Phát động cao trào cách mạng (1930-1931)

05:09, 04/09/2014

[links()]

    Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị phân liệt và Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời thì trung tuần tháng 11-1929, An Nam Cộng sản Đảng cũng thành lập và tháng 1-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu khách quan của phong trào cách mạng cả nước. Đứng trước tình hình ba tổ chức cộng sản cùng tồn tại song song, cùng tranh thủ gây ảnh hưởng trong quần chúng cách mạng tạo ra sự bất lợi chung cho phong trào cả nước, Quốc tế Cộng sản đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Ai Quốc "hợp nhất các phần tử cộng sản chân chính lại để thành lập một đảng duy nhất", với trách nhiệm đó ngày 3-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc) đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất, lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Hội nghị đã thông qua Chính cương, Sách lược và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Đây là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng ta.

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối chiến lược và sách lược cách mạng đúng đắn là sự cổ vũ lớn lao đối với phong trào cách mạng đang ở thời kỳ phát triển sôi sục. Đường lối cách mạng của Đảng được công bố trở thành động lực cuốn hút, tập hợp mọi lực lượng nhân dân, tạo nên sự chuyển biến lớn cho phong trào cách mạng địa phương.

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời giữa lúc đời sống nhân dân nhất là giai cấp công nhân, nông dân đang vô cùng điêu đứng, lầm than vì nạn tổng khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới (1929-1933), vì những chính sách bóc lột tàn bạo của tư bản Pháp ở Đông Dương và thiên tai liên tiếp xảy ra. Nhiều nhà máy chỉ còn hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa do không tiêu thụ được sản phẩm.

    Ở Nhà máy sợi Nam Định, trong năm 1930, sản lượng vải chỉ bằng nửa năm 1927. Các xưởng dệt có 1.400 thợ thì 600 thợ bị đuổi, mất việc làm, các xưởng sợi chỉ hoạt động có 289 ngày. Hàng loạt công nhân, viên chức mất việc, số có việc làm cũng chịu cực nhọc, khổ sở trăm bề vì những khoản lễ lạt cho cai, ký, vì bị cúp phạt, lương thấp, vì các loại thuế ngày càng tăng. Đời sống công nhân thực sự điêu đứng.

    Người nông dân Nam Định sống thoi thóp trong chính sách bần cùng hoá của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Đã vậy, thiên tai lại liên tiếp giáng xuống đầu nông dân, hết hạn hán lại đến bão lụt. Riêng trận bão khủng khiếp ngày 30-7-1929, Nam Định đã có gần tám vạn ngôi nhà bị đổ, 10 vạn mẫu ruộng không cấy lại được.

    Trong một bối cảnh tình hình đời sống kinh tế khốn cùng như vậy, không một giai cấp, một tầng lớp nhân dân nào ở Nam Định không bị ảnh hưởng. Học sinh bỏ học. Tiểu tư sản không có công ăn việc làm. Tư sản dân tộc bị tư bản Pháp chèn ép dẫn đến nhiều người bị phá sản. Mọi giai tầng trong xã hội đều đứng trước nguy cơ xô đẩy của cuộc sống.

    Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và quán triệt chủ trương, đường lối của Trung ương, Tỉnh uỷ Nam Định đề ra một số nhiệm vụ cụ thể:

    Xây dựng và phát triển mạnh mẽ các tổ chức quần chúng trong công nhân, nông dân; tuyên truyền, giáo dục đường lối cách mạng của Đảng, nâng cao lòng yêu nước và phát động quần chúng đấu tranh, giành giật quyền lợi hằng ngày, tiến lên thực hiện nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, phong kiến.

    Thông qua phong trào đấu tranh của quần chúng mà đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố Đảng bộ về mọi mặt, nâng cao tinh thần tiền phong chiến đấu của Đảng, ra sức đào tạo cán bộ, đảm bảo Đảng là hạt nhân lãnh đạo phong trào.

    Những chủ trương của Đảng bộ tuy chưa thật toàn diện nhưng khi truyền đạt xuống cơ sở đã sớm vực phong trào của tỉnh hoà trong cao trào cách mạng chung của cả nước.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com