Chùa Nghĩa Xá

06:12, 12/12/2013

Chùa Nghĩa Xá Viên Quang thánh tích
Tiếng danh thơm hiển hách anh linh.

Hai câu thơ trên đưa chúng ta về thăm một ngôi chùa nổi tiếng có lịch sử lâu đời của tỉnh Nam Định, đó là chùa Nghĩa Xá tên chữ là Viên Quang tự, thuộc thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường.

Theo nội dung tấm bia "Viên Quang tự bi minh tính tự" soạn năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 3 (1122) hiện đang lưu giữ tại chùa thì ngôi chùa ban đầu được dựng ở Giao Thủy vạn, quy mô rất lớn với 36 tòa làm bằng gỗ lim. Về sau do sự đổi dòng của sông Hồng, chùa được chuyển về xứ Bát Dương (thuộc huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình). Đến đời vua Tự Đức năm thứ 19 (1866), chùa lại được chuyển về xây dựng trên khu đất như hiện nay. Qua nghiên cứu nội dung tấm bia chúng ta còn biết rằng: "Chùa Nghĩa Xá do vua Lý Anh Tông (1136-1175) sáng lập, là nơi sư Giác Hải trụ trì. Sư ra đời trong thôn xóm nhân từ, trí khác kẻ man di nhơ nhuốc, như hoa sen vượt trên bùn đọng, hương tỏa hiên nam".

Chùa Nghĩa Xá tên chữ là Viên Quang tự. Ảnh: Internet
Chùa Nghĩa Xá tên chữ là Viên Quang tự. Ảnh: Internet

Theo sách "Thiền uyển tập anh ngữ lục " thì sư Giác Hải là người họ Nguyễn quê ở xã Hải Thanh. Lúc trẻ ông làm nghề đánh cá, thường dùng một chiếc thuyền nhỏ làm nhà ngao du giang hồ. Năm 25 tuổi ông bỏ nghề đánh cá, xuống tóc đi tu, cùng sư Không Lộ đến thụ nghiệp Thiền sư Hà Trạch, rồi lại là người thừa kế tâm pháp của Thiền sư Không Lộ. Một hôm Thiền sư Giác Hải và Thông Huyền chân nhân ngồi hầu chuyện vua Lý Nhân Tông trên tảng đá, chợt có hai con tắc kè đua nhau kêu inh ỏi. Vua Nhân Tông bảo Thông Huyền chân nhân làm cho tắc kè thôi kêu, Thông Huyền liền nhẩm đọc thần chú một con tắc kè bị rơi xuống. Thông Huyền nói với sư Giác Hải: "còn một con là của ngài". Sư Giác Hải nhìn một lúc con thứ hai cũng rơi xuống. Vua lấy làm lạ làm một bài thơ khen rằng:

Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền thông hựu huyền
Thần thông kiêm biến hóa
Nhất phật, nhất thần tiên.

Từ đó, danh tiếng của Thiền sư Giác Hải lẫy lừng trong thiên hạ, tăng đồ và dân chúng ai ai cũng kính phục. Sư được vua Lý Nhân Tông đối đãi như bậc sư phụ.

Khi nghiên cứu về chùa Nghĩa Xá, chúng ta còn biết được trên địa bàn huyện Xuân Trường còn hai ngôi chùa có niên đại khởi dựng từ thời Lý đó là: chùa Keo Hành Thiện (Thần Quang tự) thờ Thiền sư Không Lộ và chùa Nghĩa Xá (Viên Quang Tự) thờ Thiền sư Giác Hải. Điều đó đã phần nào thể hiện một vị trí vô cùng quan trọng của địa danh Xuân Trường trên lĩnh vực văn hóa, kinh tế. Chúng ta đều biết thời Lý, đạo Phật được coi là quốc giáo, các nhà sư còn là những nhà trí thức, giúp ích rất nhiều cho vua đương thời trị vì đất nước. Những ngôi chùa, ngoài ý nghĩa là nơi tu hành, còn đóng vai trò là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị khá lớn của đất nước.

Công trình kiến trúc chùa Nghĩa Xá hiện nay được xây theo kiểu "Nội công ngoại quốc", quay mặt về hướng tây trên một diện tích rộng 5.000m2. Tổng thể công trình bao gồm nhiều hạng mục tương đối quy mô bề thế còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc thời Hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII.

Nằm về phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm ba tầng, hai tầng trên hiện treo chuông và khánh. Sau tam quan, qua một sân rộng lát gạch là tòa giải vũ. Giải vũ xây dựng vào triều vua Thành Thái năm thứ nhất (1889) với quy mô 5 gian cao rộng. So với di tích khác, giải vũ chùa Nghĩa Xá còn được dân làng dùng làm nơi hội họp, là nơi nghỉ ngơi cho tín đổ phật tử trước khi vào chùa lễ Phật. Và như vậy, giải vũ chùa Nghĩa Xá đã trở thành một ngôi đình, ngôi nhà chung cho cộng đồng dân cư. Đúng như câu ca mà nhân dân địa phương thường truyền tụng.

Bao giờ Nghĩa Xá có đình
Trung Minh có chợ thì mình lấy ta

Sau giải vũ là chùa chính. Công trình được dựng kiểu chữ công: Bái đường 7 gian dài 19m, rộng 5,4m, trung đường 4 gian dài 9,8m, rộng 7,1m và thượng điện 7 gian dài 19m, rộng 5,7m. Bài trí nơi thờ tự được phân bổ theo kiểu: "tiền Phật hậu thánh" (trước thờ Phật sau thờ thánh). Hiện nay tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị bao gồm: tượng pháp, văn bia, chuông khánh, kiệu bát cống, chân tảng đá cánh sen, sập thờ... mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII.

Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Nghĩa Xá xã Xuân Ninh đã được Bộ Văn hóa -Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com