Người tổ chức đoàn quân Nam tiến đầu tiên

08:06, 03/06/2013

Đó là nhà giáo Phạm Văn Nghị. Nhà giáo Phạm Văn Nghị sinh năm 1805, đời vua Gia Long nhà Nguyễn. Ông quê làng Tam Đăng (nay là xã Yên Thắng, huyện Ý Yên) tỉnh Nam Định. Đỗ Hoàng giáp tiến sĩ năm 1838, đời vua Minh Mệnh. Gần như suốt đời ông theo nghề dạy học, kể cả trong thời gian làm quan Đốc học Nam Định (1857-1861) ở thời vua Tự Đức, vì thế ông rất được thiên hạ trọng vọng, không gọi thẳng họ tên, mà thường chỉ thưa thầy bằng danh hiệu “Hoàng giáp Tam Đăng”.

Đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị tại xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).
Đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị tại xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).

Hoàng giáp Tam Đăng vừa nhận chức Đốc học Nam Định, thì xảy ra sự kiện: Thực dân Pháp, ngày 1-9-1858 nổ súng xâm lược, đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

Nộ khí xung thiên, hùng khí văn chương yêu nước bừng bừng, nhà giáo họ Phạm vung bút viết ngay câu nhắc lại tích xưa trong thơ “Nam quốc sơn hà” thời Lý Thường Kiệt:

“Giặc Tây sao dám phạm bờ cõi?
Chẳng mấy, gươm trời giết sạch bay!”

Và hạ bút làm bài thơ tráng khí:

“Giận sôi tóc dựng mũ
Bút đánh há thua ai?
Mong sớm tan giặc dữ
Tờ ngọc nâng trên tay...”

Cái “tờ ngọc” mà Hoàng giáp Tam Đăng “nâng trên tay” như vừa nói trong thơ - chính là bản “Trà Sơn kháng sớ” (sớ tâu vua về việc đánh giặc ở Sơn Trà) nổi tiếng.

Mở đầu văn bản được xếp vào loại sớm nhất của dòng văn chương yêu nước thế kỷ 19 này, có câu:

“Hạ thần là kẻ thư sinh, tuy chưa biết gì việc quân, nhưng từ khi đất nước có giặc đến giờ, thường cùng các học trò là cử nhân, tú tài còn ôm ấp chút nghĩa khí, bàn bạc nghiên cứu cái thế của ta và địch, để nắm chắc phần thắng. Nếu như nhà vua cho phép, chúng thần được tới chỗ quân thù, xem rõ hình thế, rồi sau đó bày mưu đặt kế, trình lại với quan đại thần, rồi châm chước sử dụng thì chắc cũng có ích”.

Được vua Tự Đức - đang lúng túng như gà mắc tóc trong chủ trương không biết nên “hòa” hay “chiến” với giặc - bất ngờ chuẩn y lời tâu xin, Hoàng giáp Tam Đăng lập tức đứng ra chiêu mộ, thành lập đạo dân binh nghĩa dũng của mình, ngay vào cuối năm 1859.

Cả tỉnh Nam Định và hàng nghìn học trò của thầy Phạm Văn Nghị, nghe tin Hoàng giáp Tam Đăng mộ quân ứng nghĩa vào Sơn Trà, Đà Nẵng đánh giặc, đều sôi sục hưởng ứng.

Hình thành ngay một lực lượng - sau khi kén lựa, tuyển chọn gồm 365 nghĩa sĩ, trong đó có 5 cử nhân, 8 tú tài, hàng chục học trò... Trên một vạn quan tiền cũng quyên góp được, làm quân phí.

Mất hơn một tháng để tổ chức đội ngũ, luyện tập võ nghệ, nghiên cứu binh thư..., cuối cùng, đoàn quân nghĩa dũng đã được phiên thành 7 đội, hợp thành 3 đạo: Tiền đạo, giao cho người bạn thân của Hoàng giáp Tam Đăng là Phạm Văn Xưởng (gốc người Quảng Nam, từng là quan Án Sát tỉnh Biên Hòa, nhưng lúc này đang bị triều đình Huế đày ra an trí ở Thái Nguyên) làm chỉ huy. Đạo Hậu quân, giao cho một học trò thân tín của thầy là tiến sĩ Phó bảng Đặng Ngọc Cầu (từng giữ chức Tư vụ Bang biện đạo Hà Tĩnh) cai quản. Còn đạo Trung quân thì do chính thầy Phạm Văn Nghị thống lĩnh.

Ngày 29-2-1860, đoàn nghĩa dũng của nhà giáo Phạm Văn Nghị - Đội quân Nam tiến đầu tiên của lịch sử cận đại Việt Nam làm lễ xuất phát ở Nhà Học chính Nam Định, rời quê hương lên đường vào mặt trận phía Nam, đánh giặc cứu nước!

Hiện vẫn còn được một bài thơ của chính Hoàng giáp Tam Đăng nói về cuộc hành quân Nam tiến đầu tiên này, nhan đề là “Trên đường hành quân tự thuật”:

... “Ba trăm quân, một ngọn cờ,
Oai trời, đường hiểm coi như đường bằng.
Suốt đời trung hiếu một lòng,
Tự nhiên vẫn được non sông phù trì...”!

Đạo lý trung quân ái quốc, và mối liên quan giữa chính nghĩa con người và linh thiêng sông núi, theo quan niệm Nho gia cổ truyền, vậy vẫn chính là động lực khiến lực lượng yêu nước độc đáo của nhà giáo Phạm Văn Nghị - thư sinh và chúng dân, nhưng “chân cứng đá mềm”, vượt đèo leo dốc, qua bao dặm trường theo con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, đi đánh giặc.

Mất gần một tháng trời đi bộ, ngày 21-3-1860, đoàn vào tới Huế.

Nhưng, từ tháng 2-1859, sau 5 tháng chiếm đóng và cầm cự với tướng Nguyễn Tri Phương, được Vua Tự Đức và triều đình Huế cử làm thống soái mặt trận chẹn ngăn giặc thù ở Đà Nẵng, quân Pháp đã phải chuyển mồi đánh chiếm từ Đà Nẵng vào Gia Định; rồi đến tháng 5-1859, lại từ Gia Định quay về đánh Đà Nẵng lần nữa mà không thành công, cho nên, cũng đúng vào thời gian cuối tháng 3-1860 vừa lúc Đoàn quân Nam tiến của thầy Phạm Văn Nghị vào tới Huế, thì sau 19 tháng lộ diện xâm lược ở Sơn Trà, Đà Nẵng - toàn bộ lực lượng của quân Pháp ở đây đã phải rút đi hết.

Từ đây trở đi là thời gian nóng bỏng của Gia Định và lục tỉnh Nam Kỳ kháng Pháp. Cũng là thời gian mà Vua Tự Đức cùng triều đình Huế ngày càng lún sâu vào vũng lầy lụng nhụng giữa “hòa” và “chiến”. Thành ra, Đoàn quân Nam tiến tình nguyện của thầy Phạm Văn Nghị không thể tiếp tục cuộc hành trình đi trận vào tận Gia Định - Nam Kỳ được nữa, mà phải vâng theo chỉ dụ của Vua Tự Đức: Trở về!

Chí hướng Nam tiến đánh giặc vào những năm 1859-1860 tuy không thành, nhưng sau đấy, vào năm 1873, khi quân Pháp xâm lược đã chiếm xong Nam Kỳ, bắt đầu quay ra tấn công Bắc Kỳ, thì thầy Phạm Văn Nghị lại vẫn có dịp để trổ ra mạnh mẽ tinh thần yêu nước, và quyết liệt đánh giặc cứu nước của mình. Bằng việc: Lại đứng ra huy động học trò và nghĩa dân, đánh trận “Ngã ba Độc Bộ” oanh liệt (tháng 12-1873) ngay trên đất quê hương bản bộ, tuy đã ở vào tuổi 68.

Và đến năm sau, khi hay tin Vua Tự Đức và triều đình Huế đã ký với giặc “Hòa ước Giáp Tuất, 1874”, thì vẫn cái tinh thần “bất công đới thiên” với việc “hòa” cùng giặc ngoại bang xâm lược ấy đã khiến vị Hoàng giáp Tam Đăng một lần nữa công phẫn từ quan để vào sâu trong “động Hoa Lư” (Ninh Bình) mà ở ẩn cho đến lúc cuối đời.

Bấy giờ là năm 1881. Trong số những đối liễn rất hay, gửi đến viếng nhà giáo yêu nước Phạm Văn Nghị - người tổ chức Đoàn quân Nam tiến đầu tiên, có câu tiêu biểu như sau:

“Tích yên, nghĩa lỗ nhân can, Độc Bộ ba đào câu nộ sắc;
Kim dã, nghiêm sương hàn lộ, Hoa Lư thảo thụ đối sầu nhan”.

Tạm dịch:

“Xưa, chèo nghĩa buồm nhân, Độc Bộ cồn cồn sóng giận;
Nay, băng đông sương giá, Hoa Lư ảm đạm cây sầu”.

Hoàng giáp Tam Đăng, cùng với tinh thần và sự nghiệp yêu nước lẫy lừng như thế còn chính là một nhà giáo vĩ đại. Trong số những học trò thành đạt, có thể kể đến hai vị Tam nguyên: Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Vị Xuyên Trần Bích San; Đình nguyên Đỗ Huy Liêu, Thượng thư Phạm Thận Duật. Đặc biệt là các thủ lĩnh văn thân - Cần vương chống Pháp như: Tiến sĩ Tống Duy Tân, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, Phó bảng Lã Xuân Oai, Thủ khoa Nguyễn Cao...

Câu đối viếng thầy học sau đây của Tống Duy Tân là một trong những thi điếu tiêu biểu:

“Phu tử tiên thiên hạ chi ưu, kỷ độ thăng trầm thân thế;
Đệ tử thị tiên sinh do phụ, bách niên tồn một thủy chung”

Tạm dịch:

“Tiên sinh lo việc trước người đời, thân thế nổi chìm, ôi mấy độ;
Đệ tử coi thầy như thân phụ, mất còn chung thủy mãi trăm năm”./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com