Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

06:06, 11/06/2013

Đối với cư dân Việt, trong gia đình thờ cúng (sùng bái) tổ tiên là quan trọng nhất. Tổ tiên, ông bà không chỉ là người đã sinh ra bản thân con cháu, nay dù đã mất nhưng tinh thần vẫn thường xuyên chăm sóc cháu con. Mỗi buồn vui của gia đình con cháu linh hồn ông bà cũng tham dự, phù hộ độ trì cho cuộc sống mọi mặt của cháu con.

Thờ cúng tổ tiên gắn liền với từng gia đình, dòng họ, thể hiện qua hàng loạt các lễ thức, nghi thức, thế chế phong tục.  

Trong gia đình: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (hay còn được gọi là đạo thờ cúng tổ tiên) trở thành nếp sống trong mỗi gia đình người Việt Nam và được thể hiện trong rất nhiều cách thức. Những biểu hiện bên ngoài như: bàn thờ ông bà, cha mẹ (gia tiên), giỗ chạp...đến những tâm thức thường trực tiềm tàng trong cách nghĩ, cách cảm - lối sống của cư dân.

Bàn thờ gia tiên: Theo điều tra năm 1999 - 2000, hầu như nhà nào cũng thờ gia tiên không kể trưởng thứ, cứ lập gia đình, ra ở riêng là dành một chỗ trang trọng nhất để thờ. Với những gia đình chưa có điều kiện kinh tế hoặc con thứ thì cũng vẫn có một ban thờ ông bà hoặc bố mẹ.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bản sắc văn hóa của người Việt (ảnh minh họa/Internet).
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bản sắc văn hóa của người Việt (ảnh minh họa/Internet).

Những nhà có điều kiện thì đóng mới hoặc mua bàn thờ đặt ở gian trang trọng, câu đối, hoành phi. Bàn thờ gia tiên là nơi biểu hiện - vật thể hoá những tình cảm, trách nhiệm của thế hệ đang sống với các thế hệ trước của gia đình (gia tiên). Ngoài các ngày kỵ (giỗ chạp), ngày một (ngày sóc), ngày rằm (ngày vọng) trong tháng, các lễ tiết trong năm (mồng ba tháng ba, ngày năm tháng năm - Đoan ngọ, Trung thu, Tết Nguyên đán) thì mọi vui buồn trong gia đình đều được chủ nhà "báo cáo" với gia tiên, mời gia tiên về chứng giám, giàu có thì mâm cỗ, khá giả chút thì hoa quả, đĩa sôi, chén rượu.. nghèo thì nén hương chén nước sạch...

Giỗ chạp: Trong gia đình việc cúng giỗ gia tiên, tổ tiên chỉ được thực hiện với những người trong phạm từ 4 đời trở xuống (người mà chủ gia đình gọi là cụ), còn từ đời thứ 5 trở lên được giỗ chung trong phạm vi họ tộc hay trong chi phái). Giỗ chạp, theo phong tục xưa chỉ diễn ra ở nhà con trai trưởng - bậc trai trưởng. Những ngày giỗ, tuỳ theo tình hình kinh tế của nhà trưởng mà cỗ bàn to hay nhỏ, nhiều hay ít. 

Có một thực tế là không phải tất cả các gia đình đều có con trai hay tất cả nhưng con trai trưởng đều còn, trong những trường hợp như vậy, từ lâu ở người Việt  thường có chế độ thừa tự (con trai thứ của bậc thứ được nhân phần cúng giỗ) hoặc con gái cũng cúng cha mẹ, ông bà.

Trong phạm vi dòng họ: Trong phạm vi dòng họ việc thờ cúng tổ tiên thể hiện qua một loạt các hoạt động tập thể của các gia đình, các thành viên trong họ về giỗ tổ, chạp mộ. Địa điểm thờ cúng tổ tiên của dòng họ được diễn ra ở nhà trưởng họ (tộc trưởng), có nơi có điều kiện thì xây cất nhà thờ họ (từ đường).

Nhà thờ họ (Từ đường): Không phải tất cả các họ, tộc đều có (hoặc còn) nhà thờ - một địa điểm thờ cúng tổ tiên chung của các thành viên trong họ - theo nghĩa là những người được coi là có chung một cụ tổ về đằng cha), vì tuỳ thuộc những điều kiện kinh tế, xã hội nhất định. Tuy nhiên, nhà thờ họ (từ đường) là một hiện tượng ngày càng phổ biến, phát triển của cư dân Việt nói chung của vùng Nam Định nói riêng. Tính đến năm 1998, theo số liệu điều tra của Sở Văn hoá thông tin, toàn tỉnh có đến 3368 từ đường chính phái, hoặc chi, nhánh của các dòng họ. Có những làng, có bao nhiêu dòng họ, chi phái thì có bấy nhiêu từ đường. Thôn Hưng Thịnh - Hoàng Nam - Nghĩa Hưng với 30 họ, 34 nhà thờ; thôn Bách Tính - Nam Trực có 15 nhà thờ họ; làng Hoành Nha xã Giao Tiến, huyện Giao Thuỷ có 54 từ đường; Trà Lũ có 18 từ đường...).

Mặt khác, có một thực tế, do những điều kiện lịch sử, kinh tế xã hội cụ thể mà ở Nam Định càng đi về mạn Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, những làng có lịch sử khai phá từ khoảng vài trăm năm trở lại, những từ đường lại mọc lên nhiều hơn. Hẳn trong những điều kiện của một cư dân tiểu nông, mỗi lần phải rời quê hương bản quán đi khai khẩn vùng đất mới, ý thức về quê hương, tổ tiên, dòng họ lại có dịp  trỗi dậy.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com