Trong tập quán phổ biến của người Việt nói chung và người Nam Định nói riêng không thể thiếu được tập quán ăn trầu.
Những "miếng trầu là đầu câu chuyện", Những"miếng trầu vàng", "trầu tính trầu tình", "khăn trầu", "trầu buộc khăn trắng", "trầu yếm trầu khăn", "Túi hoa mời trầu", "trầu cay", "miếng trầu nhân ngãi"... đầy ắp trong dân ca, ca dao, của cư dân Bắc Bộ cũng có số lượng và mật độ cao trong ngôn ngữ của cư dân Nam Định.
Khung cảnh quen thuộc trong khuôn viên nhà ở của cư dân Nam Định xưa là dây trầu hay dàn trầu bên bể nước, nhất là vùng chiêm trũng Ý Yên, Vụ Bản (nơi dùng nước mưa dự trữ ở bể để nấu trở thành tập quán do nước ao, nước giếng thường có độ chua cao)
Hầu như chợ, quán nào của Nam Định cũng có hàng trầu cau, vỏ, vôi - những thành phần không thiếu được để hợp thành một miếng trầu: từ "hàng Trầu, hàng mật, hàng vôi, thuốc lào, bánh kẹo lại ngồi với nhau" trong chợ làng Trà Lũ, đến một đường "hàng cau.. tưng bừng" của Thành phố Nam Định. Những phiên chợ bán cau rộ nhất vào dịp mùa thu. Người ta tranh thủ mua vào dịp này về bổ ra, phơi khô cất ăn dần.
Ảnh minh họa/Internet. |
Trong phong tục, hương ước của làng xã Nam Định trước thế kỷ XIX, trầu cau không thể thiếu được trong các dịp lễ, tết, hội hè, cưới xin, tang ma, trong mọi vui buồn của mọi tầng lớp cư dân.
Trong các hương ước cải lương của các làng xã Bắc Bộ nói chung, Nam Định nói riêng, dù đã giản ước đi nhiều đồ cúng tế, những quy định xưa, nhưng không thể bỏ đi những "biện lễ trầu, rượu".
Ngay trong việc phạt vạ của làng cũng không thể thiếu trầu cau "chẳng hạn" người nào phạm lỗi về đình thì ông Tiên chỉ có quyền phạt vạ từ 10 đến 100 khẩu trầu hoặc 1 chai rượu" (tờ khai việc phụng sự thành hoàng làng Đăng Xuyên- Ý Yên).
Cũng là "miếng trầu là đầu câu chuyện" hay những câu "mời nhau ăn một miếng trầu", dẫu bình dân như miếng trầu với miếng cau non cuối hạ, lá trầu ngắt vội bên giàn đầu nhà,hay miếng trầu "têm cánh phựơng" sắc sảo, quý phái trong dịp khao vọng, hội hè như mọi vùng quê khác, thế nhưng trong khúc hát chèo mời trầu:
"Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta... "
*
"... Gặp đây ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng..."
Cái duyên dáng, trữ tình của người Nam Định quê chèo, miếng trầu như cảm thấy đằm, say hơn.
* Hút thuốc lào
Trong tục ngữ ca dao người Nam Định, bên cạnh những câu phổ biến về tập quán hút thuốc lào, kiểu: "nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên" còn có những câu riêng về, chẳng hạn:
"Tiền thì trong túi rỗng không,
Muốn ăn thuốc Ngữ ba đồng một hoa"
*
"Điếu này mua ở tỉnh Đông
Em nay là gái má hồng tỉnh Nam
Đồn vui em mới đi làm
May sao lại gặp được chàng ở đây
Mời chàng xơi điếu thuốc này
Ăn rồi tỉnh tỉnh say say mặc lòng
Hai tay bưng điếu chín rồng
Mời chàng xơi thuốc về phòng kẻo khuya"
Từ rất sớm, vùng hạ Nam Định đã là một trung tâm trồng thuốc lào. Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép: "Nam Chân, Chân Định hoả dược" (hai huyện Nam Chân và Chân Định trồng thuốc lào). Thuốc lào Bách Tính - Nam Chân nổi tiếng, và hút thuốc Bách Tính trở thành một "tiêu chuẩn " để đánh giá mức độ sành điệu trong thưởng thức, chẳng thế mà trong văn học hơn một lần nhăc đến loại thuốc này: "thuốc Bách Tính đóm diêm, điếu ống, thông mồi này, đặt mồi khác, văn được như thuốc ắt hẳn hơi dài"...(Lạc đệ phú - khuyết danh) hay "Hết thuốc Nam Chân, thời cau Đông Hải, trà Chính Thái... (Tống thần cùng phú - Quan nghè Thụ Ích)
Vào đầu thế kỷ XX, diện tích trồng thuốc lào của Nam Trực ước khoảng 50 mẫu. Ngày nay, diện tích thuốc lào ở Bách Tính đã thu hẹp lại nhiều do bị điều tiết thất thường của kinh tế thị trường và bị chia xẻ với thuốc lá các loại.
Theo: Địa chí Nam Định