"Nhà thơ Việt Nam hiện đại Nam Định" - công trình biên soạn - tuyển chọn 42 nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam quê Nam Định đã ra mắt bạn đọc. Trang bìa cuốn sách trân trọng in dòng tiêu đề "Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (1262-2012)", nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý IV-2012, một ký thác tâm thành của những người làm sách tri ân vùng quê văn hiến khai sinh, nuôi dưỡng nhiều tài năng văn chương đất nước.
Đây cũng là dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2012), công trình mang tính "biên niên", cập nhật sự phát triển đội ngũ những người đa mang duyên nợ thi ca. Nhớ thuở ban đầu, các nhà văn Nam Định dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam tháng 4-1957 và gia nhập Hội năm 1957 là 19 người. Trải qua hơn nửa thế kỷ dấn thân, nhập cuộc trong dòng văn học chủ lưu, đến nay, số hội viên miền quê non Côi sông Vị đã tăng gấp 5 lần, chiếm 1/10 tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những người biên soạn đã chọn 42 cây bút "ưu trội - chuyên sâu" đưa vào tuyển tập. Cùng với các chùm thơ tuyển mang phong cách sáng tạo của từng người, sách còn in ảnh, tiểu sử tóm tắt và bài viết về từng nhà thơ quê hương. Các bài viết này, có bài đã là một chân dung thơ tương đối hoàn chỉnh, có bài mới chỉ là những chấm phá, điểm xuyết, gợi mở trao đổi về một cây bút, một đời văn.
Tuyển tập "Nhà thơ Việt Nam hiện đại Nam Định" hội tụ 5 thế hệ cầm bút. Thế hệ thứ nhất xuất hiện trước cách mạng - các tác giả Trần Huy Liệu, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Xuân Huy, Văn Cao... những cây bút hàng đầu trên văn đàn đất nước. Nhà thơ Trần Huy Liệu với bài thơ "Tự trào" sáng tác năm 1918 tại Nam Định, khởi đầu một hành trình xuyên Việt, viết báo làm thơ khích lệ lòng yêu nước. Thơ Trần Huy Liệu cùng với các sáng tác của các chiến sỹ cách mạng Tống Văn Trân, Sóng Hồng, Nguyễn Văn Hoan, Lê Đức Thọ, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Phạm Đình Cấu, Đặng Xuân Thiều, Vũ Ân, Đặng Việt Châu, Chu Hà, Nguyễn Văn Từ thuộc về dòng "Văn học yêu nước cách mạng", Tủ sách Quê hương Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh sưu tầm, biên soạn, xuất bản năm 1986. Thơ trở thành vũ khí chiến đấu trực diện trên mặt trận văn hoá tư tưởng chống chế độ thực dân phong kiến, hừng hực tinh thần yêu nước, sáng chói niềm tin, hướng tới ngọn cờ của Đảng quang vinh đến ngày cách mạng thành công.
Thế hệ thứ nhất hiện diện lớp "thi nhân tiền chiến": Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Nguyên Hồng, Văn Cao. Trên văn đàn công khai những năm ba mươi thế kỷ vừa qua, các nhà thơ Nam Định đã góp công vào công cuộc cách tân thi ca "Phong trào Thơ Mới, 1932-1945" thành công rực rỡ. Người yêu thơ cảm nhận phong vị quê hương Nam Định, nét đẹp thuần phong mỹ tục bao đời, cảnh quê, tình quê, hồn xưa đất nước nơi "Mưa xuân", "Xuân về", "Chờ nhau"... (Nguyễn Bính), "Chợ Tết", "Đám hội", "Đường về quê mẹ"... (Đoàn Văn Cừ)... người xa quê ở chân trời nào cũng tha thiết nhớ về. Chúng ta cũng gặp ở đây những bi thương, ly tán thuở nước mất nhà tan: "Những bóng người trên sân ga" (Nguyễn Bính), "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc" (Văn Cao)... thơ đọc lại, càng thêm trân trọng cuộc sống hôm nay.
Tiếp nối là thế hệ các nhà thơ trong kháng chiến chống Pháp: Trần Dần, Vũ Cao, Bùi Hạnh Cẩn, Trần Lê Văn, Hải Như, Vũ Ngọc Bình, Ngũ Liên Tùng. Họ lên đường từ ngày khởi nghĩa, giành chính quyền, người trở thành anh bộ đội cụ Hồ tham gia các chiến dịch; người làm báo, làm cán bộ diệt dốt, cứu đói. Người ta thấy các "thi nhân tiền chiến" nhập cuộc mau lẹ. Ở Hà Nội, Văn Cao sáng tác "Tiến quân ca" trước ngày Tổng khởi nghĩa, tác phẩm để đời của ông thành bản "Quốc ca" thiêng liêng hùng tráng của đất nước Việt Nam trăm quý ngàn yêu. Ở Nam Bộ, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến, từ chiến khu Đồng Tháp Mười viết "Thư gửi về Cha", viết ca từ "Tiểu đoàn 307" oai hùng, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, bộ đội hát vang trước giờ xuất trận. Ở chiến khu Việt Bắc, Trần Dần, Hải Như viết báo, làm thơ kháng chiến. Trần Lê Văn, Đoàn Văn Cừ ở Liên khu Ba làm thơ "địch vận", thơ ca ngợi nghĩa tình quân dân thắm thiết trong khi Vũ Cao vượt mây sương Yên Tử, hành quân qua "Đèo Trúc", về khu du kích xứ Đoài... Thơ chống Pháp đổi mới về chất, nhiều bài bộ đội thuộc, dân truyền tay... được nối dài với "Núi Đôi" của Vũ Cao, "Đây Việt Bắc!", "Cổng tỉnh" của Trần Dần, "Cửu Long Giang ta ơi!" của Nguyên Hồng, "Những người trên cửa biển" của Văn Cao... tạo đà cho thơ chống Mỹ, thơ đấu tranh thống nhất đất nước tiếp nối hành trình.
Thế hệ chống Mỹ với "Sức mới" tươi trẻ, những giọng điệu tin yêu mang đến cho thơ diện mạo mới. Những cây bút làm thơ khi đang là sinh viên: Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc, Phạm Đình Ân. Hoàng Trung Thuỷ, Đặng Hiển, Đỗ Phú Nhuận đến với thơ từ những ngày đầu bước lên bục giảng. Thanh Tùng rồi Đào Vĩnh trình làng những sáng tác thơ lấy cảm hứng "như lửa cháy khát khao" nơi xưởng thợ, giữa công trường xây dựng. Người làm thơ khi đang là phóng viên tuyến lửa Quảng Bình là nhà báo Trần Mạnh Thường. Một người vượt khó, tập viết bằng chân qua "những năm tháng không quên", tốt nghiệp đại học, chuyên tâm dạy học và sáng tác cho thiếu nhi, đó là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Hai cây bút "thân gái dặm trường" đội mũ tai bèo vượt Trường Sơn đến miền phụ cận Sài Gòn làm cán bộ Phụ vận là Hà Phương, làm giáo viên vùng giải phóng B3 là Đặng Nguyệt Anh. Những cây bút mặc áo lính có mặt ở các binh trạm, các chiến trường B, C... đến chiến dịch Hồ Chí Minh ngày toàn thắng: Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Trần Quốc Thực, Trần Mạnh Hảo, Phạm Thái Quỳnh, Phạm Trường Thi, Phạm Công Trứ, Phạm Trọng Thanh. Một cây bút trẻ nhiều triển vọng thế hệ chống Mỹ thành liệt sỹ trước ngày Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định công nhận hội viên là Vũ Đình Văn. Anh quê gốc thôn Tự An, xã Đại Thắng (Vụ Bản), tình nguyện nhập ngũ khi đang là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhà thơ Vũ Đình Văn hy sinh khi làm nhiệm vụ trực chiến tại đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội, ngày 27-12-1972 những giờ phút cuối chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trên không, quân và dân Hà Nội đánh bại lũ pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ.
Thơ chống Mỹ được bổ sung và khẳng định thêm sức mạnh nhân nghĩa, tư tưởng và đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng tôn kính của nhân dân đối với lãnh tụ trong các bài thơ viết về Bác Hồ của nhà thơ Hải Như khởi đầu từ "Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi...". Thơ chống Mỹ được "gia cố" thêm các sáng tác đả kích "Năm đời Tổng thống" của nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn (bút danh Lê Xung Kích) để sau đó "trận địa mới" được chuyển giao sang Ngũ Liên Tùng "người thúc trống quê" với những bài thơ trào phúng chống tiêu cực khá chắc tay. Cùng với các tập thơ trữ tình, sự nở rộ của thể loại trường ca viết về Đất nước, Nhân dân và Quân đội Nhân dân anh hùng xuất hiện giai đoạn cuối của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước: "Trường ca Sư đoàn" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu; "Đất nước hình tia chớp", "Mặt trời trong lòng đất" của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, "Lời chào" của nhà thơ Trần Mạnh Thường... những tác phẩm hoành tráng, mang âm hưởng anh hùng ca về đích thành công.
Thế hệ những cây bút xuất hiện sau ngày đất nước thống nhất: Đỗ Bạch Mai, Lê Trung Nguyệt, Lê Văn Thiềng, Vũ Thị Khương, Nguyễn Bính Hồng Cầu, mỗi người một vẻ, tinh tế, đáng yêu.
Những cây bút xuất hiện sau đổi mới: Hữu Việt, Đoàn Mạnh Phương nhanh chóng khẳng định bút lực bằng giải thưởng Hội Nhà văn, giải thưởng báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội. Họ trong số những cây bút sung sức, còn bao nhiêu hứa hẹn phía trước.
Năm thế hệ cầm bút nối tiếp làm nên diện mạo thơ Nam Định. "Không ồn ào về khuynh hướng, không luyến láy với trào lưu, thơ Nam Định vẫn "ám thị" trên hai dòng chảy bập bềnh truyền thống và sóng sánh cách tân. Điển hình cho dòng truyền thống từ Nguyễn Bính, Vũ Cao đến Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Phạm Trọng Thanh, Đặng Nguyệt Anh... Điển hình cho dòng cách tân có Trần Dần, Văn Cao đến các thế hệ hậu sinh khả dĩ Trần Quốc Thực, Đoàn Mạnh Phương..." (Trích "Nam Định - đất thi nhân", nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch - Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam chấp bút).
Chiến tranh vệ quốc, lao động dựng xây, bảo vệ Tổ quốc sinh trưởng các anh hùng, các nhà khoa học, các nhà thơ. Đồng hành cùng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, trong xây dựng hoà bình và đổi mới, thơ sáng ngời phẩm chất công dân - chiến sỹ, phẩm cách nhân văn cao đẹp, được bạn đọc tin yêu, thơ trở thành tài sản tinh thần cao quý.
Cảm ơn các nhà thơ mang vinh quang về cho quê hương. Bốn vị lão làng: Trần Huy Liệu, Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Bính nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Sáu nhà thơ nhận Giải thưởng Nhà nước: Vũ Cao, Đoàn Văn Cừ, Trần Dần, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nhận Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2001...
Ghi nhận hành trình lao động sáng tạo trên nửa thế kỷ của 42 nhà thơ, năm thế hệ, công trình "Nhà thơ Việt Nam hiện đại Nam Định" dâng tặng quê hương trước thềm xuân mới, hứa hẹn những mùa thi ca thơm hương sắc mới, xứng với đất quê nghìn năm văn hiến, với đất học - đất thi nhân biết mấy tự hào.
Thành phố Nam Định, 31-12-2012
Phạm Trọng Thanh