Chuyện về những cây cầu lịch sử

07:08, 28/08/2014

Đến xã Hải Phong (Hải Hậu), nhiều người thường không quên ghé thăm cầu Uất Hận - một địa danh đặc biệt gợi nhiều xúc cảm. Cầu Uất Hận vốn có tên là cầu Tre (cầu Cau) bắc ngang dòng sông Cau thuộc làng An Phú. Trong trí nhớ của các bậc cao niên, các vị lão thành cách mạng, vào thời kỳ “hai năm bốn tháng” (từ tháng 10-1949 đến tháng 2-1952), thực dân Pháp chiếm huyện Hải Hậu, xây đồn lập bốt, đàn áp tàn khốc quân dân ta. Đồn bốt tề, ngụy mọc lên như nấm. Nhà thờ cũng bị biến thành đồn giặc. Giặc Pháp và tay sai đã bắt bớ, giam cầm, tra tấn dã man và bí mật thủ tiêu nhiều đảng viên, cán bộ cách mạng và người dân yêu nước. Riêng tại cầu Cau, xã Hải Phong, gần 400 người bị tra tấn đến chết hoặc bị chặt đầu, mổ bụng, buộc đá dìm xuống dòng sông Cau. Từ đó, cây cầu tre làng An Phú được người dân gọi là cầu Uất Hận. Trước nỗi mất mát, đau thương này, năm 1951, cụ Trần Quang Phức (tức Trần Ngọc Hoàn), một người dân trong xã đã soạn thảo bài “Văn tế liệt sĩ cầu Uất Hận” thể hiện nỗi uất hận dồn nén trước tội ác của kẻ thù và nhân lên ý chí cách mạng trong mỗi người dân địa phương. Từ năm 1960, nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phong đã được xây dựng ngay bên mố cây cầu Uất Hận. Liền đó còn có bia căm thù ghi dấu tội ác của kẻ thù, tạo thành một quần thể mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc cho các thế hệ sau này. Đúng như tên gọi, cầu Uất Hận đã khơi dậy lòng căm thù giặc, hun đúc trong mỗi người dân nơi đây lòng yêu nước, từ đó biến thành hành động kiên cường, quả cảm để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các địa danh như An Phú, cầu Đen, Tứ Tùng, Văn Đàn… từng ghi đậm bao chiến công lừng lẫy của nhân dân, du kích cùng bộ đội địa phương chống lại các cuộc càn quét, chiếm đóng của địch. Những bãi mìn do dân quân, du kích xã gài đặt nơi đầu dong, ngõ xóm và chợ An Phong từng làm “bạt vía, kinh hồn” nhiều toán giặc càn quét vào làng. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân trong xã đã vượt qua thời kỳ “hai năm bốn tháng” đen tối, đau thương, vừa ngoan cường bám đất, chiến đấu giữ làng, vừa đẩy mạnh sản xuất, làm tròn nghĩa vụ với kháng chiến. Xã Hải Phong đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp” năm 2005.

Cầu Vô Tình thuộc Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) từng gắn liền với chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần mùa xuân năm Ất Dậu (1285). Người đời sau từng có bài thơ “Vô Tình hoài cổ” ghi lại sự kiện này như sau: “Đất rộng trời cao bốn mặt bằng/ Vô Tình qua đó sóng còn vang/ Nơi quân Trần hát, quân Nguyên khóc/ Mấy độ xuân qua giáo cắp ngang”. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra quanh khu vực cầu Vô Tình. Ngày 25-1-1952, Tiểu đoàn Thanh Lãng phối hợp với du kích đã phục kích ở cầu Vô Tình, đón đánh đoàn xe chở địch. Vào khoảng 4 giờ sáng, một xe bọc thép dẫn đầu 17 xe vận tải từ Cổ Lễ đi xuống. Xe đi đầu đến cách cầu Vô Tình khoảng 100m thì mũi tiến công của quân ta nổ súng ở cầu Đông Thượng (thôn Thượng). Chiếc xe đầu vừa dừng lại, mũi chặn đầu của quân ta ở trại Vô Tình bắn ra, đội hình xe địch ùn lại. Quân ta phục ở hai bên đường xông lên, quân địch chống đỡ không nổi bỏ chạy tán loạn qua phía tây đường 21, vào Đông Trung (thôn Trung) lẩn trốn. Nhân dân và du kích bắt chúng trói lại mỗi nơi hàng chục tên giải đi. Kết quả trận phục kích ở cầu Vô Tình, ta tiêu diệt một tiểu đoàn địch, bắt sống 40 lính Âu Phi (trong đó có tên quan hai Béc Công), 90 ngụy binh, đốt cháy 18 xe vận tải các loại. Đêm 27-11-1952, Tiểu đoàn Đống Đa thuộc Đại đoàn Đồng Bằng tấn công đồn địch ở gần cầu Vô Tình. Chỉ chưa đầy 15 phút, ta đã hoàn toàn chiếm lĩnh trận địa, toàn bộ quân địch trong đồn đã phải đầu hàng. Trước việc kết thúc quá nhanh của trận đánh, ban chỉ huy Tiểu đoàn Đống Đa đã nảy ra ý định táo bạo lừa địch. Theo kế hoạch, tin đồn Vô Tình vẫn đứng vững lan đi, từ xa người ta vẫn trông thấy hai lá cờ “tam tài” và “ba que” rách tả tơi bay trước gió. Trong đồn, các chiến sĩ đã khoác những bộ quần áo, đội mũ ngụy binh, chuẩn bị đánh quân tiếp viện. Từ phía Nam Định, một chiếc máy bay bà già bay xuống lượn quanh đồn Vô Tình, chỉ điểm pháo địch từ Lạc Quần, Cổ Lễ bắn vào các làng mạc xung quanh. Tiếp đó, 4 máy bay Hen Cát lao đến, nối đuôi nhau bay một vòng trên nền trời. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đống Đa dùng tên lính vô tuyến điện của địch bị bắt, liên lạc qua điện đài xin tiếp viện. Gần 4 giờ chiều, trên trời xuất hiện một đoàn máy bay địch bay về đồn Vô Tình, thả xuống bảy chục dù đủ cả súng đạn, điện đài, thuốc men, lương thực… Khi quân trong đồn thu nhận những đồ tiếp tế của địch, một đại đội Com-măng-đô nghênh ngang đi lọt vào trận địa ta, không kịp trở tay, đành nộp súng và bị bắt gọn. Trong đền thôn Hạ thuộc xã Trung Đông ngày nay vẫn còn đôi câu đối ca ngợi tài chọn nơi đồn binh, tạo nên chiến thắng Vô Tình, tạm dịch nghĩa như sau: “Có ý đóng đồn binh rõ ràng trí thánh/ Vô Tình đánh thắng giặc rực rỡ oai thần”. Và sau này, người đời còn có thơ về địa danh này: “Vô Tình hai chữ Vô Tình/ Vô tình với giặc, hữu tình với ta”.

Ngoài cầu Uất Hận, cầu Vô Tình, còn biết bao cây cầu khác gắn liền với những trận đánh, những chiến công vang dội của quân và dân ta những năm chống Pháp, chống Mỹ cứu nước như: cầu Chuối, cầu Giành, cầu Mái, cầu Họ, cầu Thức Khóa, cầu Đen, cầu Đôi… Đặc biệt, trong những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, với vai trò phục vụ việc đi lại hằng ngày của nhân dân, phục vụ các đơn vị bộ đội hành quân chiến đấu, vận chuyển phương tiện vũ khí ra chiến trường, các mục tiêu giao thông vận tải, nhất là những cây cầu đã trở thành những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Thực hiện các khẩu hiệu “Dù mạch máu của ta có bị ngừng, quyết không để mạch máu của Tổ quốc bị đứt”, “Gãy cầu như gãy xương, đứt đường như đứt ruột”… quân dân ta đã ngày đêm đội mưa bom bão đạn, bám cầu, bám đường, giặc phá đến đâu ta sửa chữa đến đó, đảm bảo giao thông thông suốt. Và những cây cầu đã trở thành chứng nhân lịch sử, chứng kiến biết bao tấm gương anh dũng hy sinh trong lúc bảo vệ, sửa chữa cầu, phà, chiến đấu, đánh trả máy bay địch, góp phần vào sự nghiệp giải phóng non sông, thống nhất đất nước.

Đi trên những cây cầu lịch sử, cảm nhận rõ nét sự đổi thay to lớn của cuộc sống hôm nay, ta càng thêm trân trọng, biết ơn những cống hiến, hy sinh của ông cha thuở trước. Những cây cầu gắn với trang sử hào hùng của chiến công và cả những bi thương, mất mát của dân tộc sẽ mãi là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước cách mạng của quê hương, đất nước./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com