[links()]
(Tiếp theo)
Trong hoàn cảnh Đảng bộ vừa mới ra đời, lại phải đối phó với một tên thực dân đế quốc cáo già, nhiều mưu mô xảo quyệt và kinh nghiệm chống phá cách mạng trên phạm vi quốc tế, do đó những thiếu sót và hạn chế của Đảng bộ là khó tránh khỏi. Vào lúc phong trào cả nước bị địch khủng bố dữ dội, Đảng bộ Nam Định cũng chịu tổn thất lớn.
Ngày 27-3-1930, địch vây cơ quan Tỉnh uỷ ở Khoái Đồng giữa lúc các đảng viên Nam Định nghe đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Xứ uỷ viên phụ trách phong trào Nam Định truyền đạt Luận cương chính trị. Ngày hôm sau, địch tiếp tục vây bắt cơ quan ấn loát ở 54 Hàng Thao, thu được nhiều dụng cụ in ấn và mấy thúng truyền đơn. Tháng 4, địch phá cơ quan giao thông ở phố Bến Củi.
Qua các vụ bắt bớ này, đồng chí Xứ uỷ viên phụ trách Nam Định, hầu hết Ban Tỉnh uỷ và trên một chục cán bộ, quần chúng cách mạng bị bắt.
Ngày 15-8-1931, địch tấn công vào các cơ sở cách mạng ở Ý Yên, Phong Doanh, nơi có phong trào mạnh, bắt được đồng chí Nguyễn Doãn Chấp - Tỉnh uỷ viên cuối cùng và hàng chục đảng viên, quần chúng làm cho phong trào cách mạng ở vùng nông thôn cũng bắt đầu lắng xuống.
Sau khi Nghiêm Thượng Biền - Xứ uỷ viên bị bắt (22-5-1931) và khai báo, cơ quan Xứ uỷ Bắc Kỳ bị phá vỡ. Để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng chung toàn xứ, ngày 25-51931, đồng chí Trần Quang Tặng được phân công lập lại Xứ uỷ Bắc Kỳ và các cơ quan lãnh đạo cách mạng ở Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng. Mùa thu năm 1931, Xứ uỷ cử đồng chí Nguyễn Văn Long (Nguyễn Hữu Hoan) về chắp mối với một số đảng viên công nhân ở thành phố (Trần Trọng Hợp, Trần Công Tiến, Trần Văn Tạ, Bùi Thế Đạm, Mai Văn Khánh) để tổ chức cơ quan Tỉnh uỷ. Vì lực lượng quá mỏng nên lúc này hoạt động của Đảng bộ chỉ bó hẹp ở thành phố. Cả vùng nông thôn rộng lớn thiếu sự chỉ đạo của Đảng bộ. Nhưng cơ quan Tỉnh uỷ mới tái lập ở số 5 Hàng Tiện được vài tháng thì ngày 12-1-1931 địch vây cơ quan, bắt hầu hết cán bộ chủ chốt của Nam Định, trong đó có Bí thư Tỉnh uỷ Lê Công Thanh.
Nhiều đảng viên là người Nam Định hoạt động ở các nơi khác, thời gian này cũng bị sa vào tay địch. Đồng chí Bùi Lâm (Nguyễn Văn Dị - quê Vụ Bản) sau khi học xong trường Đại học Phương Đông, năm 1929 trở về Sài Gòn hoạt động trong tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, trực tiếp phụ trách Công đoàn. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí được cử làm Thường vụ Xứ uỷ Nam Kỳ. Tháng 2-1931, đồng chí được phái ra Bắc hoạt động, bị bắt ở Hải Phòng và bị kết án 5 năm khổ sai đày đi Côn Đảo. Đồng chí Vũ Thiện Chân từ cơ sở ấn loát của Xứ uỷ Bắc Kỳ tại Hạ Lý (Hải Phòng), cuối năm 1930 được phân công về Nam Định, đầu năm 1931 cũng bị bắt và đày ra Côn Đảo. Từ đây phong trào cách mạng Nam Định tạm lắng.
Vừa mới ra đời, Đảng bộ Nam Định đã kịp thời phát động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh kiên quyết đứng lên, đoàn kết thống nhất phối hợp đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng, đẩy phong trào quần chúng phát triển lên đỉnh cao, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 trong cả nước. Qua cao trào đấu tranh, Đảng bộ đã xây dựng được khối công nông liên minh vững chắc làm nòng cốt cho quá trình đấu tranh cách mạng sau này.
Thắng lợi đó đã khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng và sự vận dụng sáng tạo, kịp thời của Đảng bộ Nam Định; uy tín của Đảng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, mối quan hệ giữa Đảng với dân trở nên khăng khít, gắn bó. Đảng bộ Nam Định đã xác định được vai trò tiền phong chiến đấu của mình trong tiến trình cách mạng ở địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Đảng bộ còn thiếu kinh nghiệm hoạt động bí mật, chưa đặt công tác bồi dưõng lý luận cho cán bộ, quần chúng một cách có hệ thống, thường xuyên... Những khuyết điểm khó tránh khỏi trong thời kỳ mới thành lập, lại vấp phải sự đàn áp thẳng tay của thực dân Pháp đã khiến cho Nam Định - một trung tâm đấu tranh của phong trào công nhân chịu nhiều tổn thất.
(Còn nữa)