Đền Ninh Xá

09:01, 02/01/2014

Đền Ninh Xá (còn gọi là đền Voi Đá, Ngựa Đá) thuộc xã Yên Ninh huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Ngôi đền cách trung tâm thành phố Nam Định 19km về phía tây gần quốc lộ 10, thuận tiện cho di tích phát huy các giá trị.

Đền Ninh Xá là nơi thờ Lương Bình Vương, An Nhu Vương, theo truyền thuyết đây là những vị con vua Hùng về trấn trị vùng đất Đại An, giúp dân Ninh Xá khai khẩn, trồng lúa, trồng dâu chăn tằm dệt vải. Đặc biệt đền Ninh Xá còn thờ Lão La đại thần Ninh Hữu Hưng, là người có tài đục chạm đồ mộc. Ông từng được Đinh Tiên Hoàng giao chức: "Công tướng lục phủ Giám sát đại tướng quân" (Vị đại tướng trông coi nghề mộc của sáu phủ). Thời Tiền Lê ông chịu trách nhiệm xây dựng các cung điện tại kinh đô như Bách Thảo Thiên Tuế, Long Lộc, Trường Xuân.

Theo các nguồn tư liệu và truyền thuyết ở địa phương thì một lần ông đi phò giá vua Lê Hoàn cày tịch điền, lúc về qua sông sắt, vua cho đậu thuyền rồng lên thăm đền thờ Lương Bình Vương và An Nhu Vương. Thấy cảnh đền điêu tàn ông bèn xin vua ở lại sửa đền, sửa chùa Phúc Lê (chùa Ninh Xá). Ngoài ra thấy nơi đây đất đai trù phú, dân cư còn thưa thớt, ông đưa họ hàng từ Ninh Bình về đây khai khẩn mở mang trang ấp, dạy dân nghề mộc, chạm để kiếm sống. Sau này, những người dân về đây sống đều đổi sang họ Ninh nên vùng đất này có tên là Ninh Xá.

Đền Ninh Xá thuộc xã Yên Ninh huyện Ý Yên. Ảnh: Internet
Đền Ninh Xá thuộc xã Yên Ninh huyện Ý Yên. Ảnh: Internet

Ngày mùng 4 tháng 6 năm Kỷ Mùi (1019), ông qua đời tại Ninh Xá hưởng thọ 81 tuổi. Con cháu và người làng đưa thi hài ông về quê an táng tại chân núi Xương Bồ (Ninh Bình), đồng thời tôn làm vị tổ dạy nghề, thờ tự tại đền Ninh Xá.

Trải qua thời gian thợ Ninh Xá đã đúc kết kinh nghiệm thành nguyên tắc để tạc tượng cùng các loại đồ thờ và vật trang trí bằng gỗ như: ngai, ỷ, kiệu, hương án, bát biểu, cửa võng, cuốn thư, hoành phi, câu đối, sập tủ... Tại các công trình kiến trúc cổ, qua bàn tay tài hoa của người thợ mộc làng nghề huyện Phong Doanh xưa đã để lại các tác phẩm chạm khắc công phu với nhiều đề tài sinh động như rồng vờn, rồng chầu mặt nguyệt, long sào (tổ rồng), mẫu long giáo tử (rồng mẹ dạy rồng con), bát tiên quá hải, tiên cưỡi rồng...

Hiện nay nghề mộc ở Ninh Xá do tổ nghề Ninh Hữu Hưng truyền dạy rất phát đạt. Làng nghề có gần 600 hộ dân hầu hết làm nghề mộc cổ truyền. Hội thợ mộc xưa và nay có nhiều tay nghề giỏi, khéo léo kết hợp giữa truyền thống và năng lực sáng tạo để đục chạm, khảm trai tô điểm thêm những nét tinh xảo nên được nhiều khách trong nước, nước ngoài đến đặt hàng mua bán thường xuyên.

Để tỏ lòng biết ơn những người có công dựng làng giữ nước, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân là nhân dân Ninh Xá lại tổ chức mở lễ hội. Lễ hội đền Ninh Xá bao giờ cũng được chia làm hai kỳ là ngày mồng 6 tháng giêng và ngày mồng 4 đến ngày mồng 6 tháng 3 âm lịch.

Ngày 6 tháng giêng là ngày nhân dân địa phương kỷ niệm tổ nghề đặt chân tới mảnh đất này. Lễ hội tổ chức vào ngày này cũng là dịp để con cháu các họ gần xa và những hội thợ đi làm ăn xa về quê thăm viếng tổ tiên. Hội có tế lễ rước kiệu và đặc biệt có lệ "hiến xảo" (dâng đổ khéo). Lệ "hiến xảo" được thực hiện trong ngày lễ tổ. Các hội viên có sản phẩm đẹp có thể đem bày bên cạnh hương án hoặc ngoài sân. Sau khi lễ tổ, có người tiến luôn sản phẩm đó vào đền hoặc đem sản phẩm bày bán, trưng bày giới thiệu mặt hàng.

Sau kỳ lễ hội đầu tháng giêng vào các ngày 4, 5 và 6 tháng 3 âm lịch địa phương lại tổ chức kỳ lễ hội thứ 2 và đây được coi là kỳ lễ hội chính trong năm. Đặc biệt ngày 6 tháng 3 âm lịch hội làng Ninh Xá có lệ kéo lửa khai hội. Sau hồi trống trang trọng, tưng bừng một vị cao niên phát lệch cho trai làng, kéo lạt giang cọ vào thanh gỗ xoan ngâm, tạo nhiệt làm cháy bùi nhùi rơm khô. Cụ già lấy ngọn lửa thắp hương cho cả làng làm lễ dâng hương sau đó chuyển bát hương lên kiệu rước xuống chùa Phúc Lê (chùa Ninh Xá). Bằng nghi thức kéo lửa khai hội dân làng thành tâm tưởng nhớ đến sáng kiến tạo ra lửa của tổ nghề Ninh Hữu Hưng, thuở xa xưa giúp vua Đinh, vua Lê nuôi quân đánh giặc, dẹp loạn xây dựng quê hương.

Theo thư tịch ở địa phương thì đền Ninh Xá được xây dựng từ thế kỷ thứ X, ban đầu chỉ là một thảo am tại phía tây bờ sông Kim Ngân (tức sông Sắt ngày nay) đến năm Nhâm Thìn (1712) đền được chuyển về vị trí hiện nay. Năm 1849 khởi công xây dựng tòa tiền đường. Năm 1894 tu sửa hai tòa đệ nhị và tiền đường. Ngôi đền tuy đã được làm đi sửa tại nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét phong cách cổ truyền dân tộc.

Đền Ninh Xá hiện nay được xây dựng trên một khu đất cao ráo với diện tích 2.390m2 ở phía tây làng, mặt quay về hướng tây. Phía trước cửa đền có hồ bán nguyệt, hệ thống nghi môn, hòn non bộ được tạo dáng đẹp trang trí nhiều đề tài: nghê chầu, hổ phù, tứ linh, tứ quý cùng các câu đối nhấn nổi bằng chữ Hán. Tiếp giáp với nghi môn là một sân lát gạch phẳng phiu xung quanh có tường xây bao bọc kín đáo. Đền Ninh Xá gồm có ba tòa được thiết kế theo kiểu "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh". Tòa tiền đường gồm 3 gian 2 chái, dáng thấp mái cong, lợp ngói nam, đại bờ đắp lưỡng long chầu nguyệt. Các đao góc tạo dáng mây tản mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Bốn bộ vì của ba gian giữa được thiết kế theo kiểu thượng chồng rường hạ kẻ bẩy. Trên các câu đầu, xà thượng, xà hạ, bẩy kẻ đều được trang trí các đường chỉ nổi, ống tơ, lá lật mềm mại thanh thoát.

Liền sau tòa tiền đường là tòa trung đường 3 gian 2 chái và cung cấm 3 gian xây dọc. Tòa trung đường có kích thước và kiến trúc như tòa tiền đường. Giao mái bắt vần với tòa trung đường là ba gian cung cấm thiết kế theo kiểu chồng diêm bốn mái lợp ngói nam. Trong tòa chính tẩm các vì kèo thiết kế theo kiểu chồng rường. Phần chạm khắc tập trung chủ yếu ở các vì kèo, cửa ra vào toa chính tẩm và đặc biệt mảng chạm ở vì hậu đốc với các đề tài "long chầu", "mẫu long giáo tử " (rồng mẹ dạy rồng con), ly con nép dưới ly mẹ... Tất cả đều được ẩn hiện trong tầng tầng mây tản, cụm đao mác, lá hỏa với kỹ thuật chạm bong cầu kỳ, tỉ mỉ.

Bên cạnh đền là ngôi phủ thờ Đại Lan công chúa (tướng của Hai Bà Trưng). Phủ gồm có ba tòa: tiền đường, đệ nhị và chính cung được thiết kế theo kiểu "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh". Công trình này đã góp phần bổ sung hỗ trợ tạo cho di tích một quần thể hoàn chỉnh.

Cùng với giá trị về lịch sử và kiến trúc, đền phủ Ninh Xá còn lưu giữ được 28 đạo sắc phong và nhiều đồ thờ có giá trị như: cửa võng, nhang án, kiệu long đình, kiệu bát cống, ngai thờ, đại tự, câu đối... Đặc biệt sập thờ tổ nghề làm kiểu chân quỳ, dạ cá với vân tỏa lá hỏa vươn cao cùng các băng hoa chanh, sen dẹo. Mặt trước chạm lưỡng long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Đền Ninh Xá là nơi thờ những người có công lao với dân, với nước là di tích liên quan đến ông tổ nghề mộc truyền thống. Đền Ninh Xá đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đây là nguồn cổ vũ lớn lao để làng nghề Ninh Xá tiếp tục phấn đấu bảo tổn những di sản quý báu của ông cha để lại.

Theo: Di tích lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com