Nhà thơ Đoàn Văn Cừ với quê hương và cách mạng

09:03, 22/03/2013

Nhắc tới nhà thơ Đoàn Văn Cừ, người ta thường nhớ ngay đến những bài thơ thấm đẫm hồn quê, tình quê: “Đám hội”, “Chợ Tết”, “Trăng hè”, “Đường về quê mẹ”… Ông được bạn đọc, đồng nghiệp cũng như các nhà phê bình văn học tôn vinh là “người lưu giữ hồn quê”, “người vẽ bức tranh quê”. Từ tập thơ “Thôn ca” xuất bản năm 1944 đến những tập thơ sau này, ông đều viết về nông thôn với tình yêu đất nước, con người hồn hậu, chân thành. Làng quê trong thơ ông là những hình ảnh đời thường quen thuộc, những người dân quê thuần phác, lam lũ, những thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa được lưu giữ qua bao thế hệ, tất cả đều hiện lên sống động và đầy đủ. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng “Thơ Đoàn Văn Cừ có thể góp vào việc nghiên cứu nông thôn với tư cách là những tư liệu tin cậy”. Còn nhà phê bình Hoài Thanh cũng không quá lời khi ca ngợi “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”. Những bức tranh quê đầy ắp màu sắc, ánh sáng và âm thanh khiến những ai từng đọc thơ ông đều rưng rưng một nỗi nhớ làng quê. Đây là cảnh một đêm trăng hè: “Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa/Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ/Bóng cây lơi lả bên hàng dậu/Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ/Ông lão nằm chơi ở giữa sân/Tàu cau lấp lánh ánh trăng ngân/Thằng cu đứng vịn bên thành chõng/Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân”. Những cảnh sinh hoạt thường ngày song dưới con mắt và cảm xúc thi nhân bỗng trở nên có hồn, có tình hơn bao giờ hết: “Bên giếng dăm cô gái xứ quê/Từng đàn vui vẻ rủ nhau về/Trên vai nặng trĩu đôi thùng nước/Kĩu kịt đi vào lối cổng tre”. Còn đây là hình ảnh của chính nhà thơ thời thơ ấu được tắm mình giữa thiên nhiên quê mẹ mộc mạc, thuần khiết: “U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân/Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần/Lại dẫn chúng tôi về nhận họ/Nơi miền quê ngoại của hai thân/Tôi nhớ đi qua những rặng đề/Những dòng sông trắng lượn quanh đê/Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp/Người xới cà ngô rộn bốn bề”. Đặc biệt là bài thơ “Chợ Tết” chỉ với 23 câu thơ đã khiến cho tác giả “Thi nhân Việt Nam” phải thốt lên: “Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng”…

Đoàn Văn Cừ còn là một nhà thơ cách mạng, luôn tâm nguyện làm con tằm rút ruột nhả tơ trả ân nghĩa cuộc đời: “Trang thơ góp một đường cày/Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa”. Ngay từ những năm 1936-1937, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã tham gia phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi Nam Định chống bọn chủ ngược đãi, đàn áp thợ thuyền Việt Nam; đòi tăng lương và thực hiện chế độ làm việc 8 tiếng một ngày. Trong những ngày tháng “ba cùng” với công nhân, ông đã dịch 8 điều yêu sách của công nhân sang tiếng Pháp để gửi cho phái đoàn Mặt trận bình dân Pháp. Cách mạng Tháng Tám thành công, Đoàn Văn Cừ được bầu là đại biểu HĐND tỉnh khóa đầu tiên (1946-1948). Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, viết bài cho công tác bình dân học vụ, soạn thảo cuốn tập đọc đầu tiên của Nha bình dân học vụ. Tháng 5-1948, sau 10 năm dạy học, Đoàn Văn Cừ hăng hái nhập ngũ, là chiến sỹ của Trung đoàn 34, rồi được điều về ban địch vận Bộ Tư lệnh Quân khu 3 làm công tác phiên dịch, tuyên huấn. Thời gian này, những bài thơ địch vận lời lẽ mộc mạc, chân tình của ông đã khiến nhiều binh lính người Việt trong quân đội của giặc Pháp vác súng ra hàng, đi theo cách mạng: “Thịt da thương lấy thịt da/Việt Nam sau nữa cũng là Việt Nam/Mau mau nghĩ lại kẻo nhầm/Trở về kháng chiến góp phần vinh quang”. Trước thực tế bộ đội ta do không biết tiếng Âu - Phi, khi giặc xin hàng vẫn cứ xông lên tiêu diệt dẫn đến những tổn thất lớn lao, Đoàn Văn Cừ viết bài thơ “Khẩu hiệu”: “Hô lê manh! Có nghĩa là/Giơ tay lên! Để sang ta đầu hàng/Muốn giặc hạ súng nộp thân/Áp ta te, thét vang rần anh ơi/Nếu ta thét: Đê pha ga!/Hiểu: ta không giết! hàng ta dễ dàng”. Nhờ mấy câu thơ lục bát dễ hiểu dễ nhớ này, chúng ta đã làm tốt công tác địch vận. Trong chiến dịch Quang Trung, tại mặt trận Hà Nam Ninh, bài thơ đã được bộ đội ta đọc thuộc lòng trước khi ra trận. Bên cạnh đó, sáng tác của Đoàn Văn Cừ còn tập trung phản ánh cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của quân dân ta. Ông viết ca dao kháng chiến, những bài vè tuyên truyền đánh giặc và cả một tập phóng sự “Quân dân Nam Định anh hùng chiến đấu” (1953). Thơ ông thời kỳ này mang đậm khí chất hùng hồn cách mạng với những hình tượng thơ khỏe khoắn rắn rỏi, tiêu biểu như các bài: “Hồn dân tộc”, “Con đò căm giặc”, “Lá thư xuân”, “Làng tôi chống giặc”… Ông viết về những chiến sỹ du kích: “Lửa căm hờn sôi cháy các lòng trai/Máu anh dũng dâng trào như sóng vỗ/Gươm giáo tuốt sáng ngời trong túp cỏ”; về khí thế oai hùng, mãnh liệt của quân cách mạng; về người lái đò gan dạ, dũng cảm bất chấp bom đạn kẻ thù: “Đêm nào anh cũng xung phong/Chở đoàn bộ đội sang sông phá càn”. Bài thơ “Làng tôi chống giặc” đã nói được tinh thần tất cả cho kháng chiến, toàn dân kháng chiến ở mọi làng quê Việt Nam lúc đó: “Hố chông đặt khắp xa gần/Mìn bom lựu đạn gài ngầm mọi nơi/Sau tường bên lỗ châu mai/Súng trường quyết chẳng bắn sai tên nào”. Thơ ông cũng thể hiện tình cảm kính yêu, biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người trực tiếp lãnh đạo và đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Trong bài thơ “Muôn thuở ơn Người”, ông viết: “Người là sức mạnh giống nòi/Chặn đường đế quốc, xóa đời lầm than/Thoát đời trâu ngựa tối tăm/Bao người bưng bát cơm ăn ơn Người”.

Hòa bình lập lại, nhà thơ Đoàn Văn Cừ về nhận công tác biên tập tại NXB Phổ thông. Ông tiếp tục sáng tác về sự đổi mới ở nông thôn. Mỗi bài thơ của ông là một bức tranh đời sinh động, phản ánh chân thực những đổi thay trên quê hương, đất nước: “Xuân xưa và nay”, “Xuân quê bà”, “Đường về phố huyện”, “Nam Hùng quê tôi”, “Tiếng hát quê ta”. Nhiều câu thơ dường như không nén nổi cảm xúc vui sướng tự hào: “Quê ta lúa ngập bãi đồi/Tơ vàng gạo trắng dựng đời ấm no”. Trong những năm tháng chống Mỹ, nhà thơ làm thơ gửi bạn văn nghệ sỹ miền Nam đang chiến đấu, động viên con cháu lên đường, khẳng định niềm tin vào thắng lợi tất yếu của dân tộc: “Nam Bắc ngày mai chung bầu trời đỏ/Tung bồ câu lên đỗ cánh trăng sao”.

Hơn 60 năm cầm bút, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã để lại cho chúng ta 9 tập thơ, văn. Nhiều bài thơ của ông được dịch ra tiếng nước ngoài, có mặt trong các bộ tuyển tập lớn, trong sách giáo khoa. Ông đã sống và viết như ông từng tâm niệm: “Áo nâu thờ đại nghĩa/Tim đỏ khắc chữ Tâm/Văn chương nghĩa Đảng tình dân/Thơ xuân vọng mãi hồn xuân chẳng già”. Với những đóng góp, cống hiến cho thơ, cho cách mạng, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã được tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp đoàn kết dân tộc, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt I năm 2001) cho “Tuyển tập Đoàn Văn Cừ”./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com