Người thợ tham gia xây dựng Lăng Bác ngày ấy

07:02, 08/02/2021

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) được mệnh danh là “công trình lòng dân”, bởi không chỉ được xây dựng bằng những vật liệu quý do nhân dân tuyển chọn đưa về từ khắp mọi miền của Tổ quốc mà còn có sự đóng góp của những người thợ giỏi ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nam Định vinh dự có 5 người thợ mộc góp sức tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó có cha con ông Nguyễn Minh Thiêm ở thôn Gia Hòa, xã Nam Cường (Nam Trực).

Đến thăm xưởng mộc của ông Nguyễn Minh Thiêm ở ven tỉnh lộ 490C, chúng tôi bắt gặp không khí lao động sản xuất tấp nập với âm vang của tiếng máy xẻ gỗ, tiếng bào, tiếng đục... Trong phòng khách treo trang trọng hai Bằng khen của Ban Phụ trách xây dựng Lăng trao cho người cha Nguyễn Ngọc Ao và con trai Nguyễn Minh Thiêm vì đã có thành tích tham gia xây Lăng Hồ Chủ tịch. Cạnh đó là bức ảnh đen trắng chụp toàn bộ đội thợ trong xưởng mộc thời điểm năm 1975. Bằng giọng nói sôi nổi, nụ cười hào sảng, ông Thiêm tự hào khi nhắc lại truyền thống gia đình với những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời. Khi đó, để khởi công xây dựng công trình Lăng Bác, Trung ương đã lựa chọn những người thợ tài hoa từ những vùng nổi tiếng về nghề mộc như: Gia Hòa (Nam Định), Cao Đà (Hà Nam), Thái Yên (Hà Tĩnh) và Yên Thế (Bắc Giang)… về thi công những chi tiết bằng gỗ cho công trình. Cụ Nguyễn Ngọc Ao, bố của ông Thiêm khi đó là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã mộc Sơn Lâm, xã Nam Giang (Nam Trực), kiêm tổ trưởng tổ kỹ thuật, là người nức tiếng giỏi nghề. Hai cha con ông đã được hợp tác xã bỏ phiếu tín nhiệm là những người có đạo đức, sức khỏe và lành nghề nhất để đi kiểm tra tay nghề và đã vượt qua tất cả các vòng tuyển lựa, được “biên chế” làm thành viên trong đoàn thợ của tỉnh đi xây dựng Lăng Bác. Ông Thiêm nhớ lại, khi cùng nhóm thợ đến Quảng trường Ba Đình, phần móng của Lăng đã được hoàn thiện. Đội thợ mộc nhận nhiệm vụ làm việc tại công trường dã chiến trên đường Ngọc Hà cạnh Lăng Bác. Cụ Nguyễn Ngọc Ao, khi đó đã 55 tuổi, còn Nguyễn Minh Thiêm vừa tròn 16 tuổi. Vốn xuất thân trong một gia đình làm nghề mộc truyền thống nổi tiếng cả vùng nên ngay từ đầu, cha con ông Thiêm đã được cán bộ phụ trách và anh em đồng nghiệp yêu mến. Là người thông minh và khéo tay, lại chăm chỉ thực hành, nên dù còn nhỏ tuổi, Nguyễn Minh Thiêm đã thành thạo nét nghề, sớm được theo ông và bố đi khắp các vùng đóng giường tủ, làm kèo cột, chế tác cày bừa, máy dệt cửi, đồ chơi gỗ cho trẻ nhỏ... Do thạo nghề từ sớm đã đem lại cho ông vinh dự là người thợ trẻ tuổi nhất tham gia xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch. Sau một thời gian được thử nghiệm tay nghề bằng việc đóng bàn ghế, làm đồ nội thất, tháng 1-1975, cha con ông Thiêm cùng đội thợ bắt đầu làm các hạng mục cầu thang, cánh cửa trong Lăng. Khi làm các bộ cửa của Lăng Bác, các nghệ nhân đã trổ tài trong một cuộc thi để chắt lọc những tinh hoa của ngành mộc cổ truyền dân tộc, làm nên một kiểu mộng cửa chắc nhất, bền nhất, đẹp nhất cho công trình. Yêu cầu kiểu mộng này làm từ gỗ trắc, có kết cấu từ bên trong, không có ke, không có chốt, đủ sức giữ thăng bằng tấm cửa nặng khi mỗi lần đóng, mở. Cuối cùng kiểu mộng được nhiều người khen nhất, là kiểu mộng được cha con ông Thiêm sáng tạo. Đây là kiểu mộng mang cá (còn gọi là mộng kép) giúp ghép hai chi tiết gỗ khít với nhau, có yêu cầu cao về thẩm mỹ, độ chịu lực giúp cánh cửa đẹp và vững. Khi đóng, mở cửa những đường vân, thớ gỗ ở hai bên má mộng vẫn có bước chuyển nối nhau, trông như một phiến gỗ, không nhìn thấy một khớp nối nào. Ban Phụ trách xây dựng Lăng đã phê duyệt kiểu mộng mang cá do cha con ông Thiêm sáng tạo làm kiểu mộng chung cho tất cả cửa gỗ trong công trình Lăng Bác. Riêng Nguyễn Minh Thiêm thành thạo cách làm mộng của cha vinh dự được giao đóng cửa chính. Trong quá trình làm, ông đều ý thức việc làm của mình là vinh dự, trách nhiệm, vừa là tấm lòng, tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu. Với không khí làm việc khẩn trương, ông cùng các tốp thợ xẻ, thợ mộc, thợ xây, thợ hàn xì, thợ đục đá... đến từ khắp các vùng miền trong cả nước đều có chung tinh thần làm việc hăng say, không quản ngại khó khăn, vất vả. Những lúc giải lao, ông Thiêm lại tranh thủ tận dụng từ những thanh gỗ vụn tại công trình làm một chiếc đàn bầu để anh em trong đội thợ đánh đàn thư giãn, tạo động lực cho những ngày làm việc mới. Thời gian làm việc tại công trường, những người thợ đã vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Vũ Kỳ thư ký riêng của Bác và đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam tới thăm và khích lệ tinh thần. Sau hơn một năm miệt mài, dưới bàn tay của những người thợ mộc tài hoa, những bộ cánh cửa, bàn ghế, tay vịn cầu thang cùng trang thiết bị nội thất thuộc công trình Lăng đã được hoàn tất, đảm bảo yêu cầu về cấu trúc, thẩm mỹ theo đúng thiết kế, hoàn thành đúng thời gian dự kiến.

Giờ đây cụ Nguyễn Ngọc Ao không còn nữa nhưng tấm Bằng khen ghi nhận thành tích của cụ vẫn còn; chiếc đàn bầu kỷ vật của ông Thiêm làm ngày ấy thỉnh thoảng vang lên những giai điệu thiết tha về Bác Hồ kính yêu. Đó là lúc ông Thiêm hồi tưởng lại những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình./.

Hồng Minh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com