Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) là nhân vật lịch sử vĩ đại, anh hùng dân tộc. Con đường từ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đến Đức Thánh Trần không chỉ diễn ra khi ông qua đời mà ngay từ lúc sinh thời.
Trong lòng nhân dân Nam Định, hơn 7 thế kỷ qua, Hưng Đạo Đại Vương đã trở thành Đức Thánh Trần - Đức Thánh Cha trong Việt điện.
Trong Việt điện của Việt Nam, không phải chỉ có duy nhất Hưng Đạo Vương là anh hùng dân tộc, là nhân vật lịch sử được thánh hoá. Nhưng hẳn không có một vị thánh nào trong số đó, suốt dặm dài lịch sử văn hoá dân tộc lại được nhiều nơi thờ như vậy.
Nghi lễ dâng hương tại Đền Trần (TP Nam Định). |
Cùng với thời gian, số lượng các nơi thờ Đức Thánh Trần cũng tăng lên. Chẳng hạn, theo điều tra năm 1937, chủ yếu là do khai báo của chức dịch hương lão các làng xã, ở Nam Định có 55 địa điểm thờ Đức Thánh Trần (có đền, miếu, đình, chùa), còn theo thống kê năm 1974 của Bảo tàng tỉnh, trên địa bàn Nam Định có 166 địa điểm (đền, điện, phủ, miếu, đình, chùa) thờ Đức Thánh Trần. Ngoài 2 địa điểm thờ chính là: Đền Bảo Lộc xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc - Hưng Đạo Vương được thờ cùng với Thân Phụ là An Sinh Vương Trần Liễũ; Đền Cố Trạch, xã Lộc Vượng, Mỹ Lộc, Đức Thánh Trần bên miếu "Trần triều liệt vị"- 14 vị vua triều Trần, các địa điểm khác là "thờ vọng" hoặc "rước chân nhang".
Trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt, không phải chỉ thờ Đức Thánh Trần mới có hiện tượng "thờ vọng" hay "rước chân nhang". Nhiều vị thần hoàng làng đã được những người dân đi khai hoang mở đất lập làng thờ vọng ở quê hương mới, nhiều vị thần trấn giữ những bến tuần, cửa sông, cửa biển, được những người dân đi đánh cá, đi buôn... rước bát hương, hay thờ vọng cầu mong được phù hộ cho những chuyến đi, cho nghề nghiệp của mình... Nhưng hẳn không có vị thần nào được thờ vọng, rước chân nhang về thờ nhiều như với Đức Thánh Trần.
Theo: Địa chí Nam Định