[links()]
(Tiếp theo)
Đến tháng 3-1931, số đảng viên toàn tỉnh lên tới 150 người thuộc 16 nhà máy, trường học, đường phố; 30 thôn xã của 6 huyện (Ý Yên, Phong Doanh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Mỹ Lộc) đã có cơ sở Đảng. Bên cạnh việc ra sức xây dựng cơ sở Đảng, Đảng bộ vẫn hết sức quan tâm xây dựng các tổ chức quần chúng của công nhân, nông dân và thanh niên học sinh, lấy đó làm nơi rèn luyện, tập hợp rộng rãi quần chúng. Đến tháng 4-1931, Nam Định có 293 đoàn viên Công hội, 100 hội viên Nông hội. Đó cũng chính là cái cầu liên hệ giữa quần chúng ngoài tổ chức, đồng thời là nơi lựa chọn để kết nạp đảng viên mới.
Công hội được phát triển ở hầu hết các xí nghiệp, số lượng hội viên đã có tới hàng trăm người. Có nhà máy hầu hết công nhân đều tham gia Công hội như Nhà máy sợi có 100% hội viên, Nhà máy đèn có 45/52 thợ tham gia. Tổ chức Công hội thực sự trở thành nòng cốt cho các cuộc đấu tranh của công nhân chống chế độ tư bản thực dân.
Nông hội đỏ phát triển rộng khắp vùng nông thôn. Riêng huyện Ý Yên, đến tháng 3-1931 đã có 87 hội viên. Các huyện Phong Doanh 13 hội viên, Nghĩa Hưng 9 hội viên, Xuân Trường 40 hội viên, Mỹ Lộc 65 hội viên. Tuyệt đại bộ phận hội viên là bần, cố nông. Nông hội đỏ hoạt động mạnh hơn cả là ở An Cừ, Lỗ Xá (Ý Yên), Lạc Nghiệp (Xuân Trường).
Ngoài Công hội, Nông hội, tổ chức Học sinh đoàn, Thanh niên Cộng sản đoàn cũng được thành lập trong các trường Thành Chung, Cửa Bắc, Tương Lai. Cứu tế đỏ và Hội Phụ nữ cũng hình thành ở nhiều nơi. Ở nông thôn, Đảng bộ còn có sáng kiến lập tổ chức quần chúng biến tướng như Hội hiếu ở Giáp Nhất (Phong Doanh), Hội cấp ở An Hoà, Hội đọc sách báo ở An Cừ, Xuất Cốc, Hội chơi đèn ở Tiêu Bảng (Ý Yên), Hội góp ống ở Hội Khê Ngoại, Quất Lâm Hạ (Xuân Trường). Sáng kiến này tạo khả năng tập hợp đoàn kết quần chúng.
Công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng trong thời kỳ đầu tuy còn nhiều hạn chế nhưng Đảng bộ đã thông qua việc học tập, nghiên cứu, trao đổi các tài liệu chính trị của Đảng như các văn kiện thành lập Đảng, Luận cương chính trị, báo chí cách mạng của Đảng từ nước ngoài gửi về và sách báo cách mạng trong nước-khi đó có các báo Dân cày, Tiền phong của địa phương, thơ ca yêu nước cách mạng,... để nâng cao nhận thức cho đảng viên về chủ nghĩa cộng sản, tinh thần quốc tế vô sản và đường lối cách mạng của Đảng, góp phần quan trọng thống nhất tư tưởng, hành động trong Đảng bộ nhằm giúp Đảng bộ lãnh đạo đấu tranh giành thắng lợi trong cao trào cách mạng 1930-1931.
Từ thực tế cuộc sống mất nước, lại được Đảng tuyên truyền, giáo dục tinh thần dân tộc trong các tầng lớp nhân dân được khơi dậy, lực lượng quần chúng được tổ chức đông đảo tạo thành sức mạnh to lớn xung quanh Đảng. Cho nên dù trong hoàn cảnh địch thường xuyên vây ráp, bắt bớ, dù phải hy sinh tính mạng, quần chúng vẫn một lòng, một dạ bảo vệ Đảng, nuôi giấu cán bộ, nhờ vậy mà Đảng bộ đã tồn tại, phát triển và hoạt động ngay trước nanh vuốt kẻ thù.
Trong những năm 1930-1931, thực dân Pháp ra sức tìm cách triệt phá phong trào cách mạng. Chúng dùng chính sách hai mặt: vừa ra sức xoa dịu, mua chuộc, vừa đẩy mạnh lùng sục bắt bớ, đàn áp dã man. Chúng xuyên tạc đường lối cách mạng của Đảng, gieo rắc sự nghi ngờ trong Đảng và quần chúng nhân dân, lừa bịp công nhân thành lập cái gọi là Hội đồng hoà giải giữa chủ với thợ, đưa tay chân vào các tổ chức cách mạng để phá hoại nội bộ, moi tin tức, cấu kết với bọn cường hào địa chủ và những tên phản động đội lốt tôn giáo như trường hợp Vũ Đình Nhã khoác áo linh mục ở Phú An (Trực Ninh) để dò xét và chống phá cách mạng.
Các thủ đoạn trên mới chỉ là khúc dạo đầu trong chính sách khủng bố, đàn áp của chúng. Từ đầu năm 1931, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành khủng bố trắng hết sức tàn bạo.
Tháng 3-1931, trong một báo cáo, Đảng đã chỉ rõ: "ở nông thôn, đế quốc khủng bố tất cả các địa phương, tất cả những người tình nghi đều bị bắt. Điếm canh mọc khắp nơi, khách qua đường đều bị xét hỏi bất cứ lúc nào. Ở thành phố, địch lùng sục, bắt bớ liên tục, nhất là những khu lao động. Đình chùa bị lính khố xanh chiếm đóng. Các viên hộ phố phải có trách nhiệm luôn khám xét những người ở thuê.
Tại địa phương, giữa năm 1931 có gần 200 quần chúng ở nông thôn bị mật thám gọi tra hỏi, lập căn cước theo dõi để đe doạ. Trường Tương Lai ở thành phố bị đóng cửa vì có hiệu trưởng và nhiều học sinh hoạt động cách mạng. Trong hai năm 1930-1931, địch đã bắt gần 200 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng, trong đó có nhiều đồng chí là tỉnh uỷ viên, cán bộ cốt cán trong tỉnh và hầu hết đảng viên ở thành phố để đưa ra toà Nam án xử thật nặng bằng hình luật Gia Long.
Trước tình hình đó, Đảng bộ đã có nhiều biện pháp bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng như giáo dục tinh thần cảnh giác, nêu cao khí tiết người cộng sản cho đảng viên; quy định những thủ tục về mặt tổ chức để bảo vệ Đảng, tổ chức đội tự vệ bảo vệ hoạt động của cách mạng, đánh tháo cho người bị bắt... Do đó, đối với hàng chục vụ bắt có tang chứng, địch vẫn không khai thác được bí mật của Đảng. Nhiều cán bộ đã nêu gương kiên trung bất khuất trước sự tra tấn dã man và âm mưu xảo quyệt của kẻ thù.
Cũng như Tống Văn Trân, đồng chí Trần Văn Sửu - Bí thư Tỉnh uỷ đã trả lời thẳng bọn mật thám: "Nếu các ông không làm quan thì óc cũng đổi làm cộng sản. Tôi là con nhà cách mạng, đã hy sinh tính mạng thì không sợ chết". Đồng chí Trần Đình Quỳ bị đánh đến phát điên nhưng mỗi khi bệnh nặng đồng chí lại hát Quốc tế ca và hô khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc". Đồng chí Ngô Huy Ngụ cũng luôn luôn hát những bài ca cách mạng, bị chúng lấy búa đánh gẫy răng.
Trong tù, đồng chí đã tổ chức chi bộ nhà tù, ra báo Người tù động viên đảng viên, tập hợp quần chúng giữ vững tinh thần lạc quan chiến đấu. Đồng chí Trần Đình Quỳ và Ngô Huy Ngụ đã anh dũng hy sinh trong lao tù đế quốc. Đồng chí Trần Như Cảnh bị địch đánh gần chết vẫn không hề nao núng. Liệu sức mình không sống nổi, đồng chí đã lừa tên thanh tra mật thám Đờloóc vào buồng điện để lấy tài liệu cộng sản. Khi hắn mắc mưu đồng chí đã ôm choàng nắm lấy tay dí vào dây điện định giết chết luôn cả tên mật thám gian ác; nhưng vì nắm tay vào dây nguội nên Đờloóc thoát chết- còn đồng chí do bị đánh đập dã man nên đã hy sinh trong nhà tù. Đồng chí Vũ Huy Hào - cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh từ năm 1927 bị địch bắt đi bắt lại đến sáu lần; đồng chí Trần Văn Mặc bị bắt ba lần, bị tra tấn dã man nhưng các đồng chí vẫn kiên quyết không khai báo, bảo vệ cơ sở bí mật của Đảng, giữ vững phong trào.
Sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ cộng sản là tấm gương sáng, đã gieo mầm cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng bộ và nhân dân Nam Định.
(Còn nữa)