Thức uống truyền thống Nam Định

03:03, 20/03/2013

*Nguồn "nước ăn" truyền thống  phổ biến ở Nam Định là nước ao, nước giếng đất, nước mưa.

Một tập quán lâu đời của cư dân là uống nước lã, nước vối, nước chè xanh.

+ Vối: là sản vật của  Nam Định. Vối thường mọc hoặc trồng ở vườn, hay bờ ao ở khắp các làng. Nhưng nổi tiếng hơn là vối nếp từ Hải Hậu, lá như lá cây roi, cây to, có thể dùng được cả lá và nụ vối để nấu nước uống. Lá vối được ủ kỹ, rửa sạch, đem phơi khô giòn, để càng lâu thì uống nước càng ngon và mát. Nụ vối thì quí hơn, thường chọn nụ vối nhỏ hạt nước ngọt đậm, nụ vối to hạt là khi nụ đã gần nở ra bông, uống không đậm đà. Nước vối thường uống nóng mới ngon. Nước vối có tác dụng điều hoà thân nhiệt và chống mất ngủ. Uống nước nấu bằng nụ vối hàng ngày còn là phương thức chữa bệnh đại tràng.

Dầu hiện nay vối không còn là thứ nước uống phổ biến như xưa, nhưng nhiều gia đình nông thôn vẫn dùng hàng ngày, nhiều gia đình khá giả coi thưởng thức nước vối là "sành điệu". Chợ Đồng Xuân Hà Nội từ xưa đến nay vẫn không thể thiếu được quầy chuyên bán nụ vối Hải Hậu.

+ Chè xanh: Bên cạnh nước vối, người Nam Định ưa thích nước chè xanh.

Ở gia đình bậc trung ở nông thôn Nam Định trước đây trong mảnh vườn thường có dăm ba cây chè (nhà khá giả có hàng chục hoặc hẳn vườn chè) để nấu nước chè tươi. Chè chỉ lấy lá, cho vào ấm nấu chín hoặc chỉ om với nước sôi. Có nơi bát nước chè tươi còn cho thêm chút mật mía để tăng sức.

Trong ca dao Nam Định, có những câu nhắc đến nước chè, nghề đi buôn chè phục vụ cho nhu cầu uống nước chè xanh.

"Khách về khách vẫn hỏi thăm
Nước chè cầu Ngói, tơ tằm chợ Lương"

*

"Em đi sắm sọt buôn chè
Để anh buôn ấm ngồi kề một bên
Chè ngon nấu với ấm bền
Chè thì một tiền, ấm lại sáu mươi".

Bên cạnh chè xanh, ở nhiều vùng ven biển còn uống nước hoa hoè. Hoa và thân cây hoè được sao (hay phơi khô) rồi pha với nước sôi.

Ngoài chè tươi, người Nam Định cũng dùng trà và quen gọi là "trà Tàu". (Tú Xương hơn một lần nhắc tới "nghiền trà", "trà sen" là loaị trà này).

* Rượu : Hầu như không thiếu vắng trong mỗi xóm, làng, phường phố Nam Định. Trong trí nhớ, tuyên truyền dân gian, có thể kể ra một vài thứ rượu được thừa nhận:

+ Rượu Hàu

 Làng Hàu thuộc xã Liên Minh, huyện Vụ Bản có tục thi rượu ngon vào dịp tế xuân. Người ta bày mười chiếc đĩa theo hàng dọc trên bàn rượu nhà ai rót vào đĩa nhà ấy. Một người cầm que lửa giơ cách những chiếc đĩa đó 10 phân, đĩa rượu nhà ai cháy thì được thưởng. Nếu nhiều đĩa rượu cùng cháy thì đĩa nhà nào có ngọn lửa cao hơn, xanh hơn cháy chóng hơn thì được giải cao. Loại rượu này không uống được như rượu khác. Mỗi mâm người ta chỉ rót một chén, thực khách cầm tăm chấm vào rượu rồi mút, nhưng thế cũng có người say. Gọi đó là rượu tăm.

 + Rượu Kiên Lao

Kiên Lao nay thuộc xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, có nghề nấu rượu ngon nổi tiếng. Cũng như các loại rượu ngon của vùng Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ,... đều nấu bằng gạo nếp. Tuy nhiên, cũng là men, là nếp đầu râu, nếp cái... ấy nhưng thiếu nguồn nước của chính Kiên Lao thì cũng không ngon được.

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com