Nghề làm chậu cảnh bằng cây song

06:07, 17/07/2020

Trước đây, đa phần cây cảnh, cây hoa đều được trồng trong các chậu bằng sành, đất nung, xi măng, nhựa… Nhưng theo xu hướng hiện nay, nhiều người chơi cây thích có khoảng không gian gần gũi với thiên nhiên, do đó, cây cảnh, cây hoa trồng trong chậu làm bằng gỗ, mây, song… ngày càng được ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu đó, bà Tạ Thị Dư, xóm Hồng Cát, xã Nam Hồng (Nam Trực) đã phát triển nghề làm chậu cảnh bằng cây song tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là lao động nữ.

Bà Tạ Thị Dư, xóm Hồng Cát, xã Nam Hồng (Nam Trực) làm chậu cây cảnh bằng cây song tại xưởng.
Bà Tạ Thị Dư, xóm Hồng Cát, xã Nam Hồng (Nam Trực) làm chậu cây cảnh bằng cây song tại xưởng.

Bà Tạ Thị Dư vốn là một giáo viên mầm non. Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn nhận thêm việc trông trẻ, làm ruộng, nuôi con lợn, con gà để tăng thu nhập. Quanh năm bận rộn với ruộng đồng nhưng kinh tế của gia đình bà không khá giả lên được bao nhiêu. Để có thêm thu nhập, chồng bà Dư ra Hà Nội tìm việc làm. Ông xin vào làm công nhân sản xuất chậu cảnh bằng cây song cho Công ty TNHH Hà Linh. Năm 2014, khi công ty mở rộng quy mô sản xuất, thành lập các vệ tinh ở nhiều tỉnh, thành phố, ông đã đề xuất với ban giám đốc xin nhận sản phẩm về nhà cho bà Dư làm. Nhận thấy có thể phát triển nghề, bà Dư đồng ý với chồng, sửa sang lại nhà cửa, học nghề, đào tạo thợ chuẩn bị các công đoạn thành lập xưởng sản xuất. Theo đó, bà nhận bản mẫu, nhập cây song từ công ty về mày mò, nghiên cứu học cách làm. Có bản mẫu, bà Dư thuê thợ cắt cây song ra thành từng khúc theo kích thước, đánh sạch cho vào máy sấy hấp để loại bỏ nấm mốc. Sấy hấp xong bà Dư tiến hành uốn các khúc cây thành khung cho chậu hoa. Để các chậu cây chắc chắn, đảm bảo yếu tố mỹ thuật, bà Dư còn dùng mây buộc mối cố định. Hoàn thành xong sản phẩm, bà Dư cùng những người thợ tiến hành vệ sinh, đánh bóng các chậu cây và nhập lại cho công ty. “Chậu cảnh làm bằng cây song có rất nhiều ưu điểm, mang nét đẹp của thiên nhiên, sang trọng, thích hợp cho việc sử dụng để trang trí cho các ban công, thềm nhà, văn phòng, căn hộ, khu vườn... Trồng cây trong các chậu này rất tốt vì chậu không tiếp nhận nhiều nhiệt lượng từ môi trường bên ngoài nên không gây nóng cho cây, không cần chăm sóc và tưới nhiều. Ngoài ra, chậu cây cảnh bằng song còn giúp điều hòa chất dinh dưỡng nuôi cây, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vì làm bằng gỗ nên trong quá trình sử dụng, hấp thụ nguồn nước, chậu sẽ xuất hiện tình trạng bị đọng nước, nhanh mục nát. Vì vậy không nên để chậu ở nơi có nước hay ẩm ướt. Ngoài ra cũng cần thường xuyên kiểm tra bộ phận màng lót và không nên để quá nhiều đất trong chậu”… bà Dư lưu ý một số cách sử dụng. Cũng theo bà Dư, làm chậu cây cảnh bằng cây song không khó vì đã có thiết kế. Tuy nhiên để uốn được những chậu cây đẹp, tròn trịa vẫn cần có sự khéo léo, kiên trì của những người thợ. Công đoạn uốn chậu là quan trọng nhất. Uốn làm sao để khi thành hình các chậu cây trông vừa mềm mại lại giữ đúng kích thước của bản vẽ. “Hồi mới mở xưởng, tôi được các kỹ thuật viên của công ty về hướng dẫn cách làm một vài hôm. Nắm bắt được quy trình là một chuyện, làm thành thạo, làm đẹp lại là một chuyện khác. Để làm ra những sản phẩm như bây giờ, đối với tôi là cả quá trình học hỏi, rút kinh nghiệm và không thiếu những sản phẩm lỗi phải bỏ đi ”, bà Dư cho biết. Đến nay, với 25 thợ, trong đó có 15 phụ nữ, chia làm 2 tổ, 1 tổ chuyên cắt, 1 tổ chuyên buộc mây, mỗi ngày cơ sở của bà Dư sản xuất được từ 60-70 sản phẩm. Trừ chi phí, mỗi năm bà thu được trên 100 triệu đồng. “Lợi ích lớn nhất của xưởng là tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là lao động nữ. Hiện tôi đang trả lương cho các công nhân trong xưởng từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài làm ở xưởng, người lao động muốn nâng cao thu nhập có thể nhận hàng về nhà làm thêm”, bà Dư chia sẻ. Gắn bó với xưởng sản xuất chậu cảnh bằng cây song từ những ngày đầu, tính đến thời điểm hiện tại, bà Tạ Thị Nụ, xã Nam Hồng cũng đã có thời gian làm ở xưởng khoảng gần 4 năm, là một trong những thợ lành nghề nhất của xưởng sản xuất. Công việc mang lại cho bà thu nhập ổn định hàng tháng. Quan trọng hơn, nó phù hợp với điều kiện sức khoẻ của bà: “tuổi của tôi hiện cũng đã khá cao, không làm được những việc nặng ngoài đồng ruộng, xin đi làm công nhân tại các khu công nghiệp cũng không ai nhận. Khi bà Dư mở xưởng, chị em phụ nữ trong xóm chúng tôi rất phấn khởi, nhiều người đến xin làm. Quá trình làm việc, chúng tôi có thêm thời gian để trò chuyện, chia sẻ, tâm tình với nhau những công việc nhà cũng như việc trong thôn xóm. Tình làng nghĩa xóm do đó thêm khăng khít. Chưa kể, thu nhập ở xưởng hơn làm ruộng rất nhiều, lại được ở gần nhà, không tốn chi phí đi lại. Tôi rất yêu thích công việc này, một ngày không đi làm, tôi thấy nhớ các chị em, nhớ xưởng”, bà Nụ vui vẻ cho biết.

Mạnh dạn tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, đến nay bà Dư đã tạo dựng được một cơ ngơi khang trang, sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền cho gia đình. Điều kiện kinh tế dư dả còn giúp bà tái đầu tư sản xuất, mua thêm các loại máy móc hiện đại như hệ thống máy hấp sấy, máy bắn kim loại phục vụ nhu cầu sản xuất. Không giấu kinh nghiệm, bà sẵn sàng chia sẻ cách làm chậu cây cho những ai muốn học hỏi, phát triển nghề, do đó có nhiều phụ nữ đến học hỏi, tham quan mô hình. Mong muốn lớn nhất của bà hiện nay là mở rộng hơn nữa quy mô nhà xưởng, mua thêm được nhiều máy móc hiện đại để giải phóng bớt sức lao động trong những khâu khó, nặng nhọc. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, là tạo ra nhiều việc làm cho người lao động địa phương, nhất là chị em hội viên phụ nữ để có thu nhập, việc làm ổn định, nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình./. 

Bài và ảnh: Hoa Xuân 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com