Trong gần hai thập kỷ qua, cũng như nhiều vùng trung tâm của người Việt, người Nam Định đã có những thay đổi so với tập quán ăn uống cổ truyền.
Nguồn lượng thực, thực phẩm ngày một dồi dào, phong phú. Sản lượng lương thực quy ra thóc của đủ đảm bảo an toàn lương thực, có dự trữ, phát triển chăn nuôi. Bữa cơm ăn độn ngô, khoai lang, khoai nước đã hầu như không còn.
Các sản phẩm của thịt, sữa đã tham gia ngày một nhiều hơn vào cơ cấu bữa ăn. Dẫu vẫn là công thức cơm- rau- cá. Nhiều thực phẩm có nguồn gốc động vật trước đây được coi là quý, hiếm, thường chỉ sử dụng trong các dịp lễ tết, thường được chế biến thành thức ăn ăn mặn để ăn dè trong bữa ăn thường ngày... nay đã trở nên thông dụng hơn trong các bữa ăn.
Những phụ gia mới xuất hiện trong cách thức chế biến thức ăn: các loại nước mắm lít, mắm chai giá cả vưà phải, các loại mắm cáy, mắm cá còn ít người làm, mỳ chính, bột ngọt các loại hầu như phổ cập trong các cách chế biển thức ăn.
Nhiều chất liệu mới, dụng cụ chế biến thức ăn đã đan xen hoặc thay thế dụng cụ và chất liệu cũ. Trong nông thôn, đồ đun bằng rơm rạ lá tre ít dần, thay thế bằng than (các loại: quả bàng, tổ ong), theo đó nhiều loại bếp xuất hiện: kiềng, lò... Hầu như không còn gặp những mâm tre, mâm gỗ, môi thìa bằng gáo dừa trong các gia đình nông thôn. Thay vào đó là các loại mâm, môi, thìa nhôm hay inoc. Đồ nhựa, đồ nhôm thay thế các dụng cụ bằng tre đan trước đây như rổ, rá, đồ sơn (đũa sơn, mâm sơn cũng không còn dùng ở các gia đình khá giả hay các bữa tiệc, bữa cỗ). Không ít gia đình có bộ bàn ghế ăn riêng, gian, phòng ăn riêng.
Tục "uống nước lã, nước mưa" đã hầu như mất đi. Nhiều vùng nông thôn, hệ thống giếng khơi, nước sạch đã thay thế hoàn toàn thói quen sử dụng nước ao, nước giếng đất. Nước vối, nước chè chủ yếu còn lại ở địa bàn nông thôn và ít dần so với nước chè chế biến khô các loại. Trong khi đó ở nhiều gia đình thành phố, cán bộ, người cao tuổi, nước chè xanh, nước vối, nước hoa hoè, nhân trần... lại trở thành "sành điệu" hoặc dùng để tiêu nhiệt, chữa bệnh. Các loại nước sạch đóng chai, nước khoáng ngày một nhiều hơn trong sinh hoạt ở các công sở.
Rượu dân gian vẫn chiếm lĩnh địa bàn nông thôn, nhưng bia hơi, bia chai các loại phổ biến hơn trong sinh hoạt, quán xá, nhất là trong các sinh hoạt của lớp thanh, trung niên.
Trầu cau vẫn không thể thiếu được trong các dịp lễ tết, hội hè, giỗ chạp, cưới xin, tang ma của cư dân Nam Định, vẫn là sở thích của các cụ bà 60, 70 tuổi. Nhưng trong sinh hoạt thường ngày, trầu ít dược sử dụng hơn, nhất là với lớp trung và thanh niên dù là nữ giới. Và, tiếng rít khoan khoái của các loại điếu cày, điếu bát vẫn vang đều ở các xóm làng, các quán xá đất Thành Nam, nhưng thuốc lá các loại phổ biến trong sinh hoạt của thanh niên, trung niên, trong các lễ tết, hội hè.
Cấu trúc gia đình hạt nhân với 4 - 5 người (cha mẹ và con cái chưa đến tuổi trưởng thành) chiếm ưu thế không chỉ ở đô thị mà cả nông thôn, rồi biến đổi phân công lao động, người phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động sản xuất và xã hội... nam giới đã tham gia nhiều hơn vào việc lo liệu cho bữa ăn gia đình. Trong bữa ăn gia đình sự phân biệt mâm trên, mâm dưới đã giảm nhiều, thậm chí không còn trong các gia đình trẻ.
Trong các bữa ăn cộng đồng những sắp xếp "trên", "dưới" theo tuổi tác, chức vụ, vai vế trong họ hàng vẫn được duy trì, song không mang theo ý nghĩa "to" hay "nhỏ " qua món ăn như xưa.
Theo: Địa chí Nam Định