Hải Lý (Hải Hậu) trước đây được biết đến là vùng làm muối chuyên canh. Tuy nhiên một phần do nghề muối nhọc nhằn, vất vả lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong khi giá bán lại thấp nên diêm dân không còn mặn mà với nghề.
Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa ngành, đa nghề, những năm gần đây, người dân trong xã đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, chuyển đổi nhiều diện tích vườn sang trồng và kinh doanh cây cảnh. Hiện trong xã, thôn xóm nào cũng có hộ trồng cây cảnh nhưng tập trung nhiều ở các thôn Xương Điền, Tây Cát và Văn Lý. Nghề trồng, kinh doanh cây cảnh ở Hải Lý không những tạo nên giá trị thương hiệu của địa phương mà còn tăng thu nhập cho người dân. Tùy quy mô sản xuất, mỗi hộ trồng cây cảnh ở Hải Lý có thể thu về 100-500 triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.
Theo những người trồng cây cảnh lâu năm, chơi cây cảnh là một nghệ thuật, người chơi cây ngoài việc có một vốn kiến thức nhất định thì phải yêu, tâm huyết với cây và phải cần cù chịu khó. Cây từ lúc trồng đến khi hoàn thiện phải chăm chút, uốn tỉa hàng chục năm mới tạo được dáng như mong muốn. Thế nhưng, ở Hải Lý hiện tại đã có hàng trăm người theo được nghề cây, từ cây đã xây được nhà cửa khang trang, nuôi con cái học lên cao. Ông Vũ Viết Văn có vườn cây sanh trị giá nhiều tỷ đồng, trong đó cây si thế trực siêu được khách trả tới hơn chục tỷ đồng những năm 2012-2013. Nguyên là bí thư Đảng ủy xã, ông đã trăn trở lựa chọn phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhiều người dân và gia đình. Từ những năm 1990, ông và một số đảng viên đã tìm hiểu, tham quan các làng nghề trồng cây cảnh và mạnh dạn tiên phong chuyển đổi diện tích vườn cây ăn quả sang trồng cây sanh. Ham học hỏi, cùng với bàn tay tài hoa trong uốn tỉa, tạo dáng thế, những cây sanh của ông Văn được giới yêu cây cảnh đánh giá cao về nghệ thuật và giá trị kinh tế. Từ những đảng viên đi đầu như ông Văn, nhiều người đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sang trồng cây cảnh. Hiện tại, Hải Lý có khoảng 600 hộ trồng cây cảnh và có khoảng 100 lao động hoạt động trong nghề uốn, tỉa, cắt, đánh gốc cây. Từ nghề, đã có 5 nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân sinh vật cảnh (SVC) cấp tỉnh và 2 nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân cấp huyện. Thôn Văn Lý có số người trồng cây cảnh nhiều nhất với 350 hộ, là làng nghề trồng hoa cây cảnh có tiếng trong cả nước.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, ở xóm E, xã Hải Lý, nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh hoàn thiện cây sanh lâu năm trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Hồng Minh |
Cây cảnh ở Hải Lý chủ yếu là cây sanh, si. Do thổ nhưỡng nơi đây quanh năm đón gió biển, cây sanh lớn lên đã mang đặc thù riêng so với các địa phương khác với những thế uốn lượn tự nhiên, đẹp mắt. Tùy theo người chăm cây, trung bình từ cành bé cấy ra đến phôi cấp một rồi hoàn thiện phải mất khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm, có những cây hoàn thiện có thời gian từ 20 đến 30 năm. Nhà ông Mai Công Đĩnh, Chủ tịch Hội SVC xã hiện có 4.000m2 trồng cây cảnh với khoảng 300 gốc sanh, trong đó có 50 cây lâu năm được đánh giá là đẹp và quý. Khách hàng của ông đến từ các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh phía Nam. Để có “cơ ngơi” như ngày hôm nay, ông Đĩnh mất nhiều công sức tìm hiểu về nghề để đạt đến độ “cổ, kỳ, mỹ” trong mỗi dáng cây. Trong đó, cây si “lão giả chi tôn”, được coi là cây “gia bảo” qua 3 thế hệ gia đình được ông trưng trước cửa nhà, rất nhiều khách gần xa đã đến tham quan, thưởng ngoạn. Ông Đĩnh cho biết: “Với vai trò là chủ tịch Hội SVC của xã, bên cạnh việc định kỳ tổ chức các lớp học trồng, cắt, tỉa cây cảnh, tôi thường tổ chức cho hội viên trong xã đi tham quan tại các nhà vườn trong tỉnh và tất nhiên không bỏ qua những buổi triển lãm của nghệ nhân các tỉnh để qua đó bản thân tôi và các hội viên có thêm kiến thức để nâng cao tay nghề. Mỗi gốc cây ở Hải Lý đều có một dáng khác nhau, đều là tâm huyết, công sức và tài hoa của mỗi người gửi vào đó. Từ những khó khăn ban đầu, hiện tại cây cảnh ở Hải Lý đã trở thành thương hiệu của địa phương”.
Dẫn khách tham quan một vòng nhà vườn rộng 5ha, trong đó có hàng trăm cây lâu năm, nghệ nhân SVC cấp tỉnh Nguyễn Văn Đức, thôn Tây Cát mê mải giới thiệu về từng cây sanh, si, tùng la hán có giá trị. Vốn là một ngư dân, những lúc đi biển trở về, anh có thú vui cắt tỉa, chăm sóc cây trên mảnh vườn của gia đình. Tùy theo thế cây, anh uốn, tỉa theo trí tưởng tượng của riêng mình và được nhiều người đến chơi thích thú, hỏi mua. Từ năm 2008 anh bỏ hẳn nghề biển để dành hết tâm huyết cho vườn cây của mình. Vừa trồng, vừa kinh doanh cây cảnh, đến nay anh Đức đã có cơ ngơi hàng tỷ đồng. Không chỉ trồng cây, tạo thế cho cây, trước sự phát triển mạnh mẽ của nghề, những thợ cây cảnh ở Hải Lý như anh Đức còn là những người sưu tầm, thu mua cây ở khắp nơi và hình thành nên chợ cây ở ngay thôn Văn Lý với gần 40 bãi cây của các hộ gia đình trong xóm trưng bày, buôn bán. Những ngày giáp Tết, không khí bán mua ở chợ rất sôi động. Khách có thể chiêm ngưỡng những cây sanh có giá tiền tỉ nhưng cũng có thể hỏi mua được các loại cây cảnh giá vài trăm nghìn đồng, phù hợp với túi tiền, sở thích. Anh Bùi Văn Tình có bãi cây nằm ngay đầu chợ với khoảng 200 cây các loại, trong đó cây lâu năm có gần 100 cây, nhiều cây có giá trị. Với số vốn lưu động từ 1-3 tỷ đồng, hàng ngày, ngoài việc trồng, tạo thế cho cây, anh còn đi đánh, mua thêm các loại cây về bán. Anh cho biết, từ khoảng cuối tháng 11 âm lịch trở đi là thời kỳ “đắt khách” nhất trong năm, trong đó dòng cây hoàn thiện được người chơi hướng tới trong dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng người mua có giảm nhưng giá cây lại lên cao nên các hộ trồng và kinh doanh cây vẫn có lời. Riêng dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh chuẩn bị khoảng 50 cây, để phục vụ nhu cầu của người dân mua về trưng Tết, đón Xuân, phần lớn số cây này đã có người đến đặt mua. Bên cạnh đó, anh cũng chuẩn bị một lượng cây lớn đủ các độ tuổi để bán vào đầu xuân năm mới. Không chỉ anh Tình, những người trồng và kinh doanh cây ở Hải Lý đều mong chờ đến thời điểm này để giao lưu, đón khách, đưa Xuân từ những vườn cây đến muôn nhà.
Nhanh nhạy trong chuyển đổi nghề, nghề trồng và kinh doanh cây cảnh ở Hải Lý không chỉ góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân trong vùng mà còn đóng góp không nhỏ vào đổi thay diện mạo nông thôn mới vùng chân sóng với những sắc màu tươi sáng, rộn ràng đón tiết Xuân sang./.
Hồng Minh