Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và xây dựng các tổ chức cách mạng

07:08, 26/08/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực tế ở Nam Định, phong trào công nhân đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đấu tranh không còn dừng lại ở mục đích kinh tế mà đã mang ý thức giai cấp, ý thức chính trị sâu sắc.Vì vậy, những cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, qua thực tế lãnh đạo phong trào, đã nhận thấy sự cần thiết phải thành lập một tổ chức để thay thế cho tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lúc này đã bộc lộ những hạn chế không đủ khả năng để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng đang ngày một vươn lên mạnh mẽ. Tại cuộc họp của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) vào cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Hoan, đại biểu Tỉnh bộ Nam Định đã nêu rõ vấn đề đó. Tiếp đến cuộc họp từ ngày 23 đến ngày 29-3-1929 của Kỳ bộ tổ chức tại tỉnh Sơn Tây, nhằm chuẩn bị cho Đại hội Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tỉnh bộ Nam Định đã cử đồng chí Trần Văn Lan (nguyên Bí thư chi bộ Nhà máy sợi) đi dự. Một lần nữa, bằng thực tế của phong trào cách mạng trong tỉnh, đồng chí Trần Văn Lan đã nêu lên yêu cầu bức thiết của các hội viên là cần thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để đáp ứng những yêu cầu về lãnh đạo của quần chúng cách mạng, Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không đảm đương được chức năng lãnh đạo cách mạng và đã hết vai trò lịch sử của mình.

    Sau gần hai năm hoạt động, từ tháng 9-1927 đến tháng 3-1929, số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Đinh lên tới 168 người, trong đó khoảng 50% xuất thân từ trí thức tiểu tư sản, 25% xuất thân từ công nhân, 20% là nông dân, còn lại là các thành phần khác.

Chùa Tự Lạc nơi họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ, ngày 20-8-1945.
Chùa Tự Lạc nơi họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ, ngày 20-8-1945.

    Tại thành phố Nam Định, cơ sở hội được xây dựng ở Nhà máy sợi, Nhà máy tơ, Nhà máy đèn, trường Thành Chung, trường Cửa Bắc, trường Nam Khê, Bến Củi và ở một số đường phố. Các huyện Phong Doanh, Ý Yên có các cơ sở ở An Hoà, Tiêu Bảng, Ngòi, Ngô Xá, Mai Sơn, Xuất Cốc, Lỗ Xá, Mụa, Phường, Lũ Phong, An Lộc, Bình Điền. Các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ có cơ sở được nhen nhóm ở Lạc Quần, Hội Khê Ngoại, An Cư, Quất Lâm, Tự Lạc, Diêm Điền, Hoành Nhị. Các huyện Trực Ninh, Nam Trực cơ sở hội được gây dựng ở Nam Lạng, Cát Trung, Quỹ Đê, Phú An, Duyên Hưng, Hưng Đễ, Phù Ngọc. Huyện Hải Hậu phong trào phát triển ở Thượng Trại, Phú Văn. Huyện Nghĩa Hưng phong trào được nhen nhóm ở thôn Tranh (nay thuộc huyện Ý Yên). Ngoài những vùng trên, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định còn góp phần phát triển sang một số vùng thuộc Hà Nam, Ninh Bình.

    Là một địa phương có phong trào công nhân phát triển mạnh nên Kỳ bộ Bắc Kỳ rất chú trọng, luôn cử những cán bộ có khả năng, kinh nghiệm về bổ sung cho sự lãnh đạo nơi đây. Tháng 3-1929, Kỳ bộ cử đồng chí Nguyễn Hới và một số đồng chí về phụ trách phong trào cách mạng Nam Định để cùng với các đồng chí ở địa phương chuẩn bị tích cực về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản ở Nam Định.

    Sau khi đề xuất ý kiến thành lập Đảng Cộng sản không được Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chấp nhận, Đoàn đại biểu Bắc Kỳ bỏ Đại hội về nước xúc tiến thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17-6-1929. Chính cươngTuyên ngôn của Đảng được công bố. Tờ báo Búa liềm - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng ra đòi. Sự kiện này tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Nam Định. Sau hai ngày Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời nhiều truyền đơn, khẩu hiệu, Tuyên ngôn của Đảng và cờ búa liềm, xuất hiện ở nhiều nơi trong tỉnh. Đúng vào thời điểm quan trọng đó, tức ngày 19-6-1929, Ban Tỉnh uỷ lâm thời Nam Định được thành lập gồm các đồng chí Nguyễn Hới, Nguyễn Văn Ngọ, Lê Ngọc Rư do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Ban Tỉnh uỷ lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Nam Định đã đề ra chương trình hành động trước mắt:

    - Xúc tiến xây dựng các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, kết nạp những hội viên tiên tiến trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào Đảng (lúc đó gọi là chuyển đảng).

    - Gấp rút tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ cho phong trào.

    - Phát triển mạnh mẽ các tổ chức quần chúng cách mạng và phát triển các cuộc đấu tranh của quần chúng.

    Ban Tỉnh uỷ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định bố trí ngôi nhà số 12 phố Năng Tĩnh và một số nhà trong làng Mỹ Trọng (Mỹ Xá) làm nơi liên lạc, họp hành, ăn ở của cán bộ thoát ly - đó là cơ quan Tỉnh uỷ.

    Công việc tuyên truyền được chú ý ngay từ đầu. Lần đầu tiên, một cơ sở in thạch của Tỉnh uỷ được tổ chức, địa điểm lần lượt đặt ở phố Hải Phòng, đường 110 (nay là đường Nguyễn Du) để in tài liệu bí mật, truyền đơn, báo chí của Trung ương như báo vô sản, Búa liềm và tờ báo Tiền phong của tỉnh. Đồng chí Trần Văn Lan được chỉ định là cán bộ Tỉnh uỷ, giúp đồng chí Nguyễn Hới lãnh đạo Công hội đỏ.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com