Một số giá trị tiêu biểu của nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội

08:10, 06/10/2010

(Tiếp theo và hết)

... Phẩm chất thanh lịch - văn minh Thăng Long - Hà Nội

... "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An"

Tràng An là chỉ kinh đô Thăng Long - Hà Nội. "Thanh lịch" hàm nghĩa rộng của phong cách sống đẹp từ trong nhà ra xã hội, từ ăn nói, ăn mặc, ăn ở, ăn làm, ăn học, ăn chơi, đi đứng cho đến phép giao tiếp, ứng xử giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, môi trường. "Thanh" có nghĩa là thanh cao trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn; thanh liêm với của cải xã hội; thanh bạch - thanh đạm trong cuộc sống đời thường; thanh nhã trong cử chỉ, hành động. "Lịch" phải chăng là con người cần có sự lịch lãm, lịch thiệp trong giao tiếp, ứng xử; lịch duyệt - hiểu biết rộng. Nếu như "thanh" muốn có phải học hỏi, tu dưỡng rèn luyện, thì ở "lịch" lại do sự từng trải và kinh nghiệm sống đem đến. Có đủ "thanh lịch" mới trọn vẹn.

Chùa Trấn Quốc. (Nguồn: Internet)
Chùa Trấn Quốc. (Nguồn: Internet)

Thăng Long - Hà Nội là nơi tụ hội người dân của mọi miền Tổ quốc, là điểm đến và sinh cơ lập nghiệp của một số kiều dân nước ngoài. Đến kinh đô, họ mang theo tinh hoa quê hương đến góp cho Thăng Long - Hà Nội, nhưng cũng đồng thời mang theo tập quán quê cũ. Kinh đô Thăng Long - Hà Nội như cái sàng, sàng lọc, gom nhặt từ những cái đẹp nhỏ nhất của bốn phương để làm giàu cho mình, đồng thời cũng loại bỏ những gì không thích hợp để rồi ổn định, định hình, định tính, định vị cái thanh lịch cũng như tán phát văn hoá Thăng Long đi muôn nơi. Nét đặc trưng văn hoá Thăng Long là sự hoà hợp nếp sống giữa người dân Hà Thành với "người tứ chiếng", giữa "người đồng văn, đồng chủng" với người nước ngoài. Bên cạnh những nét riêng trong các yếu tố nhân chủng, thể chất, ngôn ngữ, người Hà Nội có một số tư chất, nội tâm, đường ăn nết ở tài hoa, thanh lịch, kiên cường. Cái tư chất người Hà Nội thời phong kiến là giữ được cái căn tính của nền văn minh lúa nước. Cái chất của người Hà Nội thời Pháp thuộc là tài hoa và khí phách cách mạng anh hùng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, người Hà Nội phát huy tinh thần năng động, sáng tạo đã được hun đúc qua chiều dài hàng ngàn năm lịch sử...

Ngạn ngữ có câu "ăn Bắc, mặc Kinh". Thăng Long - Hà Nội là kinh đô, đồng thời cũng tiêu biểu cho xứ Bắc. Ăn, mặc của người Thăng Long - Hà Nội cũng toát lên chất thanh lịch... Trong giao tiếp, ứng xử người Hà Nội không chỉ giữ gìn thuần phong mỹ tục mà còn tiếp thu tinh hoa văn minh, hiện đại bốn phương...

Gia đình là cái nôi nuôi lớn tâm hồn con người. Gia đình là tế bào quyết định chất lượng xã hội. Xây dựng và bảo toàn mái ấm gia đình là điều kiện cơ bản cho hôm nay và ngày mai đi lên của đất nước. Muốn thế phải giữ được "nếp nhà". Chữ "hiếu" không cổ hủ mà thích nghi với hoàn cảnh mới. Trong gia đình, người Thăng Long - Hà Nội coi trọng giữ gìn nền nếp, gia phong. Dạy bảo con cháu, người Thăng Long - Hà Nội lấy chữ "hiếu" với ông bà, cha mẹ làm đầu, chữ "hiền thảo" với dâu rể, chữ "thành đạt" với con cháu. Ông bà, cha mẹ lấy cái mẫu mực, làm gương cho con cháu noi theo. Cuộc sống phố phường sôi động, nhưng người Thăng Long - Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp của sinh hoạt tâm linh và cộng đồng đầy tính thiện như: hái lộc đầu xuân, đi lễ đền chùa cầu lành, cầu mát, cầu quốc thái, dân an, thắp hương thờ cúng tổ tiên, cúng giao thừa, năm mới xông đất chúc tụng nhau, đến Văn Miếu xin chữ Thánh hiền đầu xuân. Các cụ ông, các tài tử, văn nhân có cái thú uống trà, "nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng tính", "nuôi lan tích đức", dựng hòn non bộ, trồng cây cảnh để cân bằng phong thuỷ. Với môi trường thiên nhiên, môi trường đô thị, môi trường hội nhập kinh tế quốc tế, người Hà Nội đang xây dựng được nét ứng xử đẹp phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội hôm nay được xây dựng trên tổng hoà các giá trị văn hiến truyền thống và hiện đại. Nâng cao phẩm chất trí tuệ, tài năng, tâm hồn, tình cảm, lý tưởng và hành động mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại xứng tầm với thành phố nghìn năm tuổi là vinh dự và trách nhiệm của mỗi người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng./.

P.V
(Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo TW)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com