Chùa Phúc Chỉ

06:12, 26/12/2013

Vào đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) khi đi vãn cảnh chùa Phúc Chỉ, Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị đã làm bài thơ ca ngợi như sau:

"Tìm vào cổ tự danh viên
Cỏ cây mù mịt bốn bên như thành
Ngoài chùa sen trắng trúc xanh
Trong thờ Thái Bảo nhà Trần năm xưa... "

Từ thành phố Nam Định, đi theo quốc lộ 10 khoảng 15 km đến thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản) rẽ trái theo trục đường 56 đến ngã tư Mậu Lực rẽ phải theo đường 57B sẽ đến được chùa Phúc Chỉ ở xã Yên Thắng huyện Ý Yên.

Ban đầu chùa có tên là Thái Tử Quán tự, sau đổi là Sùng Nghiêm tự. Thời Hậu Lê gọi là Phúc Long tự, bởi lúc đó cho rằng chùa làm ở thế đất đầu con rồng. Đến thời Nguyễn dưới triều vua Minh Mạng do kỵ húy vua Gia Long nên đổi tên là Phúc Chỉ như hiện nay.

Chùa Phúc Chỉ ngoài việc thờ Phật còn thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật là con thứ 6 của vua Trần Thái Tông. Ông sinh năm 1254, mất năm 1330 là người văn võ song toàn, lập nên công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ 2 (1285). Chiêu Văn Vương là người giỏi nói tiếng các dân tộc thiểu số, sành âm nhạc, thông đạo Nho. Ngoài ra, lịch thiệp, phong nhã, đức độ là điểm nổi bật trong phong cách sống của ông.

chùa Phúc Chỉ ở xã Yên Thắng huyện Ý Yên.
Chùa Phúc Chỉ ở  thôn Phúc Chỉ, xã Yên Thắng huyện Ý Yên.

Tấm bia "Phúc Chỉ tự bia ký" được soạn khắc vào đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) cho biết chùa Phúc Chỉ là nơi thờ quan Thái Bảo nhà Trần là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.

Ngoài ra cuốn Phúc Chỉ xã mạt khảo do Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị viết ngày 10 tháng 3 đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) cho biết thêm: Vào những năm cuối đời mình, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật thường hay đi du ngoạn khắp nơi để xem phong cảnh của quê hương đất nước. Đến miền quê Phúc Chỉ thấy địa thế đẹp, nhân dân thuần hậu, ông bèn sai gia nhân, đẵn gỗ dựng nhà ở, sau lại bỏ tiền chiêu tập những người ở nơi khác về dựng nhà cư trú. Ban đầu chỉ hơn chục nhà ở, vài ba năm sau có tới hơn bốn mươi nhà, dân cư dần dần đông vui lên.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật còn mở chợ. bắc cầu, dạy dân đắp hồ chứa nước phòng khi hạn hán, khơi thông dòng chảy phòng khi úng lụt. Ông đặt nơi ở của mình là trang Lâm Trại. Khi cuộc sống ổn định, ông cho xây dựng ngôi chùa thờ Phật và tự mình làm sư trụ trì, đó là chùa Phúc Chỉ ngày nay.

Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng giêng, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày Chiêu Văn vương về đây lập nên làng Phúc Chỉ. Trong ngày hội có tổ chức thi hát những bài hát tương truyền do ông sáng tác được lưu truyền trong nhân dân lúc sinh thời.

Chùa Phúc Chỉ nằm ở phía tây làng, trên một khu đất bằng phẳng thoáng mát, phía trước chùa là một cánh đồng lúa rộng rãi, sau chùa là núi Gôi tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình của một vùng quê trù phú.

Chùa Phúc Chỉ xây dựng từ thời Trần, được sửa chữa lớn vào thế kỷ XIX, trên cơ sở tiếp thu kiến trúc truyền thống của những thế kỷ trước. Công trình kiến trúc chùa Phúc Chỉ hiện nay được xây dựng theo kiểu chữ sơn, bao gồm tiền đường bẩy gian và ba tòa phía sau tiền đường nằm theo chiều dọc, trong đó tòa ở giữa có ba gian, hai tòa hai bên mỗi tòa hai gian. Cả bốn tòa được làm theo kiểu trùng thềm điệp ốc.

Bẩy gian tiền đường đứng vững nhờ bốn hàng cột bằng gỗ lim có đường kính 0,35m đặt trên chân tảng bằng đá. Trên bộ vì chạm khắc hoa lá, vân ám, hoa sen cùng các họa tiết mang phong cách nhà Phật.

Chuôi vồ giữa chính là tam bảo chùa, được làm ngăn cách với tiền đường bởi hệ thống máng nước. Tại các bộ vì ở đây cũng được chạm khắc, trang trí nhẹ nhàng các họa tiết hoa lá.

Tòa hai gian bên trái là phủ thờ mẫu cũng được thiết kế theo phong cách truyền thống với bộ khung bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam.

Tòa hai gian bên phải thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Trên hệ thống vì chồng rường, bộ cánh cửa, các cột đều được chạm khắc với kỹ thuật điêu luyện. Toàn bộ mảng chạm trên các con rường với kỹ thuật chạm lộng nét nông, nét sâu đan xen nhau đã tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh với những con rồng, bao gồm con to, con nhỏ xoắn xít bên nhau theo đề tài "Mẫu long giáo tử". Bố cục của bức chạm hài hòa, các con rồng uốn lượn mềm mại, khỏe khoắn mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII.

Ngoài vẻ đẹp về quy mô kiến trúc, chùa Phúc Chỉ còn lưu giữ được di vật có giá trị đạo sắc phong năm Cảnh Hưng 44 (1783), hai tấm bia đá thời Nguyễn do Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị phụng soạn, cùng hệ thống câu đối, đại tự... Đây còn là những tư liệu quý giúp cho việc tìm hiểu mảnh đất con người Phúc Chỉ xưa và nay.

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, chùa Phúc Chỉ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com