Khu di tích Lịch sử Văn hóa Hoành Nha

06:02, 03/02/2014

Khu di tích Hoành Nha, gồm đền thôn Trung, đền - chùa thôn Thượng, đền - chùa thôn Chính, thuộc xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, cách dốc Hoành Nha chừng 3km.

Cả 5 ngôi đền, chùa đều thờ chung một vị thành hoàng và những vị tổ sáng lập ra đất Hoành Nha.

Năm 1428, sau khi chiến thắng quân Minh, triều đình nhà Lê khuyến khích khai hoang lấn biển. Nằm giữa một vùng đã có xóm làng hình thành, Hoành Nha lúc ấy còn là đất sình lầy hoang hóa. Vào thời vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Diên Ninh thứ 3 (1456) có dòng họ Nguyễn từ làng Hòe Nha ở phía bắc thành phố Nam Định xuống đây quai đê lấn biển, lập nên làng xã mới cũng lấy tên là Hòe Nha (thuộc huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam) để kỷ niệm tên làng cũ. Về sau các dòng họ Hoàng, Lê, Vũ, Phạm, Từ, Trịnh... ở Hòa Bình, Hà Nam tiếp tục xuống khẩn hoang.

Toàn cảnh chùa Chính
Toàn cảnh chùa Chính

Sau khi ấp Hòe Nha được thành lập, vào khoảng nửa sau thế kỷ XV nhân dân địa phương đã dựng chùa thờ Phật, dựng đền thờ thành hoàng có vị hiệu là: "Đà Giang tôn thần" (Vị thần ở vùng cửa Ngòi trên thượng lưu sông Đà) đã giúp các ông tổ đất Hòe Nha vượt qua thác nghềnh hiểm trở trong khi lên vùng thượng lưu sông Đà làm ăn. Ngoài ra để nhớ ơn các ông tổ sáng lập ra đất Hòe Nha, dân làng đặt bài vị thờ họ tại đền. Trong bài văn tế có đoạn viết:

"Khi xưa là cánh đồng đất mặn bỏ hoang
 Đến nay trở nên phì nhiêu
Thật là nhờ được ơn ấy không dám quên đi
Vậy nên mưu việc lập nơi thờ tự và ruộng đền nhang... "

Đến năm 1787, địa phương bị một trận lụt lớn, nhân dân phải chuyển về ở phía cửa Hà Lạn, đổi tên làng Hòe Nha thành Hoành Nha. Trải qua thời gian, các đền - chùa ở Hoành Nha đã bị dịch chuyển và hư hại lớn, nhân dân địa phương tiếp tục tu sửa, nhiều nhất là vào thế kỷ XIX, nên toàn bộ công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn.

Khu di tích Hoành Nha gồm ba ngôi đền, hai ngôi chùa: đền thôn Trung, đền - chùa thôn Thượng ở trong khu dân cư đông đúc, đền - chùa thôn Chính xa làng hơn, tọa lạc trên cánh đồng lúa.

Đền Trung, đền Thượng, đền Chính mang cùng một phong cách kiến trúc. Đền xây kiểu chữ đinh. Tòa tiền tế có hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam, hệ thống vì kiểu giá chiêng trốn cột nhằm tăng thêm diện tích sử dụng trong nơi thờ tự. Tòa chính tẩm được xây theo kiểu gác lâu, chồng diêm cổ đẳng hai tầng tám mái.

Chùa Thượng (chùa An Hưng) có 5 gian xây dọc, bộ vì kiểu giá chiêng chồng rường được chạm khắc công phu.

Chùa Chính (chùa Hưng Long) xây kiểu chữ đinh, bái đường 5 gian, thượng điện 3 gian, các công trình khác như phủ, nhà tổ, tăng phòng... nằm bao bọc xung quanh đã góp phần làm hài hòa cho toàn bộ kiến trúc ở đây. Tất cả các đầu xà, đầu bẩy tại bộ vì mái chùa đều được chạm khắc các họa tiết lá lật, triện tàu lá dắt, trúc hóa, lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong rất tinh xảo.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khu di tích Hoành Nha vừa là nơi luyện tập quân sự của dân quân du kích vừa là cơ sở bí mật đưa đón cán bộ địa phương và Trung ương đi về hoạt động. Trong thời gian địch chiếm đóng, các đồng chí: Lê Đức Thọ, Đặng Xuân Thiều, Đinh Đức Thiện đã từng về đây hoạt động.

Hàng năm vào tháng 2 âm lịch dân làng Hoành Nha tổ chức lễ rước từ đền thôn Chính, đền thôn Trung về đền thôn Thượng để mở hội. Các lão ông, lão bà được mời dự yến lão để tỏ lòng kính trọng người già của con cháu.

Với những giá trị lịch sử - kiến trúc - văn hóa tiêu biểu, di tích Hoành Nha đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.

Theo: Di tích lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com