Thăng Long - Hà Nội, những chặng đường lịch sử

09:09, 27/09/2010

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn (1788-1802)

... Cuối năm 1788, Kinh đô và đất nước Đại Việt lại phải đương đầu với cuộc xâm lược của đế chế Mãn Thanh. Từ Phú Xuân (Huế), vua Quang Trung thống lĩnh đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc, giải phóng Thăng Long. Giặc tan, vua Quang Trung về đóng đô ở Huế. Thăng Long là thủ phủ của Bắc Thành. Hoàng thành Thăng Long vẫn được nhà Tây Sơn cho tu sửa, đắp lại những đoạn bị sụt đổ. Chùa Kim Liên (Nghi Tàm), chùa Tây Phương (Thạch Thất), tượng Tuyết Sơn và 18 vị La Hán được tu bổ, tôn tạo; nhiều chuông to, đẹp được đúc. Sau chiến thắng, vua Quang Trung ra lệnh cho quân sĩ và nhân dân thu gom xác giặc, chôn cất và sai lập đàn chẩn tế, tu sửa chùa Bộc làm nơi quy y cho quân sĩ nhà Thanh; ban Chiếu khuyến nông, khuyến khích nhân dân trở về quê cũ khai khẩn ruộng bỏ hoang, phục hồi sản xuất; ban Chiếu lập học khuyến khích các địa phương mở trường học. Lập Viện Sùng Chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên địa vị chính thức của quốc gia. Lịch sử triều đại Tây Sơn tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại những dấu ấn đậm nét trong trang sử Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng.

Thăng Long - Hà Nội thời  Nguyễn và Pháp thuộc (1802 - 1945)

Lợi dụng cơ hội vua Quang Trung qua đời (1792), tập đoàn phong kiến Nguyễn Ánh từ miền Nam đánh chiếm Phú Xuân (1801), Thăng Long (1802). Kinh đô nhà Nguyễn vẫn đặt ở Phú Xuân, Thăng Long được gọi là Bắc Thành. Hoàng Thành bị phá bỏ, thay vào đó là một toà thành mới hình vuông, xây theo kiểu thành Vô - băng của Pháp. Năm 1831, Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội với tỉnh lỵ là phủ Hoài Đức (thành Thăng Long cũ), Thăng Long được gọi là Hà Nội. Quốc Tử Giám, cơ quan giáo dục cao nhất của đất nước bị dời vào Huế. Tuy không còn là trung tâm chính trị, nhưng Hà Nội lúc đó vẫn là trung tâm kinh tế - văn hoá lớn nhất của cả nước.

Cuối thế kỷ XIX, trước những hành động xâm lược của thực dân Pháp, cùng với nhân dân cả nước, Hà Nội đã đứng lên kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương và người kế nhiệm là Tổng đốc Hoàng Diệu, nhân dân Hà Nội đã anh dũng chống trả các cuộc tấn công của quân Pháp. Nhưng triều đình nhà Nguyễn nhu nhược đã ký "Hiệp ước hoà bình" (1883), công nhận quyền thống trị của Pháp trên cả nước. Hà Nội trở thành đất "bảo hộ" thuộc Bắc kỳ, đặt dưới quyền cai trị của một viên Thống sứ người Pháp. Tháng 7-1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh lập thành phố Hà Nội, gồm đất đai tỉnh lỵ Hà Nội, đứng đầu là một viên Đốc ký.

Chính sách khai thác thuộc địa trên quy mô lớn của thực dân Pháp làm diện mạo của Hà Nội từ đầu thế kỷ XX có nhiều thay đổi. Các cơ sở hạ tầng được hoàn thành, trước hết là mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cầu cống, trong đó có cầu Doumer qua sông Hồng. Thành cổ Hà Nội lại bị phá để xây các khu "khu nhà binh", công sở. Điện Kính Thiên cũng bị phá huỷ, thay vào đó là nhà con Rồng hai tầng dùng làm sở chỉ huy pháo binh (1886). Đi đôi với việc hình thành các "khu phố Tây" (nằm trên các đường Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... ngày nay), một số công trình khác mang phong cách châu Âu được xây dựng, như: Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Ngân hàng Quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, nhà Bưu điện, trường Viễn Đông Bác Cổ, ga Hà Nội...

Mặc dù thực dân Pháp thi hành chính sách đàn áp, khủng bố tàn bạo, phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội thời Pháp thuộc, đặc biệt là sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (2-1930), lúc âm ỉ, lúc rầm rộ, không bao giờ tắt... Ngày 19-8-1945, thực hiện lệnh khởi nghĩa của Uỷ ban Quân sự Cách mạng Hà Nội, hàng vạn nhân dân nội, ngoại thành đã nhất tề xuống đường đấu tranh giành chính quyền...

(Còn nữa)
P.V
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo TW)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com