Đình Thượng Đồng

04:12, 17/12/2013

Đình Thượng Đồng nằm về phía tây nam huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Từ thành phố Nam Định theo đường 10 tới ga Cát Đằng, rẽ trái đi thêm cây số nữa là tới nơi.

Đình được xây dựng theo kiểu chữ nhị, bao gồm tiền tế năm gian và chính cung năm gian. Ngôi đình được xây dựng ở trung tâm của làng, trên một khu đất cao ráo và vuông vắn. Đằng trước đình là một hồ nước rộng. Sự thoáng đãng của mặt chính diện đã tạo cho ngôi đình một sự bề thế.

Nhà tiền tế đứng vững bởi một bộ khung làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Sáu bộ vì làm theo kiểu chồng giường giá chiêng, đứng trên một hệ thống bốn hàng cột bao gồm hai cột cái ở trong, hai cột quân ở ngoài. Các hàng cột chạy song song, toàn bộ được đặt trên một hệ thống chân tảng bằng đá. Trong hệ thống vì này, các đoạn kẻ đã được thay thế bằng các con rường. Những mảng chạm khắc ở nhà tiền tế chỉ là những mảng chấm phá, tạo nên một sự hoàn chỉnh của không gian bên trong. Những đường lượn, những cụm vân mây những hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, các đầu bẩy, đầu xà là để dung hoa sự đơn điệu của những đường thẳng được đạt ngang đặt dọc ở những xà và hoành.

Năm gian chính cung được xây dựng nối liền, giáp mái với năm gian tiền tế. Các bộ vì ở đây có kết cấu mang đặc trưng riêng. Đó là dạng vì kèo quá giang - kèo cầu nhưng được bổ sung thêm hai trụ nữa. Loại vì kèo này khỏe, đơn giản, tiết kiệm gỗ.

Tại gian giữa có bốn đầu dư chạm khắc công phu. Mỗi đầu dư chạm hình rồng đều mang một dáng vẻ khác nhau từ râu, tóc, mắt, mũi đến phong cách thể hiện. Tại đây ở một tấm mê còn cả một mảng chạm khắc thời Hậu Lê (TK XVII - XVIII) được sơn son thếp vàng có giá trị về mặt nghệ thuật. Toàn bộ mảng chạm khắc với vật trang trí tiêu biểu là con rồng được bố trí rất hài hòa, con to, con nhỏ đan xen nhau, thân rồng, đầu rồng được bố trí hợp lý và với phong cách chạm lộng tạo thành những mảng sáng tối làm nổi bật toàn bộ mặt chính diện khu chính cung.

Tại những góc đao của chính cung, phía dưới là đầu của một con rồng đang ngẩng cao, mỗi góc đao đã tạo thành một cụm mây. Chính vì tạo dáng như vậy nên đã làm cho toàn bộ công trình với kết cấu bằng gỗ, đá, đất nung vẫn không có cảm giác nặng nề.

Đình Thượng Đồng hiện nay mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn (Thế kỷ XIX). Tuy vậy dấu ấn của kiến trúc thời Hậu Lê thông qua những mảng chạm khắc và nhất là kiểu dáng vẫn còn giữ được những nét tiêu biểu của phong cách xây dựng từ thế kỷ XVIII trở về trước mà những lần sửa chữa sau này đã phỏng theo. Nhìn chung ngôi đình mang rõ bản sắc kiến trúc Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được truyền thống xây dựng của cha ông.

Đình thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Mười thế kỷ về trước vùng đất này thuộc phường Quán Đổ (nay là một số thôn thuộc xã Yên Tiến, Yên Khang). Sứ quân Phạm Bạch Hổ nguyên chiếm giữ vùng Đằng Châu (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay) sau nhiều lần bị thất bại nặng nề do các cuộc xung đột của các lực lượng cát cứ đã phải rút dần xuống phía nam và dừng chân tại đây đặt căn cứ mới. Đất này ra biển rất gần, không những thuận lợi về giao thông mà còn trù phú về kinh tế. Nhưng do thế lực suy yếu, kỷ luật lỏng lẻo binh lính luôn đi cướp bóc nên gây nhiều nỗi oán hờn trong dân chúng. Đến khi hai anh em ruột Đinh Đức Đạt và Đinh Đức Thông người phường Lư Châu (nay là thôn Cát Đằng cùng xã với thôn Thượng Đồng) dấy binh đi theo Đinh Bộ Lĩnh đã được nhân dân địa phương tham gia rất đông. Chính vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp tan cánh quân của Phạm Bạch Hổ cùng các sứ quân khác để hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Mười thế kỷ đã qua, lịch sử dân tộc đã mở ra nhiều trang mới nhưng mảnh đất này vẫn còn in đậm những chiến tích của người anh hùng dấy binh từ đất Hoa Lư. Khu vực đình Thượng Đồng ngày nay, xưa chính là nơi vua Đinh đã đóng quân. Địa phương còn nhiều địa danh liên quan đến một thời như cánh đồng Kiệu nơi đặt kiệu của nhà vua, cánh đồng Khăm nơi quân giặc mắc mưu bị tiêu diệt, khu mả Vạn nơi chôn cất nhiều quân giặc... Chính vì vậy sau khi đất nước bình yên để tưởng nhớ công lao to lớn của vua Đinh, nhân dân đã lập đình thờ để hương khói phụng sự.

Cách đây trên một trăm năm, sau hiệp ước Patơrốt (1884), Việt Nam đặt dưới ách thống trị của thực dân Pháp nhưng phong trào chống xâm lược vẫn dấy lên ở khắp mọi nơi, nhất là từ sau khi có chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi phát ra. Nhân dân làng Thượng Đổng dưới sự chỉ đạo của Phạm Trung Thứ đã chuẩn bị rất tích cực cho cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Đình làng trở thành điểm luyện tập võ nghệ, rèn gươm giáo và các điểm tích trữ lương thực. Các đội dân binh vũ khí chỉnh tề, luyện binh diễn võ được điều hành trong tiếng trống tiếng chiêng hùng tráng.

Sáng ngày 10 -12 -1889 một toán địch từ thành Ninh Bình kéo đến tấn công Thượng Đồng. Nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm. Tên thiếu úy Sô-đờ-rông bị chém chết ngay từ đầu trận đánh và tên thiếu úy Mô-ganh cũng bị nghĩa quân chém trọng thương, buộc địch phải rút chạy.

Đây là cuộc khởi nghĩa có tiếng vang lớn. Trong tập những điều ghi chép về sứ Bắc kỳ 1884-1892 của cố đạo Ruy-gi-ni-ê đã phải thừa nhận: "Phong Doanh, Ý Yên là hai huyện rối loạn nhất và làng Thượng Đồng đã trở thành trung tâm của cuộc phiến loạn ".

"Trung tâm của cuộc phiến loạn" này còn là quê hương của Lã Xuân Oai một nhà chí sĩ yêu nước chống Pháp rất kiên cường. Ông đã bị giặc bắt và đày đi Côn Đảo. Đây còn là quê hương của Tống Văn Trân. Đồng chí đã cống hiến trọn đời cho cách mạng.

Thân ta dù có thiệt thòi
Làm gương chiến đấu cho đời mai sau.

Bài ca "Ngục trung huyết lệ thư" do đồng chí tuyên truyền còn vang vọng trong tâm trí mỗi người dân ở đây cho đến tận hôm nay.

Đình Thượng Đồng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngày 13-8-1958. Vụ chiêm năm đó địa phương đã thu hoạch trội hơn vụ trước 59 tấn thóc. Đây lại là nơi thành lập hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh và là hợp tác xã thí điểm của miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Bác về thăm đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh họp tại đình và động viên phong trào địa phương. Mười hai năm sau vào trưa ngày mồng hai tết Canh Tuất đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn lại về thăm nơi đây. Trước cửa đình Thượng Đồng nơi Bác Hồ đứng nói chuyện, đồng chí Lê Duẩn đã trồng cây đa lưu niệm. Cây đa hôm nay đã to, tán xoè rộng, cành lá sum xuê xanh tốt, rủ bóng mát xuống sân đình càng tô thêm vẻ đẹp cho một di tích cổ kính, mang nhiều tính chất lịch sử và đậm đà màu sắc dân tộc.

Một đài tưởng niệm mới được dựng lên trước sân đình Thượng Đồng để kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm. Thượng Đồng là một vùng đất lịch sử. Nơi đây còn dày đặc dấu ấn huy hoàng của quá khứ mà điểm nổi bật là ngôi đình cổ kính được xây dựng tại trung tâm của làng. Truyền thống tốt đẹp đấy của quê hương đã và đang được nhân dân địa phương trân trọng giữ gìn, đồng thời góp phần thúc đẩy công việc xây dựng một làng quê văn minh giàu đẹp.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com