Theo các cụ truyền lại, vào đầu đời Nguyễn có cụ Nguyễn Văn Tại người làng Kẻ Tiên vào sinh sống ở xã Đoài (nay thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) học được nghề làm gối mây đã về truyền dạy cho người dân trong làng. Hiện nay, gối mây đã được sản xuất theo dây chuyền hiện đại để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Để ghi nhớ công ơn của nghệ nhân, hằng năm cứ đến ngày 15-3 âm lịch, dân làng Tiên Hào đều tổ chức lễ “tri ân” tưởng nhớ cụ Nguyễn Văn Tại. Các nghề truyền thống của địa phương không chỉ cải thiện đời sống kinh tế của nhân dân mà còn gắn kết “tình làng, nghĩa xóm” trong các sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, trong quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong xã có nhiều gia đình tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình văn hóa. Riêng tại làng Vĩnh Lại, anh Vũ Bá Uy đã đóng góp kinh phí 20 triệu đồng để xây dựng trang web: Langvinhlai.vn để quảng bá các giá trị văn hóa của làng, đồng thời, đây cũng là kênh thông tin bổ ích để những người con làng Vĩnh Lại hiểu hơn về truyền thống văn hóa của làng, từ đó có những đóng góp cụ thể hướng về quê hương.

Những di tích lịch sử văn hoá, những làng nghề truyền thống cùng với không gian văn hoá “Cây đa, giếng nước, mái đình” đã tạo nên vẻ cổ kính của vùng đất cổ Vĩnh Hào. Xã Vĩnh Hào đang khởi sắc trong thời kỳ mới nhưng không mất đi những giá trị cốt lõi văn hóa thuần Việt, đó là sức mạnh nội lực để người dân nơi đây tạo ra bước phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trong thời kỳ mở cửa, hội nhập./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com