Phát động cao trào cách mạng (1930-1931)

06:09, 23/09/2014

[links()]

 (Tiếp theo)

    Sau Hội nghị thôn bộ, bên cạnh tờ Tiền phong, Đảng bộ Nam Định còn xuất bản báo Nông dân (sau đổi tên là Hưởng ứng) cho địa bàn nông thôn nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về đường lối cách mạng cho đảng viên và quần chúng nông dân. Nhờ công tác tuyên truyền không mệt mỏi của Đảng bộ, phong trào đấu tranh của nông dân phát triển không ngừng. Mùa hè năm 1931, nông dân Lạc Nghiệp (Xuân Trường) đấu tranh đòi lập chợ. Tháng 6-1931, nông dân ở Xuất Cốc (Ý Yên) đấu tranh đòi địa chủ không được hạ giá công gặt. Ở Quất Lâm (Giao Thuỷ), nông dân kéo đến gặt lúa ở một số ruộng địa chủ cường hào chiếm đoạt. Tháng 7­-1931, nông dân nhiều nơi nổi lên đấu tranh chống thuế.

    Mục tiêu đấu tranh của nông dân lúc đầu là chống địa chủ, cường hào, đòi quyền lợi kinh tế, dần tiến tới chĩa mũi nhọn vào chính quyền thống trị, chống lại chính sách bóc lột dã man của chúng. Hình thức đấu tranh cũng với mức độ cao, từ kiện cáo hợp pháp, bỏ việc làm cho địa chủ tiến lên biểu tình có vũ trang tự vệ. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh khất sưu, thuế vào giữa năm 1931 của 10 cơ sở đảng thuộc 4 phủ, huyện (Ý Yên, Phong Doanh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường).

    Ở An Cừ (Ý Yên), chi bộ Đảng đã vận động được khoảng 50 đến 60 người ký đơn, cử đại biểu đưa đơn ra tận Toà sứ Nam Định. Toà sứ đã phải sức giấy về cho tri huyện bắt phải chấp nhận yêu cầu của quần chúng. Tại thôn Giáp Nhất (Phong Doanh), các đảng viên đã huy động đông đảo quần chúng biểu tình lên huyện lỵ. Tri huyện sở tại phải về tận nơi giải quyết, ở miền bắc Nghĩa Hưng, cuộc đấu tranh còn phối hợp giữa nhiều thôn như Phúc Chỉ, Thức Vụ, Đống Cao tập hợp hàng trăm quần chúng biểu tình lên phủ lỵ làm áp lực đòi tri phủ phải giải quyết yêu sách.

Nhà số 191 phố Hàng Cấp (nay là Hàn Thuyên, TP Nam Định). Địa điểm giao nhận cuốn
Nhà số 191 phố Hàng Cấp (nay là Hàn Thuyên, TP Nam Định). Địa điểm giao nhận cuốn "Đường cách mệnh". Năm 1976 đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Nguyễn Văn Hoan thăm lại di tích này.

    Quyết liệt hơn cả là cuộc biểu tình phối hợp của ba thôn Lạc Nghiệp, Hội Khê Ngoại và Quất Lâm Hạ (Xuân Trường) vào ngày 26-7-1931 với hàng trăm người tham gia. Nhân dân đã dùng đòn gánh, gậy gộc làm vũ khí tự vệ định kéo lên Toà sứ đấu tranh. Do thiếu cảnh giác nên kế hoạch bị lộ. Cả ba đoàn đều không lên được đến Toà sứ. Có đoàn đang đi bị địch chặn lại, bắt tống lên xe đưa trở lại địa phương. Tuy vậy, cuộc đấu tranh đó đã buộc địch phải thoả mãn một phần yêu sách của quần chúng như ở Lạc Nghiệp, Quất Lâm Hạ chúng không thu được sưu, phải giảm các khoản phụ thu và phai thả tât ca những người bị bắt. Địch ra sức bưng bít nhưng tin tức và ảnh hưởng chính trị của cuộc biểu tình loang nhanh khắp nơi. Các báo chí công khai đương thời đều đưa tin.

    Phong trào sôi nổi của công nhân và nông dân đã thúc đẩy phong trào thanh niên, học sinh, ở Trường Thành Chung (thành phố Nam Định), học sinh đã đấu tranh phản đối một số giáo sư người Pháp có hành động thô bỉ, xúc phạm đến nhân phẩm và lòng tự trọng dân tộc của học sinh Việt Nam. Một số học sinh giác ngộ đã tích cực tham gia nhiều hoạt động cách mạng như rải truyền đơn, diễn thuyết, phát hành báo chí cách mạng, góp phần làm sôi động thêm phong trào đấu tranh cách mạng.

    Trong quá trình tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai, các cán bộ, đảng viên được thử thách, rèn luyện, các tổ chức Đảng không ngừng phát triển, lớn mạnh. Số đảng viên được kết nạp ngày càng nhiều. Theo báo cáo của Đảng lúc này, tình hình phát triển đảng viên và quần chúng cách mạng ở Nam Định từ tháng 10 đến tháng 12-1930 như sau:

* Ở thành phố

Tháng 10

Tháng 12

Chi bộ

Đảng

viên

Hội viên Công hội

Đảng viên

Hội viên Công hội

Máy dệt

8

52

6

30

Máy chiếu

3

0

4

5

Máy sợi

1

(Tài liệu in không rõ)

14

180

Áo xanh

10

26

2

15

Máy điện

7

8

9

8

Máy rượu

7

45

7

38

Máy tơ

5

25

2

0

Máy chiếu

0

0

2

0

Thất nghiệp

0

0

11

 

Học sinh

15

0

15 (TNĐ)

 

Đường phố

10

 

8

 

Bồi

0

0

4

12

Linh tình

0

0

15

0

Phụ nữ

6

 

 

 

Tổng cộng

72

156

84
(không kể TNĐ)

288

 

* Ở nông thôn

Huyện Ý Yên có 36 đảng viên, 73 hội viên Nông hội
Huyện Phong Doanh có 4 đảng viên, 4 hội viên Nông hội
Huyện Vụ Bản có 12 đảng viên, 31 hội viên Nông hội
Huyện Mỹ Lộc có 10 đảng viên, 41 hội viên Nông hội.
Các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Trực Ninh, Nam Trực lúc này cũng đều đã có chi bộ Đảng.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com