Ngọt bùi hương vị bánh rang Cát Thành

07:07, 31/07/2020

Bánh rang là loại bánh đặc biệt, mang hương vị riêng của mảnh đất Cát Thành (Trực Ninh). Sau hàng trăm năm, đến nay, người dân Cát Thành vẫn giữ gìn nghề truyền thống này. 

Bà Phạm Thị Thơm, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) với các công đoạn làm bánh rang.
Bà Phạm Thị Thơm, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) với các công đoạn làm bánh rang.

Về thị trấn Cát Thành lúc xế chiều, chúng tôi tìm đến cơ sở làm bánh của bà Phạm Thị Thơm đúng lúc bà đang trong bếp rán mẻ bánh thơm ngon. Trong gian bếp nhỏ bập bùng ánh lửa, bà Thơm đang nhanh tay đảo bánh để bánh chín đều, không bị cháy. Những chiếc bánh đua nhau phồng to ra, nổi trên mặt chảo dầu ăn đang sôi sục. Tuy trên địa bàn thị trấn vẫn còn khoảng 20 cơ sở làm món bánh truyền thống này nhưng theo những người dân ở đây, bánh rang của nhà bà Thơm là ngon nhất, giữ được đúng hương vị bình dị vốn có, không bị pha tạp bởi các hương liệu phụ gia khác. Bà Thơm cho biết: “Từ nhỏ tôi đã được mẹ dạy cho cách làm bánh rang. Đối với tôi, bánh rang không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là một nét tinh hoa ẩm thực của quê hương Cát Thành. Cũng như nhiều loại bánh truyền thống khác, bánh rang được tạo nên từ những nguyên liệu bình dị của quê hương. Chính vì vậy, đối với những người con xa xứ, mỗi lần về quê đều mong muốn được thưởng thức món bánh này và mua đi làm quà biếu người thân, bạn bè. Bánh rang vì thế mà có mặt ở khắp mọi nơi, từ Lạng Sơn, Cao Bằng cho tới các tỉnh, thành phố phía Nam”. Dụng cụ làm bánh rất đơn giản, đều là những vật dụng quen thuộc ở mỗi làng quê. Chỉ cần cái thúng, cái nia, chày, cối, chậu, phên tre để phơi bánh... là đã có thể bắt tay vào nghề. Ngồi trò chuyện với bà Thơm, “mục sở thị” các công đoạn làm bánh mới thấy được sự cầu kỳ khi làm loại bánh này. Để làm được bánh rang phải trải qua nhiều công đoạn và phải qua nhiều ngày mới có thể tạo ra được một mẻ bánh. Trước tiên là công đoạn chọn nguyên liệu. Gạo nếp, khoai sọ, vừng..., tất thảy đều được chọn lựa kỹ càng. Hạt gạo nếp phải trắng thơm, mẩy, đều hạt; khoai sọ phải là khoai mới được thu hoạch giữ được vị ngọt, bở... Còn nếu là khoai đã thu hoạch lâu thì bà Thơm sẽ chọn những củ nhỏ, không chọn củ cái, vì để lâu ngày củ cái thường bị sượng. Sau quá trình chọn mua, nguyên liệu sẽ được làm sạch. Tiếp đến bà Thơm ngâm gạo, đồ gạo với khoai sọ nghiền nhỏ. Sau khi đồ lần 1, cơm được đổ ra, để cho thật nguội, sau đó lại cho trở lại nồi hơi đồ lên một lần nữa để đạt tới độ dẻo nhất định. Lúc này, cơm được dàn thành mảng lớn và cắt thành những miếng bánh hình chữ nhật, hình vuông... tùy theo chủ ý của người làm. Sau đó, bánh sẽ được phơi từ 4-5 nắng. Đây là công đoạn quan trọng giúp cho bánh mềm. Thời điểm phơi nắng thích hợp nhất là phơi vào lúc sáng sớm và xế chiều. Thời điểm này, nắng đã dịu đi nhiều, không còn gay gắt nữa. Khi bánh phơi đủ nắng sẽ được đem ra rán nổi trong chảo dầu rồi vớt ra, trộn với mật và cuối cùng là lăn vừng để tạo lớp vỏ hoàn chỉnh. Theo bà Thơm, một chiếc bánh rang với lớp vừng phủ đều, không quá dày, cầm trên tay thấy xốp, khi ăn thấy mềm, thơm, ngậy, bùi thì mới đạt tiêu chuẩn. Biết bao công phu, tỉ mỉ của người làm bánh nhưng một túi bánh rang 500gr có giá thành khá rẻ, khoảng 25-30 nghìn đồng. Thu nhập ít, thời gian dành cho việc làm bánh thì lại quá nhiều, nhưng với bà, gìn giữ hương vị cổ truyền qua món bánh rang không chỉ nối dài ký ức về hương vị quê hương từ xa xưa mà còn là cách lưu giữ tình yêu với mảnh đất Cát Thành. Nếu là người yêu thích hương vị truyền thống thì không gì thú vị hơn việc thưởng thức bánh rang cùng với một tách trà nóng hổi để cảm nhận vị bùi thơm của vừng, vị ngọt của mật, của gạo nếp, khoai sọ, những nguyên liệu đượm vị đồng quê. Đặc biệt với những người con ở xa quê, thưởng thức bánh rang giúp họ cảm nhận được hương vị quê nhà.

Nhịp sống hiện đại hối hả, không còn nhiều gia đình tự làm các loại bánh đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nhờ có những người “thợ lành nghề”, các loại bánh dân gian vẫn giữ hương vị đậm đà vốn có. Nghề làm bánh rang gắn bó với người dân Cát Thành đã từ rất lâu. Hơn cả một công việc giúp người dân có thêm thu nhập, đây còn là một nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống mà người dân nơi đây gìn giữ cho thế hệ mai sau./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com