Phát động cao trào cách mạng (1930-1931)

06:09, 16/09/2014

[links()]

 (Tiếp theo)

    Tháng 7-1930, đồng chí Trần Văn Lan, Thường vụ lâm thời Trung ương Đảng đưa đồng chí Trần Phú về Nam Định để khảo sát tình hình phong trào công nhân và đời sống của công nhân lao động. Đồng chí đã dành nhiều thời gian làm việc với Ban Tỉnh uỷ Nam Định và các cán bộ chủ chốt của Công hội đỏ tại Nhà 26B phố Cửa Đông (nay là phố Lê Hồng Phong) và tại cơ quan Tỉnh uỷ - Nhà số 225 phố Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai, thành phố Nam Định). Đồng chí Trần Phú còn trực tiếp họp với chi bộ công nhân Nhà máy sợi để nắm tình hình cơ sở. Sau một tuần khảo sát, đồng chí đã phát hiện những thiếu sót, góp ý với Tỉnh uỷ để kịp thời uốn nắn phong trào.

    Trên cơ sở thắng lợi ban đầu, Đảng bộ chỉ đạo kêu gọi công nhân tiếp tục đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, đuổi việc; nông dân đòi giảm sưu, hoãn thuế, bãi bỏ hội đồng cải lương và sổ chi thu. Phong trào có tiến triển rõ rệt và lan toả theo diện rộng. Từ ngày 25-7 đến 25-9 liên tiếp nổ ra sáu cuộc bãi công, biểu tình của công nhân Xưởng dệt (Nhà máy sợi), Nhà máy tơ.

    Lúc này, phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh và phong trào đấu tranh của nông dân Tiền Hải (Thái Bình) đang bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội. Thực hiện chủ trương của Trung ương "ủng hộ Nghệ - Tĩnh đỏ" và chống khủng bố trắng, Đảng bộ lãnh đạo giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh và truy điệu 8 nông dân Tiền Hải bị địch bắn chết trong cuộc biểu tình ngày 14-10-1930. Tỉnh uỷ Nam Định quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào sáng sớm ngày 22-10-1930 tại sân bay thành phố, là lúc và nơi đa số công nhân ngoại thành đi làm sáng qua đó.

    Công tác chuẩn bị được tiến hành từ trước đó ít hôm. Hằng ngày truyền đơn được in, cờ, biểu ngữ may sẵn. Các đảng viên, cán bộ chủ chốt được phân công tuyên truyền, vận động quần chúng đi dự mít tinh. Từ ngày 19-10, truyền đơn, áp phích, cờ đỏ được rải trong các nhà máy, trường học, thôn xóm vạch trần tội ác của bọn đế quốc. Trong các ngày 20, 21 liên tiếp diễn ra các cuộc diễn thuyết trước cổng nhà máy, tại khu công nhân, những nơi tập trung đông người hô hào mọi người tham gia dự mít tinh. Sáng sớm ngày 22-10, cờ đỏ búa liềm được treo trên các cột điện, cây cối trên đường về sân bay. Các đảng viên được phân công hướng dẫn nhân dân tiến đến địa điểm đã định.

    Vì sự chuẩn bị khá rầm rộ, kẻ địch đã đánh hơi thấy và chính tên công sứ Sapula đích thân chỉ huy lực lượng ráo riết bủa vây chống phá cuộc biểu tình. Hàng trung đoàn lính lê dương, mật thám được tung ra chặn các ngả đường không cho quần chúng đến địa điểm tập trung nhưng nhiều người vẫn đến được sân bay. Mặc dù kế hoạch đã bị lộ, nhưng Tỉnh uỷ vẫn quyết tâm giao cho đồng chí Ngô Huy Ngụ tổ chức bằng được cuộc mít tinh.

    Khi cờ đỏ búa liềm được giương lên, đồng chí Trần Đình Quỳ bắt đầu diễn thuyết thì lính lê dương xông đến, lập tức công nhân hô vang các khẩu hiệu:

- Phản đối đế quôc Pháp đàn áp dã man nông dân Tiền Hải.
- Ủng hộ Xôviết Nghệ Tĩnh.

    Bọn lính ào vào, đồng chí Ngô Huy Ngụ vốn thạo tiếng Pháp ra sức thuyết phục binh lính, tạo điều kiện để đồng chí Trần Đình Quỳ tiếp tục nhiệm vụ. Tên công sứ Sapula tức tối xông đến tận nơi, chỉ huy lính xông vào đàn áp. Đồng chí Ngô Huy Ngụ, Trần Đình Quỳ được các đồng chí bảo vệ cuộc mít tinh dùng gậy cản lính lại để hai đồng chí và quần chúng chạy thoát nhưng cả hai đồng chí và một số anh em bị bắt. Phải vất vả lắm chúng mới giải tán được cuộc mít tinh.

    Cuộc mít tinh tuy không diễn ra trọn vẹn như kế hoạch đã định nhưng đã gây được ảnh hưởng lớn tới phong trào trong và ngoài tỉnh, tới phong trào đấu tranh của nông dân học sinh và binh lính. Bằng xương máu của mình, giai cấp công nhân đã biểu thị tình đoàn kết chăt chẽ với giai cấp nông dân, quyết tâm kề vai sát cánh tranh đấu cho mục đích chung.

    Phối hợp với phong trào công nhân, nông dân các địa phương cũng tích cực đấu tranh. Ở Ý Yên, các chi bộ Đảng phát động quần chúng đứng lên đòi những quyền lợi thiết thực. Phụ nữ thôn Xuất Cốc không đi cấy thuê cho địa chủ để phản đối địa chủ hạ công làm cỏ chiêm, đòi giữ nguyên công cấy như cũ. Đến vụ thuế, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nông dân ký đơn kiện lý trưởng lạm bổ một khoản phụ thu ngoài thuế. Tri huyện Ý Yên buộc phải lệnh cho lý trưởng hạ mức thu lệ phí còn mỗi suất một hào.

    Phong trào cả nước đã dâng thành cao trào, đòi hỏi Đảng phải có một Cương lĩnh tương đối hoàn chỉnh, một Ban Chấp hành Trung ương chính thức để lãnh đạo phong trào quần chúng đi theo đúng đường lối của Đảng. Tháng 10-1930, Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ nhất ở Hương Cảng (Trung Quốc) nhằm kiểm điểm đánh giá tình hình từ khi Đảng ra đòi, lãnh đạo nhân dân đấu tranh; thông qua Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo, quyết định đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Luận cương Chính trị đã được quán triệt tới các cơ sở Đảng, có ảnh hưởng mạnh mẽ, soi đường cho phong trào cách mạng địa phương.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com