[links()]
(Tiếp theo)
Theo chủ trương chung, việc tuyển lựa vào Đảng tiến hành rất chặt chẽ, nhằm vào những hội viên tiên tiến của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tán thành chủ nghĩa cộng sản, tán thành Chính cương của Đông Dương Cộng sản Đảng và đang tích cực hoạt động. Những người thuộc thành phần công nhân hoặc đã đi vô sản hoá thì được công nhận là đảng viên chính thức ngay. Nếu hội viên thuộc thành phần khác và chưa vô sản hoá thì phải qua sáu tháng dự bị. Hình thức đó gọi là chuyển đảng. Đây là một quá trình sàng lọc về tổ chức, đồng thời cũng là một quá trình đấu tranh tư tưởng, giác ngộ giai cấp cho đảng viên. Các chi hội thanh niên đều tổ chức khai hội, công bố chủ trương thành lập Đảng, giới thiệu Tuyên ngôn, Chính cương của Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng thời vạch rõ những hạn chế trong đường lối của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là không có khả năng lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giành chính quyền, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời đảm đương sứ mệnh lịch sử cao cả đó, có chức năng gắn liền phong trào cách mạng trong nước với phong trào cách mạng quốc tế.
Cờ Đảng được treo ở Nhà máy sợi Nam Định, trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 7-11-1930. |
Đợt đầu tiên, Nam Định có gần 150 hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được chuyển đảng, trong đó thành phần đảng viên tiểu tư sản là 18%; nông dân là 35%; công nhân là 40%; các thành phần khác là 7%. Chỉ có vài ba chục hội viên, thành phần thuộc tầng lớp bóc lột hoặc trí thức tiểu tư sản, viên chức chưa thực sự rèn luyện, hoặc không tán thành cộng sản đã tự rút lui hoặc bị loại bỏ.
Việc thành lập Ban Tỉnh uỷ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước chuyển biến về chất của phong trào cách mạng địa phương. Từ đây, phong trào cách mạng địa phương đã có Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo và phát triển với quy mô ngày càng lớn. Tuy vậy, Đông Dương Cộng sản Đảng cũng chưa có Cương lĩnh hoàn chỉnh, chưa chỉ đạo việc chuyển đảng một cách chặt chẽ, làm cho nhiều đảng viên chưa được giáo dục, rèn luyện kỹ về lập trường quan điểm. Tình hình đó đã ảnh hưởng tới tinh thần đấu tranh của Đảng bộ sau này.
Sự kiện có ý nghĩa là cùng ngày thành lập tổ chức đảng đã nổ ra cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy đèn do chính Chi bộ Nhà máy đèn trực tiếp lãnh đạo.
Sáng ngày 19-6-1929, tại Nhà máy đèn, tên đốc công Giôly (Joly) đánh một công nhân, Chi bộ Đảng lập tức vận động toàn thể công nhân nhà máy gồm hơn 100 công nhân đã nhất loạt nghỉ việc, đưa các yêu sách đòi giới chủ phải thoả mãn:
- Không được đánh thợ.
- Phải tăng lương.
- Không được bắt người đình công.
Cuộc đấu tranh nổ ra đúng nơi "con tim" của nền công nghiệp tư bản địa phương, nơi cung cấp điện cho hầu hết các xí nghiệp và hệ thống đèn chiếu sáng trong thành phố. Bọn tư bản hoảng hốt, phải chấp nhận ngay mọi yêu sách của công nhân.
Cuộc đấu tranh đầu tiên do Đảng lãnh đạo thắng lợi có tác dụng cổ vũ lớn lao với phong trào chung. Tờ truyền đơn đề ngày 8-7-1929, do Tổng Công hội Bắc Kỳ phát hành cả nước có đoạn viết: "Công nhân Hà Nội (Gara Avia), Nam Định (Nhà máy đèn) và Hải Phòng (xưởng dệt) đều bãi công thắng lợi. Anh chị em thấy rằng, hễ chúng ta đoàn kết nhau lại chặt chẽ thì chúng ta thu được nhiều thắng lợi quyết định. Vì vậy mà nói rằng, chỉ có họp nhau thì vô sản mới cải thiện được đời sống của mình".
Sau đó, ở Nhà máy sợi Nam Định, công nhân liên tiếp bãi công. Ngày 4-7-1929 thợ nề bãi công. Từ ngày 7 đến ngày 18- 7-1929 toàn thể thợ xưởng nhuộm bãi công.
Từ ngày 20 đến ngày 21-7-1929, nữ công nhân Máy Lờ bãi công.
Cũng trong năm 1929, nhiều hình thức đấu tranh liên tiếp nổ ra ở các địa phương. Nhân ngày chống đế quốc chiến tranh 1-8, hầu hết những nơi có cơ sở Đảng ở thành phố Nam Định, các huyện Ý Yên, Xuân Trường, Trực Ninh đều treo cờ búa liềm, rải truyền đơn...
(Còn nữa)