Cây khoai môn trên đất Đồng Sơn

07:08, 21/08/2020

Nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xã Đồng Sơn (Nam Trực) đang tạo điều kiện để HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Đồng phối hợp với doanh nghiệp triển khai mô hình trồng cây khoai môn, mã thầy mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và mở hướng phát triển sản xuất mới cho địa phương.

Cây khoai môn phát triển tốt trên đồng đất Đồng Sơn, năng suất đạt 8-9 tạ/sào.
Cây khoai môn phát triển tốt trên đồng đất Đồng Sơn, năng suất đạt 8-9 tạ/sào.

Chúng tôi về HTX Nam Đồng đúng thời điểm Công ty TNHH Phúc Anh (thành phố Nam Định) đang tổ chức thu hoạch lứa khoai môn đầu tiên sau hơn 8 tháng xuống giống. Những củ khoai môn căng tròn, có củ nặng tới hơn 1kg đang được tập kết về trụ sở HTX để sơ chế, cắt bỏ lá, phân loại đóng bao xuất bán cho khách hàng. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, cán bộ quản lý của Công ty cho biết: Khoai môn trồng trên đất Nam Đồng củ đều, ruột thơm, có độ bở cao và ít thối nên khách hàng rất ưa thích. Công ty vừa xuất bán cho các đại lý tại khu vực miền Nam hơn 40 tấn củ với giá bình quân 28 nghìn đồng/kg… Để có được kết quả này, tháng 11-2019, lãnh đạo Công ty TNHH Phúc Anh đã về tìm hiểu và quyết định chọn thuê 110 mẫu ruộng của nông dân tại các cánh đồng Din, Láng, Xát và Cồn Ổi. Để bảo đảm việc thuê đất của doanh nghiệp và cho thuê đất ruộng của người dân đúng quy định, Đảng ủy xã Đồng Sơn đã chỉ đạo UBND xã tổ chức họp bí thư, trưởng các thôn, xóm có ruộng cho thuê để quán triệt chủ trương của xã, mức tiền và thời hạn cho thuê; tiếp đó các thôn, xóm tổ chức họp thôn để lấy ý kiến của người dân, trên cơ sở đó thống nhất ký hợp đồng thuê đất giữa các bên liên quan trước sự chứng kiến của đại diện cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Theo thỏa thuận, thời hạn Công ty TNHH Phúc Anh thuê đất ruộng là 5 năm liên tục, tiền thuê đất ruộng được Công ty trả mỗi năm 1 lần với giá 400 nghìn đồng/sào/vụ; còn HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Đồng đảm nhận hỗ trợ khâu dịch vụ nước tưới. Được cấp ủy, chính quyền xã tạo điều kiện, người dân đồng thuận giao đất ruộng tập trung, Công ty TNHH Phúc Anh đã tiến hành phá bờ quai, san phẳng mặt ruộng, đắp ấp trúc bờ vùng, xây dựng hệ thống cống tưới, tiêu nước. Sau đó tiến hành dọn ruộng, làm đất để diệt cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng; riêng đối với 45 mẫu trồng cây khoai môn được đánh luống rộng khoảng 1m, mỗi luống cách nhau 40cm. Nguồn giống cây do Công ty nhập khẩu từ Trung Quốc, cây mã thầy trồng với khoảng cách khóm cách khóm 70cm; cây khoai môn trồng cây cách cây 25cm. Theo đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Đồng thì đây là giống cây không khó trồng, ít sâu bệnh, khả năng chịu úng ngập tốt và không mất nhiều công chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc cây cần chú ý làm sạch cỏ, giữ nước mặt ruộng để hạn chế sâu bệnh, nhất là bệnh thối thân cây, sâu lá, sương mai và chuột phá hoại ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khoai thương phẩm. Nhờ được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên toàn bộ diện tích khoai môn, mã thầy đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Hiện, Công ty đã thu hoạch khoai môn, năng suất bình quân đạt từ 8-9 tạ/sào; hơn 20 mẫu cây mã thầy, năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/sào. Với giá bán khoai môn hiện tại thì mỗi sào cho giá trị thu nhập cao hơn cấy lúa 7-8 lần. Bước đầu làm ăn hiệu quả, Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng, cao điểm chính vụ 20-30 lao động địa phương. Theo đại diện Công ty TNHH Phúc Anh, thị trường tiêu thụ củ khoai môn khá rộng nên không lo đầu ra, tuy nhiên cây mã thầy hiện tại khó khăn do dịch bệnh COVID-19 vì thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Hiện, toàn bộ sản phẩm cây mã thầy đã thu hoạch được Công ty bảo quản trong kho lạnh chờ xuất bán khi thị trường hoạt động bình thường trở lại.

Chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với thị trường mới này bước đầu đạt hiệu quả khá trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo; gợi mở hướng phát triển mới ở vùng đất thuần nông này, nhất là trong điều kiện người lao động địa phương đang có xu hướng “ly nông” chuyển sang làm công nhân tại các doanh nghiệp hoặc làm các dịch vụ khác đang phát triển mạnh ở địa phương có thu nhập cao và ổn định hơn so với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đây là giống cây trồng mới nên ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, HTX Nam Đồng cần tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, phù hợp với quy hoạch chung, bảo vệ người nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và gia tăng nguồn thu cho người dân địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com