Tín ngưỡng thờ thần, thành hoàng là tín ngưỡng dân gian của người Việt rất phổ biến ở Nam Định.
Trừ những làng, những giáp theo đạo Thiên Chúa, theo thống kê đầu tiên vào năm 1937, tại 807 làng xã trên địa bàn Nam Định thờ 2140 vị thần với đủ các loại danh hiệu, tên gọi (tính bình quân mỗi làng xã thờ 2,65 vị thần, cao hơn một chút so với con số bình quân của cả vùng châu thổ: 2,57).
Có các vị thần thánh là các hiện tượng tự nhiên được nhân hoá, thánh hoá như sấm, chớp, mưa gió, những vị thần có "lý lịch" là những yếu tố thiên nhiên như thần cây, thần đá, thần nước, thần núi, thần biển, thần động vật. Những vị thần này dân gian còn gọi là Thiên thần (Thống kê ban đầu từ Bảng tra thần tích thần sắc theo địa danh làng xã của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội 1996, nghĩa là chỉ mới dựa trên 226 thần tích của 113 làng xã của Nam Định thì đã có 85 vị thần thuộc loại này. Số lượng thực tế hẳn còn cao hơn nhiều).
Thần liên quan đến nước (sông hồ, biển) như Nam Hải đại vương, Đông Hải đại vương, Tây Hải đại vương, Câu Mang, Linh Lang...
Ảnh minh họa/Internet. |
Các vị thần được dân gian gọi là Nhân thần, chiếm số lượng lớn trong tập hợp các thần được thờ. Về mặt lịch đại, nếu phân theo thần tích thì có:
- Thời kỳ Hùng Vương, An Dương Vương: Cao Sơn, Quý Minh, Thục An Dương Vương.
- Thời kỳ chống Bắc thuộc: Công chúa Thục Côn, Mai Hồng, Đỗ Thị Dung, Phan Thị Trâm, Tiền Lý Nam đế, Triệu Việt Vương, Đinh Lôi, Hoàng Tề..
- Thời kỳ Ngô - Đinh, Tiền Lê: Kiều Công Hãn, Trần Lãm, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Tấn, Tạ Hùng Ly, Lã Đường
- Thời Lý - Trần: Đoàn Thượng, các vua Trần, Trần Thủ Độ, Phụng Dương công chúa, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Nguyễn Hiền, Bùi Khiết, Bùi Tuyết, Trương Long....
- Thời chống Minh: Đăng Dung, Lương Minh Nguyệt (Kiến Quốc phu nhân)...
- Thời Lê sơ: Nguyễn Phục, Lương Thế Vinh...
- Thời Lê - Trịnh: Điền Quận công.
- Thời Nguyễn: Phạm Văn Nghị, Vũ Hữu Lợi...
Nếu xếp theo giới thì các nữ thần chiếm một khối lượng không nhỏ: từ Liễu Hạnh, Liễu Hoa, Thượng Ngàn đến Hoàng Thái Phi, Hồng Nương, Hồng Hoa Công chúa, Huyền Trân, Huệ Lan công chúa, Hạ Thanh công chúa, Phụng Dương công chúa, Trương Thị Phương, Tống Hậu..
Còn nếu quy chiếu theo thánh tích, công huân của các vị thần, thì trong tập hợp trên có:
- Những vị thần có công huân với đất nước, có công với các triều đình phong kiến (đánh giặc, dẹp loạn, phò tá triều chính, hoặc "âm phù" nhà vua ..) cho như Đinh Bộ Lĩnh, Trần Minh Công, Hưng Đạo Vương, Trần Quang Khải, Lương Nguyệt, Đăng Dung...
- Những vị là tiền hiền khai khẩn, mở đất, lập làng: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập (Hải Anh, Hải Hậu), Ngô Miễn (An Cư- Xuân Trường), Phạm Văn Nghị, Nguyễn Điển, Phạm Thanh (Hải Lạng - Nghĩa Hưng)...
- Những vị là những nhà khoa bảng tài danh (Trạng nguyên, Tiến sĩ) mở đầu cho truyền thống khoa bảng của làng, của họ, danh tiếng cho làng: Phạm Bảo, Phạm Đạo Phú (Dương Phạm - Nghĩa Hưng)...
- Có thần là các vị tổ nghề, như Tô Trung Tự nghề trồng Hoa (Vị Khê-Nam Trực), Lê Công Hành (Hàng Thêu- thành phố Nam Định), Lục Vị tổ sư (Vân Chàng- Nam Trực )...
"Cơ cấu" trên của tập hợp thần, thánh ở làng xã Nam Định cũng là những nét chung thường gặp ở làng xã Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Tuy nhiên, ở Nam Định có những nét riêng, nổi bật sau đây:
Nơi thờ ít nhất là một vị thần, nơi thờ nhiều nhất là 17 vị thần.
Ở Nam Định hình thành 3 dải có sự khác biệt khá rõ: Dải chiêm trũng phía Bắc (gồm bắc Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên) nơi có số lượng làng thờ trên 1 thần chiếm tỷ lệ cao.
Vùng Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, bắc Nghĩa Hưng số lượng làng thờ trên 1 thần giảm dần, còn vùng ven biển như Giao Thuỷ, Hải Hậu, nam Nghĩa Hưng, số làng thờ 1 thần lại chiếm tỷ lệ cao hơn hai dải trên.
Là quê hương phát tích của nhà Trần, là một vùng kinh tế - văn hoá phát triển mạnh ở thế kỷ XIII- XIV, những vị thần có nguồn gốc lịch sử của thời kỳ này như: Trần Thủ Độ, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, công chúa Huyền Trân, công chúa Thuỵ Bảo, Phạm Ngũ Lão, Ngô Miễn, Lê Hiến Tứ, Lê Hiến Giản... ở thời kỳ này chiếm tỷ lệ cao hơn các vùng khác.
Là khu vực châu thổ phát triển ra biển mạnh mẽ, nơi quá trình khai hoang lấn biển, lập làng diễn ra thường xuyên, liên tục, có thành tựu lớn và rõ rệt nhất ở Bắc Bộ, vì thế, theo thống kê chưa đầy đủ Nam Định đã có tới 70 địa điểm thờ các vị tổ khai khẩn mở ấp, lập làng, trị thuỷ, đặc biệt tập trung là vùng ven biển Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Chỉ trong khu vực các làng xã của các huyện này đã có 56 nơi thờ.
Cũng do quá trình phát triển của làng xã, phát triển từ vùng trung tâm châu thổ từ phía Bắc ra cửa sông, ven biển ở phía Nam, nên ở Nam Định còn có một hiện tượng nổi bật là những cư dân đi khai khẩn, thường "mang" theo Thần, Thành hoàng của làng gốc đến quê hương mới.
Theo: Địa chí Nam Định