(Tiếp theo và hết)
Trước nguy cơ dễ gây mất an toàn cho chính người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông của xe máy điện, xe đạp điện, thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; nhắc nhở, xử phạt hành chính với những trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng học sinh, sinh viên đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây tai nạn giao thông vẫn chưa giảm đáng kể; đòi hỏi các cơ quan chức năng phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý. Bên cạnh đó là sự vào cuộc nhắc nhở, giám sát nghiêm túc của mỗi gia đình, nhà trường đối với con em khi tham gia giao thông bằng phương tiện này.
Học sinh huyện Hải Hậu tìm hiểu các quy định về an toàn giao thông. Ảnh: Hoa Xuân |
Tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm
Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện là phương tiện giao thông thô sơ, do đó, tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật cũng như công tác quản lý đối với xe đạp điện và người điều khiển xe đạp điện… không bị điều chỉnh chặt chẽ như đối với phương tiện giao thông cơ giới. Trên thực tế, dù được xếp vào loại xe thô sơ nhưng tốc độ của xe đạp điện có thể lên đến 50 km/h. Việc chưa có quy định về hành vi điều khiển xe đạp điện đối với người dưới 16 tuổi cũng đang là một thực tế bất cập ảnh hưởng đến công tác quản lý phương tiện xe đạp điện nói riêng, trật tự an toàn giao thông nói chung. Cụ thể, trong Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện không phải đăng ký, cấp biển số, người điều khiển không bắt buộc phải có giấy phép lái xe… Do không phải thi giấy phép lái xe nên hầu hết người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện trong độ tuổi học sinh chưa được học kỹ năng lái xe, học Luật Giao thông đường bộ... như người điều khiển các phương tiện cơ giới khác. Em Nguyễn Hải Minh, học sinh Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định) thừa nhận, dù đã mua và sử dụng xe đạp điện để đi học được hơn 2 năm nhưng chưa từng tìm hiểu các quy định về trật tự an toàn giao thông. “Em chỉ nghĩ đơn giản là mua xe để đi học, hàng ngày khi tham gia giao thông, bố mẹ, thầy cô cũng chỉ căn dặn là đi lại cẩn thận thôi”. Đáng nói, công tác tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông cho người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, nhất là trong các trường học thời gian qua chưa được coi trọng; việc xử lý vi phạm chưa thực hiện nghiêm, thường xuyên; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường chưa được chặt chẽ nên vi phạm vẫn tái diễn. Để ngăn ngừa tai nạn giao thông từ xe đạp điện, xe máy điện, hạn chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên đã có các chương trình phối hợp tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đến học sinh, sinh viên; yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn giao thông, như luôn đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện; tuyệt đối không đua xe, lạng lách, đánh võng, chạy xe hàng ba đùa giỡn, sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông; ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức các cuộc thi “Giao thông học đường”, “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; đưa vào sử dụng trong nhà trường các tài liệu Kỹ năng tham gia giao thông an toàn, Giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh phổ thông… Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các huyện, thành phố… cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe đạp điện vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định, cần tổng hợp, gửi thông báo về UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người điều khiển để có biện pháp giáo dục, răn đe. Yêu cầu học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ. Kiên quyết xử lý các trường hợp đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định… Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm và gửi thông báo về nhà trường. UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thống kê, rà soát số lượng xe đạp điện của người dân trên địa bàn để có biện pháp quản lý phù hợp; tổ chức giáo dục các trường hợp vi phạm khi có thông báo của cơ quan chức năng. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xử phạt nghiêm các hành vi sai quy định của người tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện, các cơ quan chức năng cần sớm đẩy nhanh việc đào tạo cũng như cấp chứng chỉ cho người đi xe điện. Gắn trách nhiệm của gia đình cùng với nhà trường trong tuyên truyền, giáo dục học sinh tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật. Về phía gia đình, phụ huynh không nên chủ quan cho con em mình sử dụng xe đạp điện khi còn quá nhỏ tuổi; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe đạp điện để kịp thời phát hiện, sửa chữa những hỏng hóc; đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc hướng dẫn, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Và để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe đạp điện, cần tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường… trong kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe đạp điện. Xe nhập khẩu phải có chứng từ nhập khẩu do Hải quan cấp, phải đăng ký kiểm tra chất lượng, được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, dán tem chất lượng trước khi lưu thông. Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra chất lượng xe lưu thông trên thị trường, đánh giá thông số kỹ thuật, chất lượng của các cơ sở kinh doanh định kỳ hàng năm.
Hướng tới mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện rất cần sự quan tâm, chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Trong đó, quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ ý thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, tai nạn giao thông liên quan xe đạp điện, xe máy điện hoàn toàn có thể kiểm soát, phòng tránh được nếu người tham gia giao thông, nhất là học sinh, sinh viên tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm túc quy định về tốc độ, đội mũ bảo hiểm và quy tắc giao thông./.
Xuân Thu - Hoa Xuân
[links()]