Giữa lúc nhân dân trong tỉnh đang hăng hái lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ hai thì chiến tranh biên giới xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân toàn tỉnh.
Khi chiến tranh biên giới xảy ra, trong khí thế sục sôi của cả nước, tỉnh ta đã kịp thời điều động 2 trung đoàn bộ đội địa phương lên biên giới phía Bắc tham gia chiến đấu. Hàng vạn thanh niên viết đơn tình nguyện ra mặt trận. Các lực lượng dân quân, tự vệ, thanh niên trong các trường học được tăng cường tập luyện quân sự, các ngành các giới thực hiện nếp sống quân sự hoá. Tỉnh thành lập một sư đoàn quân dự nhiệm sẵn sàng phối hợp với bộ đội địa phương, tạo nên thế trận nhân dân vững chắc.
Các đợt tuyển quân đều vượt mức. Riêng năm 1978 số quân tăng 2,5 lần so với năm cao nhất thời kỳ chống Mỹ. Hàng năm, các kế hoạch, phương án an ninh quốc phòng đều được bổ sung hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình mới. Lực lượng vũ trang địa phương được huấn luyện tốt luôn thường trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.
Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã có bước chuyển biến tích cực. Lực lượng công an nhân dân luôn tăng cường giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan âm mưu của bọn phản động. Khi tình hình diễn biến phức tạp cũng là lúc phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc được tăng cường và đẩy mạnh. Trên 2 vạn tổ an ninh nhân dân, hàng trăm tổ bảo vệ cơ quan, xí nghiệp được xây dựng và huấn luyện, đã góp phần tích cực giữ gìn đoàn kết nội bộ, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, đẩy lùi những tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh sản xuất, công tác. Nhờ đó hoạt động của bọn phản động đã bị kiềm chế đến mức tối đa, tạo được sự chuyển biến mới trong sự nghiệp đấu tranh chống các loại phản cách mạng, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Sau việc hợp nhất hai tỉnh, một số huyện, thị xã và các tiểu khu của thành phố Nam Định đã sắp xếp lại. Từng bước thực hiện phân cấp quản lý kinh tế, xã hội cho cấp huyện, tạo điều kiện cho các ban, ngành trong khối chính quyền phát huy năng lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong giai đoạn này khá sôi nổi, phát huy được vai trò nòng cột trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, văn hoá, đời sống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đoàn thanh niên chú trọng giáo dục lý tưởng cộng sản cho đoàn viên thanh niên với nội dung tư tưởng "Tuổi trẻ với đất nước ", đã dấy lên khí thế cách mạng mới trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và sản xuất. Hàng ngàn đoàn viên thanh niên hăng hái tiến quân vào phong trào làm thuỷ lợi, làm phân bón, đảm nhiệm các vùng lúa cao sản đạt hiệu quả cao. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý được thực hiện góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, làm lợi cho nhà nước nhiều triệu đồng. Đoàn thanh niên đã kết hợp với nhà trường làm tốt công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng và chăm sóc con em các gia đình liệt sỹ, thương binh. Thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, hàng nghìn thanh niên đã tình nguyện xung phong ra mặt trận. Vì vậy các đợt giao quân ở các địa phương trong tỉnh đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Hội phụ nữ các cấp đã tích cực động viên chị em phát huy tinh thần "Ba đảm đang", hăng hái thi đua trong phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Hội viên Phụ nữ thực sự là lực lượng xung kích trong việc chăn nuôi, làm bèo hoa dâu, cấy và chăm sóc lúa, hoa màu đúng kỹ thuật. Đặc biệt là phát huy vai trò to lớn trong phong trào thi đua nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, xây dựng gia đình văn hoá mới. Hội nông dân tuy mới được thành lập nhưng đã nhanh chóng ổn định tổ chức, nội dung hoạt động của các cấp hội theo hướng tập trung động viên tinh thần lao động sản xuất cấy hết diện tích, chăm sóc lúa tốt và thu hoạch nhanh gọn.
Mặt trận Tổ quốc được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Thực hiện điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các xã, phường được thành lập, tăng cường nhiều cán bộ có kinh nghiệm làm công tác vận động quần chúng theo chỉ thị 19 của Tỉnh uỷ về việc thành lập tổ mặt trận trên địa bàn dân cư. Đến quý III năm 1978 toàn tỉnh đã có trên 26.000 tổ mặt trận. Do đó đã tăng cường được khối đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tạo nên các phong trào quần chúng sâu rộng trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu, giữ gìn an ninh thôn xóm. Mặt trận cơ sở trong tỉnh còn tích cực vận động nhân dân bán lương thực, thực phẩm và cho Nhà nước vay tiền, vay thóc để ủng hộ nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc. Kết quả đã vận động ủng hộ được trên 116.000 đồng, trên 86.300 kg lương thực cùng hàng ngàn đồ dùng học tập của học sinh, kịp thời chuyển lên các tỉnh biên giới giúp đồng bào đang lúc khó khăn. Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng về "Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng", Mặt trận các cấp đã tăng cường sự đoàn kết giữa đồng bào có đạo và đồng bào lương, xây dựng tình làng nghĩa xóm tốt đẹp trong vùng có đồng bào theo đạo Thiên Chúa.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]