Những ngày giáp Tết, đến tham quan một số mô hình làm kinh tế giỏi của hội viên nông dân trong tỉnh, chúng tôi cảm nhận được sự cần cù, năng động, sáng tạo của những người dân ở các vùng quê. Với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều nông dân đã và đang nỗ lực “biến đất thành vàng”, làm giàu cho gia đình và cho xã hội.
Anh Nguyễn Văn Nam, xóm 7, xã Hải Cường (Hải Hậu) chăm sóc hoa hồng. |
Nông dân 8X đam mê hoa hồng cổ
Chúng tôi đến thăm vườn hồng cổ của anh Nguyễn Văn Nam ở xóm 7, xã Hải Cường (Hải Hậu) khi anh đang chăm chút tỉ mỉ từng gốc hồng, chuẩn bị xuất bán 1.000 cây cho đơn hàng đi Đà Lạt đặt trước Tết. Thời điểm này, hồng cổ Sa Pa đang mùa nở rộ; vân khôi, bạch xếp cũng đua nhau khoe sắc. Dưới cái nắng trong vắt của những ngày cuối đông, thong thả đi trên lối cỏ xanh mềm rơi rắc mấy chiếc lá vàng, ngắm những bông hồng rực rỡ đung đưa, nghe hương hoa thoảng bay trong gió, cảm giác của chúng tôi thật nhẹ nhàng thư thái. Những năm gần đây, hồng cổ chinh phục người chơi bởi vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, kiêu sa và sức sống mãnh liệt, kỹ thuật trồng lại không quá khó, phù hợp với nhiều loại đất và khí hậu. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều gia đình chọn chơi hoa hồng vào dịp Tết do hoa có hương thơm ngọt ngào, màu sắc rực rỡ, mang ý nghĩa đem đến những điều may mắn, tốt lành, thịnh vượng trong năm mới. Nắm bắt thị hiếu người chơi, từ năm 2015, anh chuyển sang trồng hoa hồng. Trong vườn hồng cổ của anh Nam hiện nay có 3 loại chủ đạo là hồng cổ Sa Pa, hồng bạch xếp cổ Nam Định và hồng vân khôi, đều là những giống hoa được thị trường rất ưa chuộng. Đến nay, anh đã có vườn hồng cổ rộng 7.000m2 với số lượng 3.000 gốc, trung bình xuất bán từ 700 đến 1.000 cây/năm. Anh Nam còn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nhân giống, chiết cành, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 1 vạn cây giống.
Không chỉ trồng và kinh doanh hoa hồng, anh đã xây dựng được mô hình trang trại tổng hợp rộng 14.500m2, trồng cây cảnh, nuôi gia súc gia cầm, nuôi thả cá nước ngọt. Qua quá trình sản xuất, kinh doanh, gia đình anh đã có tích lũy và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Hàng năm, anh nuôi giống từ lợn sữa lên lợn choai với tổng đàn khoảng 200-300 con, xuất bán sang thị trường Trung Quốc làm lợn quay; nuôi 2 lứa gà lai chọi thương phẩm với 300 con/lứa; nuôi thả một số loại cá truyền thống trên diện tích mặt nước 5.000m2 bằng nguồn thức ăn tại chỗ, xuất bán 4-5 tấn cá; đồng thời còn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương sản xuất tinh bột nghệ, bột sắn, cung ứng cho thị trường miền Nam từ 1,5-2 tấn. Hơn 10 năm qua, sau khi xây dựng gia đình, ở lại quê hương lập nghiệp, từ số vốn ban đầu vỏn vẹn 30 triệu đồng và diện tích đất vườn do ông bà nội cho mượn, anh Nam đã mua thêm đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, tạo dựng được cơ ngơi nhiều người mơ ước. Sau khi trừ chi phí trung bình hàng năm gia đình anh có thu nhập gần 500 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi về định hướng phát triển tới đây, anh Nam ấp ủ dự định sẽ chiết xuất hoa hồng được trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu làm đẹp; đồng thời xây dựng khu hồ câu cá giải trí ở giữa trang trại hoa hồng với những lều câu lợp lá dừa để mọi người đến tham quan, trải nghiệm, thư giãn. Tin rằng, với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, luôn năng động, sáng tạo cái mới, ước mơ của người nông dân đam mê hoa hồng sẽ sớm trở thành hiện thực.
Lão nông với mô hình trồng cây ăn quả
Ông Lại Viết Cường, xóm 8, xã Nam Vân (thành phố Nam Định) chăm sóc vườn cây của gia đình. |
Nằm liền kề với các vùng trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng, trước đây, nhà vườn Cường Lan của gia đình ông Lại Viết Cường, xóm 8, xã Nam Vân (thành phố Nam Định) chuyên trồng quất cảnh từng tấp nập khách đến mua vào mỗi dịp Tết. Cây quất cho thu nhập cao và ổn định, song mất nhiều công chăm sóc, lại phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Mấy năm gần đây, ông chuyển sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vườn được quy hoạch gọn gàng, đẹp mắt với những gốc cam trĩu quả vàng óng, vùng trồng cây giống tươi tốt, những khu nuôi gà thịt, gà đẻ riêng biệt, ông Cường không giấu được niềm vui. Từ 1,2 mẫu ruộng trồng lúa kém hiệu quả, gia đình ông thuê thêm nhân công đắp bờ, đào ao, thực hiện mô hình trên làm vườn trồng cây ăn quả và chuồng trại nuôi gà vịt, dưới ao nuôi cá. Có được thành công hôm nay, trong quá trình chuyển đổi, ông đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, đi tham quan, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Đất không phụ công người sớm hôm vất vả, cần mẫn; đến nay, ông đã sở hữu vườn cây ăn quả vài trăm gốc với đủ các loại mít, bưởi, na thái, na ta, hồng xiêm, xoài, cam… Trong sản xuất, kinh doanh, ông luôn nắm bắt nhu cầu thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm. Mô hình VAC khép kín của gia đình ông đảm bảo thân thiện với môi trường, cung ứng cho người tiêu dùng các loại nông sản an toàn và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Mạnh dạn đi đầu trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, gia đình ông có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Ông còn thường xuyên giúp đỡ các hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm cho 8-12 lao động theo thời vụ với mức thu nhập 150-200 nghìn đồng/người/ngày.
Rời trang trại của các nông dân khi những vạt nắng chiều nhảy nhót trên vòm lá đã nhạt màu, khi những chú chim líu lo rộn ràng gọi nhau về tổ, được chứng kiến không khí lao động, sản xuất hăng say và hòa mình vào màu xanh dịu mát của những vườn cây sum suê hoa trái, chúng tôi càng thấm thía câu ca của cha ông: “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” (!). Thành quả mà những người nông dân có được hôm nay, ngoài sự cần cù, chăm chỉ còn là sự đáp đền xứng đáng của đất đai dành cho những người luôn thủy chung, gắn bó./.
Bài và ảnh: Lam Hồng