Trọn một buổi chiều cuối năm, trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng ở thôn Văn Côi, Thị trấn Gôi (Vụ Bản), chúng tôi được CCB Nguyễn Ngọc Cảnh kể cho nghe về thời binh lửa xông pha trận mạc ở những chiến trường ác liệt trong những năm chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là quãng thời gian chiến đấu ở chiến khu rừng Sác gian khổ ác liệt. Đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Cảnh vẫn rất nhanh nhẹn, rắn rỏi, giọng nói hào sảng, mang đậm chất “lính đặc công” rừng Sác.
Vợ chồng CCB Nguyễn Ngọc Cảnh ôn lại những kỷ niệm của thời quân ngũ. |
Năm 1960, người thanh niên Nguyễn Ngọc Cảnh tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 24, Quân khu Hữu ngạn sông Hồng, sau đó được chuyển về đơn vị pháo cao xạ 37 ly của Tiểu đoàn 24 Quân khu Hà Nội. Đến năm 1964, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông tham gia chiến đấu, phục kích đánh máy bay địch ở Hà Bắc (cũ), Hòa Bình rồi Ninh Bình. Đến tháng 1-1965, ông được biên chế vào Trung đoàn 213 sang hỗ trợ nước bạn Lào. Sau gần 2 tháng tham gia chiến đấu tại Lào, đơn vị ông nhận nhiệm vụ hành quân về phối hợp với các lực lượng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) nằm trên tuyến giao thông huyết mạch có vị trí chiến lược trọng yếu, và là “điểm nút” của khu vực bắc miền Trung mà địch tập trung hỏa lực đánh phá, hủy diệt cầu hòng cắt đứt sự chi viện sức người, sức của của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Cuộc chiến đấu ở đây vô cùng cam go, ác liệt, mỗi ngày địch huy động hàng trăm lượt máy bay liên tiếp dội bom đạn oanh tạc cầu Hàm Rồng. Hiệp đồng tác chiến cùng các lực lượng, với vai trò là đại đội trưởng, ông đã chỉ huy chiến sĩ trong đơn vị anh dũng chiến đấu, tiêu diệt không lực địch trong trận đánh lịch sử bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 3 và 4-4-1965. Trong trận đánh quyết liệt này, đơn vị ông đã bắn rơi 3 máy bay và bắt sống tên trung tá giặc lái Mỹ, góp phần cùng với các lực lượng làm nên chiến thắng cầu Hàm Rồng vang dội, giữ vững mạch máu giao thông Bắc - Nam. Đến năm 1966, đơn vị ông tiếp tục hành quân vào Hà Tĩnh bảo vệ tuyến đường chiến lược Ngã ba Đồng Lộc. Hơn 1 năm sau đơn vị ông lại hành quân quay trở ra tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn cam go ác liệt, năm 1967, ông đã viết đơn tình nguyện đi B. Sau một thời gian ngắn huấn luyện ở Trường huấn luyện Xuân Mai (Hòa Bình), ông được biên chế vào đơn vị đặc công nước và được đưa ra Hải Phòng tham gia khóa huấn luyện đặc công nước. Năm 1969, đơn vị ông hành quân vào chiến trường Tây Nam Bộ. Lúc đó ông là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 279 Đặc công Quân khu 8, đơn vị ông được phân công nhiệm vụ hỗ trợ nước bạn Căm-pu-chia bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, kéo giãn quân địch và mở rộng khu căn cứ tập kết của ta. Sau đó đơn vị ông trở về ém quân ở Đồng Tháp và đánh nhiều trận tiêu diệt, bức rút các đồn, bốt quan trọng của địch bằng cách đánh hiệu quả của lính đặc công nước. Trong trận tiêu diệt căn cứ kênh Hòa Bình (Đồng Tháp), ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Đến cuối năm 1972, ông được chuyển về Trung đoàn 10 (Đặc khu Sài Gòn - Gia Định), đóng quân ở rừng Sác (Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác).
Nhiệm vụ của Trung đoàn 10 là thọc sâu, áp sát, bám trụ chiến khu rừng Sác để tiến công liên tục vào các kho tàng, hải cảng của địch trên sông Lòng Tàu và một số con sông khác trong vùng. Chiến khu rừng Sác là những cánh rừng ngập mặn với bạt ngàn tràm, đước mọc trên sình lầy ngập sâu quá gối. Những chiến sĩ đặc công rừng Sác cũng phải đối mặt với biết bao khó khăn, khắc nghiệt của môi trường, sống giữa rừng ngập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, rồi bị cá sấu dữ, trăn, rắn... tấn công. Ban ngày anh em trong đơn vị phải ẩn náu, chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Một trong những trận đánh nhớ nhất trong những năm tháng ông cùng những chiến sĩ đặc công tinh nhuệ gian khổ bám trụ ở rừng Sác là trận đánh kho xăng Nhà Bè. Nhận lệnh của cấp trên, đến cuối tháng 11-1973, ròng rã nhiều tháng trời tìm cách đột nhập thám thính, trinh sát, đơn vị của ông lên được kế hoạch chuẩn bị đánh. Đây được ví như cái “dạ dày nhiên liệu của địch”, do vậy nên kho được địch canh phòng vô cùng cẩn mật với 12 lớp hàng rào bao bọc xung quanh từ ngoài vào trong cùng với sự hỗ trợ của chó béc-giê, ngỗng, mìn, pháo sáng, hệ thống đèn pha, tháp canh; đặc biệt địch xây dựng hệ thống phòng thủ liên hoàn, lực lượng bảo vệ trực tiếp cả dưới nước, trên bộ, trên không. Để tiêu hủy được kho xăng dầu lớn này, ngoài lực lượng áp sát, hỗ trợ vòng ngoài, đơn vị ông đã cử 1 đội tinh nhuệ “xâm nhập” vào khu vực đầu não để đặt bom hẹn giờ, trong đó ông được phân công chỉ huy một mũi. Ông cùng các đồng chí trong đơn vị đã phải từng bước từng bước mưu trí, dũng cảm vượt sông Sài Gòn, luồn sâu, lót sát, vượt qua từng hàng rào và sự canh phòng nghiêm ngặt của địch để đột nhập vào bên trong đặt thuốc nổ phá tan kho xăng, thiêu trụi hàng trăm triệu lít xăng, dầu của địch. Với tinh thần quả cảm, mưu lược, quyết tử của những người lính đặc công, đơn vị ông đã lập chiến công vang dội. Sau chiến thắng lớn đó, từ năm 1974, đầu năm 1975, đơn vị ông tiếp tục được giao nhiệm vụ tiêu diệt các bốt nhỏ, hỗ trợ các đơn vị chờ thời cơ cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi cả tiểu đoàn của ông lại hành quân tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Lúc này, ông là Tham mưu trưởng Trung đoàn 540 (Quân khu 3). Đến năm 1982 ông chuyển về công tác ở Quân khu 1 và là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 846, Sư đoàn 353, đến năm 1984 thì nghỉ hưu. Những đóng góp của ông trong cuộc đời binh nghiệp đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Ông đã được tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Trở về với đời thường, ông luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của người đảng viên gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của địa phương. 75 tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, hơn 20 năm “vào sinh, ra tử” ở khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, đã không ít lần phải đối diện với lằn ranh sinh tử mong manh của trận chiến, nhưng CCB Nguyễn Ngọc Cảnh luôn nêu cao tinh thần, ý chí kiên trung, quả cảm của một chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng./.
Bài và ảnh: Thu Thủy